Thủ tướng vừa phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa mới. Cụ thể, trong Đề án được Thủ tướng phê duyệt thì chương trình, sách giáo khoa mới được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo tính tiếp nối, liên thông giữa các cấp học, các lớp học, giữa các môn, chuyên đề học tập và hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Chương trình, sách giáo khoa mới đảm bảo yêu cầu giảm tải, tính thiết thực, cập nhật xu thế giáo dục hiện đại trên thế giới và gắn với chương trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật của nhà trường.
Ảnh minh họa VTC. |
Chương trình, sách giáo khoa mới kế thừa ưu điểm của chương trình, sách giáo khoa hiện hành đồng thời tham khảo tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục phát triển, đáp ứng yêu cầu chủ động hội nhập quốc tế.
Đề án được phê duyệt cho hay, chương trình mới được thực hiện thống nhất trong tòan quốc, trong đó quy định những yêu cầu cần đạt được về phẩm chất và năng lực của học sinh sau mỗi cấp học, nội dung và thời lượng giáo dục bắt buộc với tất cả học sinh, đồng thời có một phần thích hợp để các cơ sở giáo dục chủ động vận dụng với điều kiện cụ thể của địa phương. Khuyến khích các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa.
Chú trọng phát huy sự đóng góp của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý,...và toàn xã hội trong quá trình xây dựng, biên soạn và triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.
Chương trình, sách giáo khoa mới được xây dựng, biên soạn theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học, cấp học trên; đáp ứng yêu cầu và góp phần tạo động lực đổi mới phương pháp dạy và học, thi-kiểm tra đánh giá.
Việc lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng chương trình mới được thực hiện công khai, minh bạch. Chương trình phải được lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân và được thực nghiệm nhằm đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm, tính khả thi và độ tin cậy.
Chương trình mới phải được Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình trước khi phê duyệt, ban hành. Tiêu chí chọn thành viên Hội đồng này phải được công khai, minh bạch.
Chương trình, sách giáo khoa mới được xây dựng, biên soạn theo hướng tích hợp ở các lớp học, cấp học dưới và phân hoá dần ở các lớp học, cấp học trên.
Đồng thời, chương trình, sách giáo khoa mới đáp ứng yêu cầu và góp phần tạo động lực đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; phải xác định cụ thể nội dung và yêu cầu cần đạt đối với mỗi môn học, lớp học, cấp học nhưng không quá chi tiết để căn cứ vào chương trình biên soạn được nhiều sách giáo khoa.
Về kinh phí thực hiện, Nhà nước bố trí 778,8 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, thử nghiệm chương trình; biên soạn, thử nghiệm một bộ sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT thực hiện, trong đó có sách giáo khoa song ngữ (tiếng Việt-tiếng một số dân tộc ít người) đối với một số môn học ở cấp tiểu học, biên soạn và thử nghiệm sách giáo khoa điện tử.
Số tiền trên cũng dùng cho tập huấn, bồi dưỡng cho người tham gia xây dựng, biên soạn, thẩm định chương trình, sách giáo khoa mới; xây dựng hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.
Theo Quyết định phê duyệt, Đề án trên được thực hiện trong 3 giai đoạn từ năm 2015-2023. Cụ thể, từ năm học 2018-2019, bắt đầu triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Theo Giáo Dục Việt Nam