Năm 1997, lớp học tình thương của bà giáo Hồ Hương Nam bắt đầu khai giảng. Những ngày đầu bộn bề khó khăn vì không có địa điểm, bà phải mượn trụ sở tuần tra của cụm dân cư để mở lớp. Ðến năm 2002, hiệu trưởng trường THCS An Dương (Tây Hồ, Hà Nội) Trần Thị Vân đã dành cho bà một phòng rộng 12 m2. |
|
Năm nay 82 tuổi, vừa tròn 17 năm giảng dạy miễn phí cho trẻ khuyết tật, bà Nam được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu "Công dân ưu tú thủ đô". |
|
Bà sinh ra và lớn lên ở Thừa Thiên - Huế, từng học tại trường cấp 3 Đồng Khánh (Huế). Năm 1954, bà theo học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, sau đó về Quảng Bình dạy học. Năm 1979, bà đến trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) giảng dạy, đến 1980 thì nghỉ hưu. |
|
Dạy các trẻ bình thường đã khó khăn, dạy trẻ bị down, thiểu năng trí tuệ, câm điếc... như ở đây còn vất vả hơn nhiều. Tuy nhiên do tình thương quá lớn với các em, bà đã vượt qua tất cả. "Đến khi nào tôi không đi, không nói được nữa mới ngừng dạy học", bà Nam tâm sự. |
|
Em Phương Anh bị câm điếc bẩm sinh. Khi mới vào lớp em không biết viết. Nhờ sự dạy dỗ của bà Nam em đã có thể làm được điều này. Ngôn ngữ để bà trao đổi với Phương Anh chủ yếu bằng ký hiệu. |
|
“Ban đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều ngày tôi phải ngồi lại nhà họ vận động đến 22h, nhiều gia đình vẫn không nghe và đuổi khéo tôi về. Nhưng tôi nghĩ, mưa dầm thấm lâu, kiên trì mãi rồi họ cũng sẽ nghe và đến bây giờ có hàng chục học sinh đến với lớp học", bà nói thêm. |
|
Mỗi tuần sáu buổi từ thứ 2 đến thứ 6 (từ 8-10h sáng), bà giáo Nam vẫn đều đặn xách túi đi bộ đến lớp dạy học. Hiện nay, lớp của bà có 18 học sinh, em nhỏ tuổi nhất 12 tuổi, lớn nhất 34 tuổi. Do học sinh đến với lớp học tình thương của bà ở nhiều hoàn cảnh, bệnh tật và khả năng nhận thức khác nhau. Vì vậy, bà dạy cũng theo những giáo án khác nhau, linh hoạt phù hợp với từng học sinh. |
|
Sát ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhiều người biết đến lớp học của bà đến động viên và chia sẻ. Đây là niềm an ủi lớn nhất của người giáo viên cao tuổi, bà luôn mong muốn những lớp học tình thương được nhân rộng, giảm bớt khó khăn cho các em khuyết tật. |
|
Suốt 17 năm qua, công việc thầm lặng của người giáo viên cao tuổi đã mang lại ý nghĩa tích cực cho xã hội vô cùng lớn lao. Bà nhận được những phần thưởng cao quý như Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế vì đã có thành tích xuất sắc trong vai trò công tác viên tuyên truyền về công tác Dân số - Kế hoạch gia đình và Kỷ niệm chương “Vì trẻ em khuyết tật”. |
|
Phụ huynh học sinh và mọi người luôn mong cho bà có sức khỏe để có thể dạy dỗ và chăm sóc trẻ khuyết tật được lâu dài. |
Theo Zing