Người từ vùng dịch Ebola uống thuốc hạ sốt trước khi vào VN

Thứ tư, 20/08/2014, 10:31
Ngoài hai hành khách từ vùng dịch Ebola bị sốt khi nhập cảnh Việt Nam, một người khác đã “qua mặt” máy đo thân nhiệt tại sân bay Tân Sơn Nhất do uống thuốc hạ sốt.

Đây là thông tin do tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP.HCM chia sẻ sáng 20/8. Theo ông, ngoài hai hành khách được tiến hành cách ly ngày 19/8 thì hôm qua cũng có một khách từ Nigeria bị giữ lại sân bay để kiểm tra.

Trong ngày 19/8, có 20 hành khách về từ Nigeria nhưng không phải đi từ Trung Đông mà họ đã đi qua 3 nước Hà Lan, Ghana, Thái Lan rồi mới về Việt Nam.

Tất cả các trường hợp qua máy đo thân nhiệt đều không sốt, họ có thể qua. Nhưng một người qua điều tra thể trạng và tờ khai cho thấy bị viêm họng.

“Hành khách này đã bị sốt từ Nigeria và trước lúc vào Việt Nam 6 tiếng, họ đã uống thuốc giảm nhiệt. Vị khách được giữ tại sân bay 10 tiếng để đảm bảo không sốt mới cho về. Tuy nhiên chúng tôi vẫn tiến hành lập danh sách 20 người đó và gửi về địa phương theo dõi giám sát trong 21 ngày”, tiến sĩ Lân nói.

Một hành khách đã uống thuốc hạ sốt trước khi nhập cảnh VN  6 tiếng - ảnh MT
Một hành khách đã uống thuốc hạ sốt trước khi nhập cảnh Việt Nam 6 tiếng. Ảnh: MT.

Tiến sĩ Lân cho biết thêm, hiện tất cả các chuyến bay từ Trung Đông về đều bị giám sát. Tuy nhiên hàng ngày cũng có tới 70-80 chuyến bay từ nơi khác, không xuất phát từ Trung Đông. Các chuyến bay này đều được Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế phối hợp kiểm tra.

Chia sẻ thêm về tình hình hai khách Nigeria đã bị cách ly, tiến sĩ Lân cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, đơn vị đã lập tức cách ly theo quy định. Những người tiếp xúc, cán bộ đi kèm chuyển bệnh nhận về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cũng được khử khuẩn.

"Chúng tôi cũng lập ngay danh sách những người đi cùng hai người này, gồm 8 người cùng đoàn và những người ngồi hai hàng ghế trên và hai hàng ghế dưới, để gửi về địa phương giám sát", tiến sĩ Lân nói thêm.

Còn theo, tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, hai hành khách trên mới chỉ có triệu chứng sốt, chưa có triệu chứng lâm sàng khác.

Theo ông Phu, sốt là triệu chứng của nhiều bệnh trong đó có Ebola, tuy nhiên vì hai hành khách đi từ Nigeria về nên phải làm theo quy định là cách ly tạm thời và tiến hành các biện pháp chẩn đoán.

Người từ vùng dịch Ebola uống thuốc hạ sốt trước khi vào VN
Bộ Y tế khẳng định Việt Nam ở vẫn ngưỡng an toàn với Ebola. Ảnh: PT

Để phát hiện sớm ca bệnh trong tình hình hiện nay, ông Phu cho rằng, các hành khách qua cửa khẩu đều bị theo dõi thân nhiệt và tờ khai y tế. Khách có biểu hiện sốt sẽ căn cứ các đặc điểm dịch tễ, khám lâm sàng và xét nghiệm tại bệnh viện.

"Bệnh nhân sẽ được xét nghiệm cả các bệnh khác nếu không phải Ebola. Căn cứ xem diễn biến lâm sàng có diễn biến theo Ebola hay không rồi mới xét nghiệm chẩn đoán để khẳng định", ông Phu chia sẻ.

Về tình huống của phương án đối phó với dịch Ebola, tiến sĩ Phu khẳng định, do người bệnh triệu chứng lâm sàng chưa phải có Ebola, chưa có xét nghiệm khẳng định nên Việt Nam vẫn đang ở tình huống 1 - chưa có ca bệnh xâm nhập.

"Người dân không nên quá lo lắng. Bộ Y tế sẽ cập nhật đầy đủ tình hình dịch bệnh để người dân nắm bắt được thông tin", Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.

Triệu chứng lâm sàng của virus Ebola:

Thời gian ủ bệnh trung bình là 2-21 ngày với các triệu chứng thường gặp bao gồm sốt cấp tính; đau đầu, đau mỏi cơ; nôn, buồn nôn; tiêu chảy; đau bụng; viêm kết mạc.

Bệnh nhân bị phát ban thì ban đầu ban nhú đỏ sẫm mầu như đinh ghim tập trung ở nang lông, sau hình thành tổn thương ban sẩn có ranh giới rõ và cuối cùng hợp thành ban lan tỏa, thường trong tuần đầu của bệnh.

Triệu chứng xuất huyết là đi ngoài phân đen; chảy máu nơi tiêm truyền; ho máu, chảy máu chân răng; đái máu; chảy máu âm đạo.

Theo Zing

Các tin cũ hơn