TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế dự phòng, bộ Y tế cho biết, biện pháp phòng virus Ebola hữu hiệu là thực hành vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên với xà phòng, dung dịch sát khuẩn như gel rửa tay khô, cồn...
Người dân cần tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, các vật dụng của người, động vật nhiễm bệnh hoặc các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh.
Hành khách hạn chế đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh Ebola khi không cần thiết (quốc gia vùng Tây Phi: Liberia, Guinea, Sierra Leone và Nigeria). Nếu hành khách buộc phải đi, cần tìm hiểu thông tin tình hình dịch bệnh Ebola tại nơi đến để có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân.
Người dân hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh Ebola; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế, mặc trang phục phòng hộ cá nhân đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
Những người trở về từ các quốc gia vùng Tây Phi, trong vòng 21 ngày nếu có dấu hiệu sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu, đau họng, tiêu chảy, phát ban... hoặc có tiếp xúc gần với người có dấu hiệu như trên, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, kiểm tra, xét nghiệm.
Theo cập nhật mới nhất của Cục Y tế dự phòng, tích lũy từ đầu vụ dịch đến ngày 16/8, tại 4 quốc gia Tây phi ghi nhận tổng cộng: 2.240 trường hợp mắc bệnh do vi rút Ebola, trong đó có 1.229 tử vong.
Riêng đất nước Nigeria (nơi đi của hai hành khách vừa nhập cảnh vào VN bị sốt, đang phải cách ly) đã có 15 mắc, 4 tử vong do virus Ebola.
Theo Zing