Syria: Nhà báo Mỹ đã bị sát hại từ một năm trước

Thứ ba, 26/08/2014, 15:15
Phát ngôn viên chính thức của Tổng thống Syria Bashar al-Assad Syria cho biết nhà báo Mỹ James Foley, người bị tung video hành quyết mới đây, đã bị giết từ một năm trước và Liên hợp quốc cũng biết điều này. Tuy nhiên, thông tin này đã bị bác bỏ. 

Nhà báo chiến trường James Foley.

Nhà báo chiến trường James Foley.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với chương trình Today trên Kênh 4 của đài BBC, bà Bouthaina Shabaan, phát ngôn viên chính thức và cũng là cố vấn chính trị của Tổng thống Assad khẳng định rằng nhà báo Foley đã bị Quân đội Syria giải phóng (FSA), lực lượng vốn được Mỹ hậu thuẫn, bắt cóc trước khi bán cho tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).

Cũng theo quan chức trên, Liên hợp quốc đã có thông tin về vụ hành quyết Foley từ năm ngoái.

“James Foley đã bị sát hại một năm trước chứ không phải bây giờ, và giờ đây chúng mới công bố hình ảnh. Liên hợp quốc đã nắm được thông tin anh ấy bị sát hại một năm trước, vì vậy có rất nhiều tin đồn mâu thuẫn với sự thật”, bà Shabaan nói.

Tuy nhiên, ông Phil Balboni, giám đốc điều hành hãng tin Global Post, nơi Foley công tác trước khi bị bắt cóc vào năm 2012, đã ngay lập tức bác bỏ các thông tin trên.

Phương Tây cho rằng khẳng định của phát ngôn viên Tổng thống Syria là một phần trong âm mưu nhằm bịa đặt vai trò của Quân đội Syria giải phóng trong cái chết của Foley.

Ông Balboni cho hay, chỉ đến tận những tháng gần đây mới có đủ bằng chứng cho thấy nhà báo Mỹ đã bị tổ chức phiến quân IS bắt giữ.

“Thông tin đó là hoàn toàn sai lệch và mâu thuẫn với các bằng chứng rõ ràng. Chúng tôi có lời khai của các con tin từng bị bắt giữ với Foley mà gần đây nhất là vào tháng trước”, ông Balboni nói.

Gia đình Foley đã công bố nội dung một lá thư mà anh viết cho họ hồi tháng 6 năm nay, được một con tin Đan Mạch chuyển cho gia đình. Con tin Đan Mạch Daniel Rye Ottosen đã học thuộc lòng bức thư trước khi được phóng thích, vì toàn bộ thư từ của Foley đều bị tịch thu.

Sự thật rằng con tin Ottosen gặp Foley hồi tháng 6 đã chứng minh rằng khẳng định của bà Shabaan là không đúng.

Foley bị sát hại chính xác khi nào?

Tuy nhiên, đó chỉ là một trong số nhiều thông tin mâu thuẫn về cái chết của Foley, vốn gia tăng kể từ khi IS tung đoạn video về vụ hành quyết anh này hồi tuần trước.

Khẳng định của bà Shaaban được đưa ra cùng lúc xuất hiện các tin đồn rằng video hành quyết Foley có thể đã bị dàn dựng.

Một số chuyên gia, vốn phân tích những khoảnh khắc cuối cùng trong đoạn video của Foley, đã đi đến kết luận rằng có ít nhất hai người tham gia vào vụ sát hại nhà báo này.

Theo nguồn tin trên, hai con dao khác nhau đã xuất hiện trong đoạn video, một chiếc do kẻ thánh chiến người Anh cầm, và con dao thứ hai nằm trên mặt đất gần thi thể của Foley.

Một nhà phân tích pháp y cho rằng sát thủ người Anh chỉ giả vờ cắt cổ Foley, vì không vệt máu nào được nhìn thấy, dù con dao được đưa đi đưa lại qua cổ nhà báo Mỹ 6 lần. Hơn nữa, Foley cũng không vùng vẫy, điều đó chứng tỏ rằng anh này có thể đã biết trước rằng toàn bộ video chỉ là một màn kịch.

Các nguồn tin còn nói rằng vẫn có khả năng người đàn ông Anh có giọng nói nghe được trong đoạn video, được xác định là “John”, không phải là nhân vật được ghi hình. Nhóm IS có thể chỉ sử dụng một giọng nói Anh trong đoạn video để gây thêm sốc và khiến các cơ quan an ninh khó nhận dạng sát thủ hơn.

Mặc dù được khẳng định là không đúng sự thật nhưng thông tin của bà Shabaan cũng đặt ra một câu hỏi là Foley bị sát hại chính xác khi nào.

Vào ngày 13/8, tờ Global Post và gia đình Foley đã nhận được một email nói rằng nhà báo 40 tuổi sẽ bị hành quyết, và đoạn video được IS tải lên mạng hôm 19/8.

Cho tới nay, Foley được cho là đã bị hành quyết vào ngày 13/8, hoặc ngay sau ngày đó, nhưng cũng không có bằng chứng cho thấy anh vẫn còn sống vào thời điểm đó. Cũng có khả năng Foley đã bị sát hại từ trước và những kẻ giết người trì hoãn công bố cái chết của anh để chạy thoát an toàn từ địa điểm nơi nhà báo Mỹ bị hành quyết, hoặc để đảm bảo công khai tối đa câu chuyện bằng cách công bố nó vào một ngày mà báo chí thế giới không có sự kiện gì lớn.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn