Cảnh báo những hiểm họa chết người ở kỳ thi quốc gia

Chủ nhật, 12/04/2015, 07:59
Kỳ thi quốc gia lần đầu tiên được tổ chức càng lúc càng tới gần. Hôm nay, lo lắng cho sự an toàn của thầy và trò, các phụ huynh tham gia kỳ thi, thầy Đỗ Tấn Ngọc-từ Quảng Ngãi- đã có một bài viết cảnh báo các nguy cơ và cả mối lo nguy hiểm.

Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, năm nào cũng vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành, các Sở Giáo dục và đào tạo đều có văn bản chỉ đạo về công tác đảm bảo an toàn giao thông, an ninh, trật tự… đến nhà trường, hội đồng thi, các địa phương.

Trên cơ sở đó, nhà trường, hội đồng thi đã triển khai, quán triệt đầy đủ tới tất cả phụ huynh, học sinh lớp 12.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, do số lượng thí sinh dự thi lớn, hàng triệu em; ý thức an toàn trong tham gia giao thông chưa cao của một bộ phận học sinh, phụ huynh chưa cao.

Cộng với cơ sở hạ tầng giao thông chưa tốt, các điểm thi thường ở những nơi trung tâm, có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông đông đúc nên kỳ thi tốt nghiệp, kể cả tuyển sinh đại học, cao đẳng các năm thường xảy ra những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc, làm chết người, bị thương.

Cơ hội thi cử, học tập… của một số em bị tai nạn giao thông phải dừng lại, thậm chí là vĩnh viễn.

Để tất cả hội đồng thi an toàn, không có trường hợp thí sinh bị tai nạn giao thông có thể xảy ra trong các ngày thi, các nhà trường, hội đồng thi cần quán triệt sâu rộng trong học sinh và phụ huynh, yêu cầu ký vào bản cam kết.

Những trường hợp học sinh ở nhà xa, hay quên, trễ về giờ giấc thì phụ huynh nên tìm trước chỗ trọ cho con em gần hội đồng thi, vừa đảm bảo giờ giấc, vừa an toàn giao thông. Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở, dặn dò con em về việc tuân thủ quy định giờ thi, đi lại cẩn thận.

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Thi cử được vài môn, thấy làm bài tốt, có em, có nhóm học sinh phấn khích, tổ chức ăn uống, đi lại cẩu thả, tai họa vào thân, phụ huynh, thầy cô giáo cần lưu ý, nhắc nhở, không thừa.

Nhiều năm qua, mỗi mùa thì lực lượng Đoàn Thanh niên các tỉnh, sinh viên tình nguyện các trường ĐH, CĐ làm khá tốt những hoạt động chỉ dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ phụ huynh, thí sinh ở xa đến về điểm thi, chỗ trọ…

Với tính chất và quy mô của kỳ thi sắp tới đây còn lớn hơn những năm trước, phụ huynh, học sinh nơi xa đến, càng mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các lực lượng trên và chính quyền sở tại. Khoảng thời điểm này các năm, đoàn thanh niên, các trường ĐH, CĐ đã có “ rục rịch” rồi, nhưng năm này thì chưa thấy…

Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015, cả nước có tổng cộng 65 cụm thi, tập trung ở các thành phố lớn, số lượng học sinh dự thi và phụ huynh dẫn con em đi thi đông hơn hẳn so với các năm trước (trong đó, có số thí sinh hỏng đại học năm trước, năm nay thi lại), diễn ra vào các ngày giữa tuần (ngày 1,2,3,4/7) nên nỗi lo tình trạng mất an toàn giao thông, gây tai nạn giao thông liên quan đến thí sinh, giám thị... là rất cao.

Về phía địa phương, cảnh sát giao thông sở tại cần tăng cường lực lượng, hạn chế lưu lượng xe cộ đi vào các tuyến đường có các hội đồng thi.

Mặt khác, nguy cơ mất an ninh, tình trạng trộm cắp, trấn lột thường xảy ra nhiều trong mùa thi.

Lợi dụng sự sơ hở, thiếu cảnh giác của những phụ huynh, học sinh lần đầu khăn gói lên tỉnh, thành phố thi cử, đối tượng kẻ xấu ở nơi bến xe, nhà trọ…gia tăng hoạt động, trộm cắp, móc túi…

Bản thân phụ huynh, thí sinh cần hết sức cảnh giác, giữ gìn tiền bạc, tư trang của mình, đồng thời lực lượng công an khu vực trường thi, nhà trọ cần phối hợp, chủ động, tích cực tuần tra và ngăn chặn tội phạm, không phải đợi đến khi có sự việc xảy ra rồi mới vào cuộc, đi tìm manh mối. Công an một số nơi ở ta, nay có cách làm việc “ nắm đằng lưỡi” như thế.

Làm công tác coi thi tốt nghiệp THPT mấy chục năm nay, chúng tôi nhận thấy, mặc dù được nhà trường, thầy cô nhắc nhở, dặn dò rất cụ thể, kỹ lưỡng nhưng một số thí sinh ( nhất là thí sinh dân tộc thiểu số) vẫn đi trễ giờ, quên thẻ dự thi, lộn phòng thi,  thiếu dụng cụ cần thiết khi làm bài; tai hại hơn, quên luôn môn thi mà mình đã đăng ký.

Đến hội đồng thi trong tâm trạng vội vã, nháo nhác đi tìm bạn, tìm thầy, cô để xác minh, mua bút chì để tô…ít nhiều ảnh hưởng không tốt đến hội đồng thi và bản thân học sinh.

Năm nay, ở cụm địa phương, nhiều thí sinh trường các huyện dồn về; ở cụm liên tỉnh, thí sinh các địa phương được trộn, rải đều các phòng, hội đồng thi, nên những thiếu sót về thẻ dự thi…càng khó khăn cho người đi thi.

Do đó, từng học sinh cần nâng cao ý thức, có sự chuẩn bị chu đáo mọi thứ để đến trường thi, phòng thi trong trạng thái thoải mái, tự tin nhất.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Năm nay, theo các thầy cô giáo, kết quả đỗ thi tốt nghiệp THPT quốc gia cũng sẽ đạt tỉ lệ cao, nhờ chỉ có 4 môn thi,  tham gia của kết quả học lực năm lớp 12 và thí sinh được tự chọn 1 môn thi mình học tốt nhất.

Tuy nhiên, điểm “ chết” của năm nay, ở chỗ điểm liệt là 1 điểm trở xuống. Nếu học sinh học yếu, không cố gắng làm bài dễ rơi điểm “ chết” này.

Từng chấm thi tốt nghiệp THPT nhiều năm, chúng tôi thấy có một số bài thí sinh không làm được bài, bị dưới điểm 1. Cách ra đề theo hướng mở, hạn chế lối học thuộc lòng, phát huy năng lực học tập của học sinh sẽ thể hiện rõ ở các môn thi năm nay, thật sự sẽ là thử thách không nhỏ đối những thí sinh học lực yếu, chủ quan; học sinh ở vùng sâu, vùng xa, ít có điều kiện tốt; học sinh thuộc các Trung tâm GDTX.

Theo Giáo dục

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn