Bộ trưởng Giáo dục: Không có lợi ích nhóm trong biên soạn sách giáo khoa

Thứ năm, 20/11/2014, 14:10
Mặc dù chủ trương xã hội hóa, một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) nhưng Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Vũ Luận lo lắng sẽ… không có tổ chức, cá nhân biên soạn SGK nên Bộ GD-ĐT phải chủ động biên soạn.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thảo luận trước QH về Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông - Ảnh: Ngọc Thắng

Trong khi đó, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) băn khoăn, Bộ GD-ĐT biên soạn SGK sẽ gây ngần ngại cho các tổ chức biên soạn khác.

Bộ GD-ĐT biên soạn SGK có công bằng?

Sáng nay (20/11), QH đã thảo luận về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục (SGK) phổ thông. Nhiều ĐB có ý kiến lo lắng mặc dù chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK nhưng việc Bộ GD-ĐT tham gia biên soạn SGK sẽ gây ngần ngại, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh với các tổ chức biên soạn SGK khác.

Nếu Bộ GD-ĐT biên soạn SGK sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh với các tổ chức khác. Nhà trường, giáo viên sẽ chỉ ưu tiên sử dụng SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn vì tin cậy hơn và để đảm bảo phù hợp với chương trình học, các kỳ thi của Bộ GD-ĐT.
ĐB Phạm Xuân Thăng

ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng, theo luật hiện hành thì việc biên soạn SGK không phải là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT biên soạn SGK sẽ tạo ra nghi ngại và dư luận không tốt về Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Vì vậy, Bộ GD-ĐT chỉ nên làm công tác quản lý, thẩm định chương trình, SGK.

Trong khi đó, ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cũng đặt ra câu hỏi: Bộ GD-ĐT biên soạn SGK thì liệu có khách quan trong thẩm định, phát hành các bộ SGK của các tổ chức khác, làm các tổ chức, cá nhân khác sẽ ngần ngại trong tham gia biên soạn SGK?

Theo ĐB Diệu, đề án nên khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK, để có thể lựa chọn được những bộ SGK có chất lượng.

Đồng quan điểm, ĐB Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) phân tích: Nếu Bộ GD-ĐT biên soạn SGK sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh với các tổ chức khác. Nhà trường, giáo viên sẽ chỉ ưu tiên sử dụng SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn vì tin cậy hơn và để đảm bảo phù hợp với chương trình học, các kỳ thi của Bộ GD-ĐT.

Cùng những băn khoăn với nhiều ĐB trên, ĐB Bế Xuân Trường (Bắc Cạn) có ý kiến: Bộ GD-ĐT cần tiến hành thẩm định SGK một cách minh bạch, công khai, rõ ràng. Bộ SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn phải bình đẳng với các Bộ SGK của các tổ chức khác.

Không có lợi ích nhóm

Phát biểu trước QH, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng ở các nước có nền giáo dục phát triển đều có các viện, các chuyên gia nghiên cứu biên soạn, thẩm định SGK. Trong khi đó, ở VN cho đến nay vẫn chưa có đội ngũ chuyên gia chuyên biệt và cơ quan nghiên cứu chuyên sâu về SGK. Việc biên soạn SGK từ trước đến nay đều chỉ là huy động các nhà giáo, chuyên gia tham gia nghiên cứu biên soạn. Do nhiều đặc thù như công việc yêu cầu rất cao về mặt khoa học, tỉ mỉ, thời gian kéo dài trong khi thù lao không cao nên rất ít người có thể tham gia biên soạn SGK.

ĐB Nguyễn Thành Tâm cho rằng Bộ GD-ĐT không nên tham gia biên soạn SGK - Ảnh: Ngọc Thắng

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT dự báo khi triển khai thực hiện Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông thì người tham gia biên soạn SGK còn có thể ít hơn vì chương trình hoàn toàn đổi mới. Theo Bộ trưởng Luận, có hai khả năng xảy ra: một là việc xã hội hóa kích thích nhiều tập thể, cá nhân biên soạn SGK; hai là sẽ có ít người tham gia viết SGK và có cả những mảng sách không ai viết.

Tôi khẳng định không có lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm nào ở đây cả
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

“Tôi rất mong muốn khả năng thứ nhất xảy ra để chúng ta có nhiều bộ SGK chất lượng để lựa chọn. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm lịch sử cho thấy, thực tế khả năng thứ hai rất dễ xảy ra”, ông Luận dự báo.

Vì vậy, theo người đứng đầu ngành GD-ĐT, việc Bộ GD-ĐT tham gia biên soạn SGK là quyết định thận trọng để có thể đáp ứng, đối phó với mọi tình huống xảy ra.

“Tôi khẳng định không có lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm nào ở đây cả”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tuyên bố.

Ông Luận cũng nói thêm, việc xã hội hóa biên soạn SGK là do Bộ GD-ĐT đề ra và đề xuất với Chính phủ. Hội đồng thẩm định SGK là hội đồng độc lập chứ không phải hội đồng của Bộ GD-ĐT. Bộ GD-ĐT chỉ ban hành văn bản, quy chế, quy chuẩn cho hội đồng hoạt động. Qua thẩm định của hội đồng Quốc gia về SGK thì Bộ GD-ĐT sẽ quyết định cho lưu hành các bộ SGK.

“Vấn đề công bằng và bình đẳng trong việc tham gia viết, lưu hành SGK có nhiều giải pháp kỹ thuật để xử lý, đảm bảo công bằng”, Bộ trưởng Luận nói.

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích