Cứ đến gần dịp Trung thu hàng năm, độc giả lại được đọc những bài báo dạng "Chen lấn xếp hàng như thời bao cấp mua bánh trung thu Bảo Phương", "Cảnh tắc nghẽn, khổ sở mua bánh Trung thu"... Cộng thêm cảnh chen lấn thực sự diễn ra ở hai địa điểm 201 và 183 Thụy Khuê (Hà Nội), chứng kiến những nét mặt mệt mỏi chờ đợi, cả sự cay cú khi gần đến lượt mình thì chủ hàng bỗng thông báo "Hết bánh", hoặc không đồng ý cho mua nhiều hơn hai hộp... mà bất cứ ai đi qua đây đều dễ dàng bắt gặp vào những ngày gần tới Rằm trung thu - người ta lại phải thốt lên rằng: "Điều gì khiến thứ bánh trong tiệm có tên Bảo Phương kia trở nên đặc biệt đến vậy?".
Giá bánh dẻo và bánh nướng dao động từ 40 nghìn đến 80 nghìn/chiếc, khoảng 200 nghìn/hộp 4 chiếc. Mẫu mã bao bì của Bảo Phương không thuộc loại đặc sắc, đẹp mắt, mức giá cũng không phải là rẻ hơn so với các tiệm bánh cổ truyền khác như Ninh Hương Hàng Điếu, bánh Phương Soát Hàng Chiếu, các tiệm bánh trên phố Hàng Đường... Hương vị ở Bảo Phương - nhiều người cho rằng mang vị cổ truyền gốc của người dân Hà Nội, rất riêng và đặc trưng mà những nơi khác khó sánh bằng.
Độ "hot" của bánh Bảo Phương ngày càng được "đẩy" lên còn do cảnh xếp hàng chưa từng có ở Hà Nội đối với một sản phẩm ẩm thực - chắc chỉ giò chả Quốc Hưng trên phố Hàng Bông những ngày lễ Tết mới "đọ" nổi. Khoảng 10 - 15 ngày trước Trung thu là thời điểm kinh hoàng nhất của tiệm bánh này khi từng hàng dài khách bất chấp nắng mưa, xếp hàng kiên nhẫn chờ đợi để mua được 1-2 hộp bánh. Nhiều người xếp hàng từ 3h sáng và đã không kiềm chế được tức giận khi chỉ được mua 2 hộp - theo quy định mà chủ hàng bánh Bảo Phương đặt ra.
Những dòng chữ quen thuộc thường thấy ở tiệm bánh Bảo Phương mỗi dịp rằm Trung thu.
Các loại bánh truyền thống ở tiệm bánh Bảo Phương.
Trong một đoạn clip được một báo điện tử đăng tải, chủ hàng lớn tiếng chỉ thẳng vào mặt một người khách đã xếp hàng rất lâu và mắng: "Hôm qua đã hai lần, hôm nay lại hai lần. Không bán nữa đâu!". Có nghĩa là, hôm qua đã xếp hàng hai lần mua được 4 hộp, hôm nay không được phép quay lại mua thêm nữa! Cứ thế, những hàng dài khách vẫn xếp hàng, phong cách bán bánh "chẳng giống ai"... đã vô tình tạo nên thương hiệu bánh trung thu "độc nhất vô nhị" ở đất Hà Thành.
Anh Hoàng Tùng (Âu Cơ, Hà Nội) là một trong số rất nhiều người đã xếp hàng suốt 3 tiếng (theo anh còn may mắn vì ít ra cũng mua được) để mua hai hộp bánh vào năm ngoái. Ngày hôm sau, anh Tùng quay lại để mua thêm hai hộp nữa biếu bố mẹ, xếp hàng khoảng hai tiếng rưỡi.
Cuối tuần qua, tiệm bánh Bảo Phương đông người mua nhưng chưa có cảnh xếp hàng, do chưa đến thời điểm "hot".
Tuy nhiên cũng có sự ùn tắc nhẹ vì ôtô dừng đỗ hai bên đường mua bánh.
