Những nghi can vụ hành quyết nhà báo James Foley

Thứ sáu, 22/08/2014, 14:39
Ba kẻ cuồng tín sinh ra tại Anh là nghi can chính trong vụ hành quyết nhà báo Mỹ James Foley và đứng đằng sau hàng loạt vụ bắt cóc con tin nước ngoài ở Trung Đông.
Những nghi can vụ hành quyết nhà báo James Foley

Reyaad Khan, Nasser Muthana và Abdul Raqib Amin, ba trong số 500 kẻ cuồng tín gốc Anh đang chiến đấu cho IS. Ảnh: Daily Mail

Chân dung các nghi can

Tờ Guardian của Anh cho biết kẻ đeo mặt nạ, trực tiếp thực hiện vụ hành quyết nhà báo Mỹ James Foley nhiều khả năng là chỉ huy của nhóm cuồng tín cực đoan gồm 3 người sinh ra tại Anh. Nhóm này chịu trách nhiệm giam giữ con tin nước ngoài ở Raqqa, thành trì của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở miền Đông Syria.

BBC cho biết, chúng lấy biệt danh là "John, Paul và Ringo", trùng với tên các thành viên của nhóm nhạc rock "The Beatles" một thời vang danh của Anh.

"John" là kẻ cầm đầu nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan ở Iraq. Giới chức Anh nghi ngờ y chính là kẻ đeo mặt nạ, thực hiện vụ hành quyết nhà báo 40 tuổi người Mỹ tại một địa điểm chưa xác định. Những con tin từng bị nhóm của "John" giam cầm cho biết y là một kẻ thông minh, có học thức và vô cùng cuồng tín.

Vụ hành quyết nhà báo Foley cho thấy các chiến binh Hồi giáo cực đoan gốc Anh ngày càng đóng vai trò tích cực trong phong trào thánh chiến man rợ. Một thống kê cho thấy có hơn 500 chiến binh Hồi giáo gốc Anh đang chiến đấu cho những tổ chức cực đoan ở Iraq.

Daily Mail còn đánh giá các chiến binh gốc Anh là đối tượng nguy hiểm và hiếu chiến nhất của IS.

Những nghi can vụ hành quyết nhà báo James Foley

Nhà báo người Mỹ James Foley trước khi bị hành quyết. Ảnh: Daily Mail

Ghaffar Hussain, một nhà nghiên cứu và chuyên gia chống khủng bố ở London, cho biết: "Thật đáng lo ngại khi những kẻ sinh ra, lớn lên và được hưởng nền giáo dục của Anh lại bị lây truyền chủ nghĩa cực đoan và trở thành những kẻ cuồng tín, sẵn sàng hãm hiếp phụ nữ và chặt đầu người khác vì đức tin mù quáng của mình".

Trước đó, 4 chiến binh Hồi giáo người Anh, trong đó có hai người từng tới các trại huấn luyện của al-Qaeda tại Pakistan, đã gây ra vụ đánh bom liều chết ở London làm 52 người thiệt mạng trong tháng 7/2005. Gần đây, Nhà nước Hồi giáo (IS) tách khỏi al-Qaeda vì muốn hoạt động theo phương thức khác thay vì tấn công phương Tây.

"Phương Tây sẽ chứng kiến nhiều thảm cảnh tương tự"

IS thay đổi mục đích khi Tổng thống Mỹ Barack Obama ra lệnh không kích các mục tiêu trên đất Iraq. Trong đoạn clip hành quyết nhà báo James Foley, những kẻ cuồng tín còn dùng Steven Sotloff, một nhà báo Mỹ khác, để đe dọa chính quyền của Tổng thống Obama. "Obama! Số phận công dân Mỹ này phụ thuộc vào quyết định của ông", kẻ đeo mặt nạ đe dọa.

Những nghi can vụ hành quyết nhà báo James Foley

Các chiến binh IS sử dụng nhà báo Steven Sotloff để đe dọa chính quyền Obama. Ảnh: Daily Mail

Tuy nhiên, trong tuyên bố gần đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi IS là "ung nhọt" đồng thời khẳng định Mỹ "tiếp tục đối đầu với chủ nghĩa khủng bố đầy hận thù nhằm thay thế nó bằng hy vọng và văn minh". Ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố Mỹ sẽ đáp trả không khoan nhượng vụ hành quyết nhà báo Foley.

Trong cuộc họp báo ngày 21/8 tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thừa nhận Tổ chức IS phức tạp hơn mọi hình thái mà Mỹ từng biết đồng thời khẳng định sự nguy hiểm của tổ chức này. "Chúng ta phải để tâm tới nó dù ở Iraq hay bất cứ nơi nào khác. Chúng nằm ngoài khái niệm của chủ nghĩa khủng bố thông thường. Nó là sự kết hợp giữa sự cuồng tín và tinh hoa của sức mạnh quân sự", ông Hagel cho biết.

Tướng Martin Dempsey, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, coi IS là một mối nguy hiểm và cần phải đánh bại nó ở Syria. Theo ông Dempsey, IS chỉ bị tiêu diệt khi chúng không còn đất sống trên cả lãnh thổ Iraq và Syria.

Ngài Michael Graydon, cựu Tham mưu trưởng Không quân Hoàng gia Anh, cảnh báo Anh và phương Tây sẽ phải đối mặt những thảm cảnh tương tự vụ hành quyết nhà báo Mỹ Foley đồng thời kêu gọi Thủ tướng David Cameron tăng cường không kích IS nhằm đánh bại lực lượng này.

Theo Zing

Các tin cũ hơn