Khắp các ngã đường quê giáp với Quốc lộ 1 ở tỉnh Phú Yên, người người khăn gói chờ đón xe đò vào TP HCM tìm kế sinh nhai. Chỉ một số ít trong số đó làm thợ hồ còn phần lớn vào đây bán vé số, đậu phộng luộc, thậm chí... xin ăn để kiếm sống. Chạnh lòng khi một người bạn hỏi vui: “Sao quê ông nhiều người “làm thơ” vậy? Vào TP HCM gặp ai quê ông, hỏi cũng bảo rằng đi “làm thơ”. Giọng Phú Yên “làm thơ” là “làm thuê” đó mà!
Họ đi hết rồi!
Chiều, trên con đường quê của thôn Tân Mỹ, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên, họa hoằn lắm mới gặp được một người, mà lại lớn tuổi, đang đi tìm cháu. Ngoài đồng, lúa đang chín rộ nhưng chẳng tìm đâu ra không khí khấp khởi của mùa gặt.
Trong làng, nhiều ngôi nhà khang trang im ỉm khóa. Nhìn vào trong sân, lá khô rụng đầy. Thỉnh thoảng, trên đường, một nhóm trẻ trạc 11-12 tuổi đang say sưa chơi game trong chiếc điện thoại đời mới. Hỏi nhà trưởng thôn, một em đưa tay rồi bảo “đi tới, rẽ trái, đi một đoạn rồi rẽ phải…” trong khi mắt vẫn dán vào trò chơi.
Một trong những ngôi nhà ở thôn 2, xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa bỏ hoang nhiều năm Ảnh: TUẤN MINH |
Ông Nguyễn Văn Thiện, trưởng thôn Tân Mỹ, đang lo sẽ chẳng tìm ra công để thu hoạch lúa. “Họ đi hết rồi. Đến 70% số hộ ở đây bỏ làng vào TP HCM bán vé số, đậu phộng. Có nhà đi hết, chỉ còn mấy đứa lóc nhóc gửi cho ông bà trông nom. Cả thôn với hơn 2.800 nhân khẩu nhưng giờ chủ yếu chỉ còn trẻ nhỏ và người già” - ông trưởng thôn nói.
Nhiều ngôi làng ở Phú Yên cũng giống như Tân Mỹ. Ông Phan Văn Đông - trưởng thôn Mỹ Thạnh Nam, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa - cho biết trong số hơn 500 hộ dân với trên 1.400 nhân khẩu ở xã này, có hơn một nửa đi bán vé số, làm thuê ở TP HCM.
Còn tại xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, “lượn” quanh xóm làng, cuối cùng chúng tôi cũng gặp vài cụ già ngồi trò chuyện ở một góc ngã ba đường. Theo lời các cụ, vào làng những ngày này rất khó tìm được thanh niên vì họ đi làm ăn xa hết rồi. Toàn xã có khoảng 7.800 nhân khẩu thì 5.400 người đi làm ăn xa. Trong 20 năm qua, đã có khoảng 4.000 người cắt hộ khẩu khỏi xã.
Thiếu bố mẹ, những nhóm trẻ mải mê với các trò chơi trên điện thoại ở thôn Tân Mỹ, xã Hòa Phú, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên Ảnh: HỒNG ÁNH |
Bà Lê Thị Loan (ngụ thôn 2, xã Thiệu Giao) cho biết thấy nhiều người bỏ vào miền Nam buôn đồng nát, làm thuê kiếm sống được, lại không vất vả như làm ruộng nên người dân lũ lượt kéo nhau vào Nam mưu sinh. “Lúc đầu, họ chỉ đi có vợ chồng là chính, giờ đây hầu như gia đình nào cũng đưa con cái, bố mẹ đi theo hết nên ở thôn tôi nhà cửa để hoang nhiều lắm. Có gia đình đi 3-5 năm, thậm chí có nhà đi cả chục năm mới về quê một lần” - bà Loan nói thêm.
Một người bán tạp hóa ở thôn 3, xã Thiệu Giao thở dài: “Tôi cũng có 8 năm vào Nam đi làm thuê, tích cóp được chút vốn về quê mở một tiệm tạp hóa nhỏ để ổn định cuộc sống. Nhưng buôn bán ế ẩm quá vì không có ai ở nhà thì bán cho ai. Tôi đang tính sắp tới lại vào Nam đi làm thuê thôi”.
Không chỉ xã Thiệu Giao mà trào lưu bỏ xứ đi làm ăn xa cũng xảy ra tại xã Hải Vân, Hải Long, Phú Nhuận, Mậu Lâm của huyện Thiệu Hóa hay ở các xã ven biển của 2 huyện Hậu Lộc và Quảng Xương.
Những cô thôn trù phú
Mỹ Lộc trước đây vốn là một xã nghèo của huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh với lèo tèo vài nhà ngói, người dân trong xã quanh năm làm ruộng, không đi đâu xa khỏi lũy tre làng. Hiện nay, xã nghèo này đã lột xác, nhà lầu mọc lên san sát. Giàu có nhưng xóm làng vắng ngắt, buồn bã. Trong số hơn 4.000 lao động thì đến 1.230 người đang làm thuê ở Thái Lan, một số khác làm ở Lào và nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Người dân ly hương đi làm thuê nên tại các xóm ở xã Mỹ Lộc xuất hiện nhiều ngôi nhà bỏ hoang, vắng chủ quanh năm.
Theo ông Đặng Cận - xóm trưởng xóm Đại Đồng, xã Mỹ Lộc - cả xóm có khoảng gần 300 người sang Thái Lan đi làm thuê. Bố mẹ đi làm ăn xa, không thể đưa con cái đi được nên quanh năm các cháu chủ yếu ở nhà với ông bà.
Một ngôi nhà ở xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đóng cửa vì chủ qua Thái Lan làm thuê Ảnh: ĐỨC NGỌC |
Ông Trần Đình Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc, cho biết do thiếu lao động nên người dân chủ yếu chỉ trồng lúa một vụ xuân, còn vụ hè thu thì ở nhiều xóm, người dân bỏ ruộng không.
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra tại thôn Lý Hòa (xã Hải Trạch), Thanh Khê, Thanh Gianh (xã Thanh Trạch) của huyện Bố Trạch - được xem là những ngôi làng giàu nhất của tỉnh Quảng Bình.
Căn nhà 3 tầng của ông Trương Tấn Hữu (71 tuổi, thôn Thanh Khê) khang trang với tiện nghi đầy đủ chẳng khác gì là một biệt thự hạng sang ở các thành phố lớn. Tiếp chúng tôi, ông Hữu niềm nở cho biết nhà có cả thảy 12 người gồm cả dâu, rể, cháu nhưng có tới 10 người đi làm ăn ở nước ngoài. Nhờ có tiền con cái gửi về, ông bà mới cất được ngôi nhà như vậy chứ trong nhà chẳng buôn bán hay kinh doanh gì.
Ngồi cạnh bên, bà Tính (61 tuổi, vợ ông Hữu) với vẻ mặt buồn rười rượi, xen vào: “Con cái nó về đây xây cái nhà to đùng rồi bỏ đi làm ăn xa hết, trong nhà chỉ còn 2 thân già tự chăm sóc cho nhau. Buồn lắm chú à!”.
Thôn Lý Hòa, xã Hải Trạch trông sầm uất, giàu có không thua gì các thành phố thu nhỏ nhưng dọc con đường liên thôn vừa được bê-tông hóa, những ngôi nhà “cửa đóng then cài”. Khi chúng tôi hỏi vì sao Lý Hòa lại trù phú mà vắng vẻ như thế, ông Hoàng Minh Trung, Chủ tịch UBND xã Hải Trạch, trả lời: “Đi xuất khẩu lao động nên mới giàu, dân về làm nhà cửa rồi bỏ lại đi hết” và ông đưa ra một con số rất ấn tượng: “Lý Hòa có trên 2.000 người đi xuất khẩu lao động, chiếm 2/3 tổng số lao động của địa phương”.
Theo NLĐ