Năm nay, trong khi hàng bánh Bảo Phương đã bắt đầu bán và chưa có cảnh xếp hàng thì anh Tùng lại không muốn quay lại cảnh "nhọc nhằn" ấy nữa. "Thú thật là tôi ngại cảnh chen bẹp ruột, thứ hai là mấy ngày cuối chỉ còn mỗi vị thập cẩm, không có lựa chọn khác. Năm nay tôi chuyển sang mua bánh của khách sạn Metropole Hà Nội để đem tặng, còn ở nhà ăn thì đặt bánh trên mạng của người quen. Nhiều vị hơn hẳn" - anh Tùng chia sẻ. Anh cho rằng, ăn bánh Bảo Phương là một "trải nghiệm đáng nhớ".
Cho đến thời điểm này, khi thị trường bánh Trung thu phải chật vật để thoát cảnh bão hòa, thì bánh Bảo Phương vẫn có vị trí rất riêng mặc dù tự đặt ra nhiều điều luật lẫn cách bán hàng "phát chẩn" khiến khách phật lòng. Có lẽ vì hương vị mang tính truyền thống đặc trưng mà chỉ nơi này mới khiến người ăn cảm nhận được.
Tuy nhiên, vào đầu mùa Trung thu năm nay, chị Mai Tuyết (Nhân viên công ty truyền thông CV) đã nhận xét: " Năm nay, tôi thấy bánh ăn bị ngọt và hơi nhiều mỡ. Gia đình tôi là khách hàng thường xuyên của Bảo Phương. Nhưng năm nay thì cả nhà chỉ ăn hết hai cái vị thập cẩm". Để tránh cảnh chen lấn, chị Tuyết đã mua bánh từ giữa tuần trước, theo chị Tuyết thì không phải xếp hàng và được chọn thoải mái vị theo yêu cầu, nhưng để lâu không ổn vì hạn sử dụng chỉ có một tuần.
Một hàng bánh Trung thu cổ truyền khác trên phố Hàng Cân bắt đầu đông khách tới mua.
Anh Ninh Hoàng (nhà ở Đội Cấn, Hà Nội) chia sẻ: "Trên mạng bây giờ bán rất nhiều bánh handmade, nhiều vị và hình dáng cũng hấp dẫn lắm. Bản thân tôi không thích cái gì cách tân quá, nhưng cũng đặt 4 hộp bánh kiểu dáng trẻ trung: hình thỏ, lợn, cá chép để tặng mấy nhà có trẻ con. Chúng nó nhìn là thích ngay. Giá 160 nghìn/hộp 6 cái, vị do mình chọn, có bánh thì ship tận nơi. Bánh cổ truyền thì qua Hàng Đường, Hàng Cân mua lúc nào chẳng được".
Năm nay, người Hà Nội có khá nhiều lựa chọn mới, khi mà bánh handmade với sự quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, kèm nhiều vị để lựa chọn và giá cả không quá đắt đỏ. Với dân công sở, tiện nhất là ngồi máy tính và order vị bánh yêu thích.
L.Tony, một người bán bánh Trung thu qua mạng xã hội cho biết, càng gần Trung thu, các đơn hàng đặt bánh càng tấp nập. Anh liên tục đóng và mở các đợt trả bánh nhưng phải kéo dài thời gian trả hàng cho khách bởi dân công sở order bánh rất đông.
Trước Rằm trung thu một tháng, vào dịp cuối tuần, cửa tiệm bánh Bảo Phương bắt đầu đông người tới mua bánh nhưng chưa có cảnh chen chúc, tắc nghẽn đường. Chỉ thi thoảng, ôtô đỗ hai bên đường mới khiến giao thông hơi ùn lại. So với các hàng bánh truyền thống khác như Ninh Hương trên phố Hàng Điếu, các hàng bánh phố Hàng Đường, bánh Bảo Phương vẫn chiếm một lượng khách đáng kể.
Tuy vậy, khi được hỏi tại sao không mua sản phẩm Bảo Phương mặc dù đang ở đầu mùa, chưa phải xếp hàng và không giới hạn lượng bánh được mua, cô Lan (phố Chả Cá, Hà Nội) cho biết: "Đi sớm quá thì đỡ phải đứng đợi, nhưng lại không để bánh được lâu vì không có chất bảo quản. Chồng tôi bảo thôi cứ sát ngày lên Hàng Đường mua bánh cũng được, đỡ phải xếp hàng cho khổ, người trẻ còn đứng được chứ già rồi ngại xếp hàng cả tiếng lắm".
Theo Màn ảnh sân khấu