Sở không thể quyết định mua máy tính bảng loại nào
Chia sẻ thông tin với Đất Việt, ngày 26/8, ông Đỗ Minh Hoàng - Chánh văn phòng, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: "Đây chỉ là đề án đang được đưa ra thảo luận, xin ý kiến rộng rãi, khi có chủ trương, có phương án thì công việc mua sắm mới được tiến hành".
Bên cạnh đó, ông cũng cho biết thêm: "Tất cả mọi việc đều phải qua chỉ đạo của Sở, ngành, lúc đó mới làm Luật đấu thầu giữa các công ty, chứ không phải muốn mua là mua".
Điều đó có nghĩa là, theo ông Hoàng, Sở GD-ĐT sẽ phải tổ chức đấu thầu để tìm ra công ty cung cấp máy tính bảng cho đề án, lựa chọn qua hình thức đấu thầu, công bằng.
Mặt khác, Sở không được phép lựa chọn nhà cung cấp máy tính. Nếu muốn mua thì thẩm quyền quyết định thuộc UBND tỉnh. Sau khi ủy ban tổ chức đấu thầu xong, Sở kế hoạch đầu tư sẽ tham gia về tài chính, theo tiêu chí của nhà tư vấn về cấu hình. Đơn vị nào đáp ứng được yêu cầu thì mới tham gia đấu thầu và sau khi trúng thầu thì mới được cung cấp.
|
Sở GD-ĐT TP.HCM đã có ý định mua máy tính bảng của Samsung. |
"Tôi cũng đã từng chia sẻ, Sở đang có xu hướng lựa chọn sử dụng máy của Samsung chứ không phải máy của AIC", ông Hoàng cho hay.
Không có lợi ích nhóm ở đây
Trước câu hỏi đặt ra về vấn đề lợi ích nhóm ở đây, ông Hoàng lý giải rõ: "Chúng tôi chưa triển khai ráo riết đề án này, tất cả mới chỉ là đang thảo luận đưa ra giải pháp. Hiện nay, cũng đang có nhiều công ty muốn được làm nhà cung cấp máy tính bảng, trước đây cũng đã có Microsolf, Smartbook và giờ này là AIC.
Chính vì thế nên việc AIC có mặt tại Hội thảo mà các nhà cung cấp giới thiệu tư vấn cho Sở là điều đương nhiên. Thế nhưng, điểm quan trọng là Sở không có quyền lựa chọn, mà chỉ dừng lại ở mức tham mưu, tư vấn, còn UBND mới là người quyết định bằng một Hội đồng thẩm định, đánh giá.
Sở giáo dục chỉ là cơ quan chuyên môn chứ không có quyền mua sắm trực tiếp nên ông Hoàng khẳng định: "Chúng tôi làm vì trách nhiệm, không có quyền mua sắm thì làm sao có thể nói lợi ích nhóm ở đây?".
Nói rõ hơn về con số khái toán 4000 tỷ đồng cho dự án này, ông Hoàng nói: "Đây cũng mới chỉ là một giải pháp của một đơn vị, họ giới thiệu nên họ khái toán số tiền cần chi khoảng 4000 tỷ đồng, chứ không phải Sở tự ý đưa ra, đây còn là đơn vị đưa ra con số thấp nhất, có đơn vị đưa ra con số lên tới 4500-6000 tỷ đồng".
Thế nhưng, theo ông Hoàng thì đây mới chỉ là con số khái toán ban đầu, chứ không phải đưa ra đề án mà đã biết chính xác con số cụ thể hết bằng đó.
Nhắc lại thêm một lần nữa về đề án này, ông Hoàng cho biết: "Đây mới chỉ là đề án xin ý kiến của dư luận, một phương án như vậy sử dụng bao nhiêu % ngân sách là hợp lý. Hơn nữa, đây là đề án để xin chủ trương, nên còn nghiên cứu nhiều nữa chứ không phải thực hiện được ngay".
Sau khi nghe các đơn vị tư vấn, Sở sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình là tổng hợp lại và lựa chọn phương án tối ưu nhất và đưa ra quyết định.
Bộ GD-ĐT không thể biết vì mới chỉ là phôi thai
Trước việc, Sở GD-ĐT TP.HCM đưa ra đề án SGK điện tử, đại diện Bộ GD-ĐT, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học cho biết: “Bộ chưa nhận được ý kiến xin phép của Sở GD-ĐT TP.HCM. Có lẽ vì đây là đề án mà Sở mới đưa ra để thảo luận, chưa tới bước xin phép. Tuy nhiên, sau thông tin báo chí đăng tải, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Sở báo cáo lại về sự việc”.
Ông Định cũng nhìn nhận, việc thực hiện đề án 4.000 tỷ đồng không phải chuyện đơn giản. Sở GD-ĐT TP.HCM phải xin phép thành phố và Bộ GD-ĐT để thực hiện.
Thế nhưng, theo quan điểm của ông Hoàng thì Bộ chưa có công văn đề nghị thì Sở chưa phải báo cáo. Bởi vì, đây mới chỉ là chuyện đang dự thảo, xin ý kiến. Còn việc báo cáo chỉ nên làm khi việc đang được làm, còn đang lấy ý kiến, tổng hợp thì không cần thiết. Cái này còn đang là phôi thai thì không có nội dung gì báo cáo".
Trước đó, theo thông tin của Tuổi Trẻ, thì chiếc máy tính bảng này có tên là Smart Education mang thương hiệu AIC Group tại một công ty có trụ sở ở TP.HCM.
Máy có cấu hình gồm: màn hình 7,85 inch với độ phân giải 1024x768, CPU dual core, bộ nhớ lưu trữ 8GB, camera chính 3Mp, camera phụ 2Mp, kết nối mạng WiFi, pin 3.600mAh, hệ điều hành Android.
Đây là cấu hình gần như tương tự với mẫu máy tính bảng có giá 3 triệu đồng trong đề án “Thí điểm mô hình đổi mới và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM năm học 2014-2015”, được Công ty cổ phần Quốc tế Tiến bộ (AIC) đưa ra tại hội thảo “SGK điện tử và máy tính bảng cho học sinh tiểu học lớp 1, 2, 3”.
Theo đề án này, phần lựa chọn 1 có ghi: “Máy tính bảng có màn hình 7,85 inch, độ phân giải 1024x768, CPU quad core A31S, bộ nhớ lưu trữ 8GB, camera chính 3Mp, camera phụ 2Mp, kết nối mạng WiFi, pin 3.500mAh, hệ điều hành Android”.
Nghĩa là hai máy chỉ khác thông số pin và vi xử lý. Đặc biệt, máy đã được cài sẵn một số ứng dụng phục vụ học tập như: truyện tranh cho thiếu thi, các môn học của khối THPT như hình học, sinh học, vật lý, đại số, hóa học.
Những ứng dụng này đều đã được cài sẵn trong máy từ bên phía Đài Loan trước khi gửi về VN. Đặc biệt, nếu phụ huynh chọn mua máy tính bảng theo phương án 1 là trả tiền dứt điểm thì phải trả 3 triệu đồng.
Trong khi đó, phía công ty Đài Loan báo giá 45 USD, tức khoảng 900.000 đồng. Đặc biệt nếu nhập về với số lượng hàng lớn đến hàng trăm nghìn chiếc thì giá có thể chỉ còn khoảng 500.000 - 700.000 đồng.
Theo Đất Việt