Đề án đổi mới SGK: ‘Bộ Giáo dục sai từ tên gọi’

Thứ sáu, 29/08/2014, 10:03
Nhận xét về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đã chỉ ra nhiều điểm sai sót.

Ngày 28/8, tại hội nghị tham vấn chuyên gia về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông do Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội tổ chức, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đã chỉ ra nhiều vấn đề.

Đề án đổi mới SGK: ‘Bộ Giáo dục sai từ tên gọi’
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Ảnh: Phạm Thịnh.

Sai từ tên gọi đề án

Trước tiên, ông cho rằng từ tên gọi của dự thảo đề án cũng như nghị quyết (đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông) chưa đảm bảo chuẩn mực về tiếng Việt. Cụ thể là lặp từ giáo dục - yếu tố đã bao hàm trong cụm từ sách giáo khoa.

Qua đó ông nêu hai phương án để sửa tên đó là có thể bỏ từ giáo dục (Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông) hoặc chuyển từ giáo dục lên ngay sau từ chương trình (Đổi mới chương trình giáo dục, sách giáo khoa phổ thông).

Lý do kéo dài THCS không thuyết phục

Về việc xác định số năm học giáo dục cơ bản, theo Tờ trình cũ của Bộ GD-ĐT trình Quốc hội có đưa ra hai phương án. Một là giữ nguyên số năm như hiện nay, hai là bậc THCS sẽ kéo dài 5 năm, THPT chỉ còn 2 năm và cho rằng “sẽ khắc phục được những khó khăn về trang bị kiến thức phổ thông nền tảng và phân luồng trong giáo dục cơ bản, phù hợp với xu hướng của một số nước phát triển”.

Góp ý về nội dung này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng những lý do của Bộ GD-ĐT đưa ra đều chưa thuyết phục. Ông băn khoăn: “Hiện tại, THPT có 3 năm mà phần lớn các trường ngay từ đầu cấp đã dạy bớt chương trình, bớt môn, nội dung không thi tốt nghiệp. Trong tương lai nếu THPT chỉ còn hai năm, không biết chuyện bớt xén sẽ phát triển như thế nào?”.

GS Thuyết cũng khẳng định việc thêm một năm THCS không giải quyết được những khó khăn trong việc phân luồng sau THCS. Để làm được điều đó cần nhiều loại hình trường khác nhau sau THCS để học sinh lựa chọn. Quan trọng là phải tạo được việc làm có thu nhập tốt cho những học sinh chọn trường nghề.

Theo ông, để đổi mới giáo dục phổ thông, việc trước tiên phải bàn là đổi mới hệ thống. Nhưng tới thời điểm này, khi đã chuẩn bị trình Quốc hội đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Bộ GD-ĐT mới mang việc cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân ra bàn là quá chậm, sẽ không tránh khỏi việc chuẩn bị cả hai việc đều không thấu đáo.

Tại hội nghị này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết trong Tờ trình mới nhất của Bộ GD-ĐT trình Quốc hội đã bỏ phương án đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân này. Nhiều chuyên gia cho rằng, lãnh đạo ngành giáo dục phải suy xét, tính toán thật kỹ lưỡng trước khi đưa vào đề án, không thể để tình trạng "muốn đưa vào thì đưa bằng được, khi bị dư luận phản đối thì lại rút".

Tác động tích cực của đề án là tưởng tượng của người viết

Sau khi đọc bản báo cáo đánh giá tác động của chương trình giáo dục phổ thông mới dài 16 trang, GS Thuyết đánh giá: “Xét về hình thức, đây là một báo cáo khá chỉn chu. Tuy vậy, đọc kỹ nội dung thì có thể thấy hầu hết các tác động, nhất là tác động tích cực đều là tưởng tượng của người viết, không dựa trên cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn hay số liệu điều tra, thử nghiệm khảo sát nào”.

Ví dụ, trang 7 báo cáo viết “do chương trình chú trọng phát triển năng lực nên nội dung học sẽ được tinh giảm, từ đó khắc phục hiện tượng quá tải, học sinh không phải học thêm, tiến tới khắc phục được nạn dạy thêm, học thêm tràn lan và bệnh thành tích, nạn thiếu trung thực trong học tập và thi cử”.

Vị giáo sư này khẳng định: “Một đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa không thể giải quyết được những vấn đề trên. Tôi đề nghị Bộ GD-ĐT phải xem xét lại tất cả các nhận xét trong báo cáo tác động”.

Đặc biệt, báo cáo đánh giá này không hề đề cập đến tác động của đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông đối với ngân sách nhà nước, điều mà bất cứ dự án nào cũng phải có.

Từ đó, ông đưa ra kết luận: “Tôi muốn cảnh báo để Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và cả cơ quan trình đề án không bị “ru ngủ” vì câu chữ”.

Theo ông, chương trình giáo dục nào cũng phải xác định trang bị cho người học những kiến thức gì, hình thành và phát triển ở họ những kỹ năng và thái độ như thế nào. Liệu kiến thức, kỹ năng và thái độ đó có phải là những yếu tố cấu thành năng lực và phẩm chất không? Hay năng lực, phẩm chất mà chương trình GDPT mới hướng tới không dựa trên những yếu tố đó?

Tuy nhiên, đề án không giải thích cho nên khó có thể hình dung tính chất cải cách, đột phá của chương trình GDPT mới như thế nào.

Theo Zing

Các tin cũ hơn