Mười năm biệt tích, nhặt ba người vợ
Bùi Văn Vừn sinh năm 1969, con thứ hai trong gia đình người Mường có năm người con, hai trai, ba gái. Vừn đoạn tuyệt chuyện học hành khi mới bước chân vào lớp Một mà chưa kịp thuộc ba chữ cái cấu thành cái tên mình.
17 tuổi Vừn dứt áo ra đi khỏi nhà. Vừn đi đâu không ai biết. Vừn bỏ nhà ra đi giữa một đêm mùa hè giông gió vần vũ đất Mường. Gia đình mặc định rằng Vừn đã chết.
Suốt 10 năm sau đó, Vừn biền biệt. Hỏi Vừn, quãng thời gian đó đã làm gì? Vừn vò đầu, gãi tai: "Tôi làm đủ thứ nghề từ đãi vàng, làm gạch, bốc than và thông cống". Anh trai Vừn, anh Bùi Văn Kiển tự giới thiệu là một nhà thơ. Nhưng nhà thơ nổi tiếng của xóm Cáo này không hề có một chút ký ức nào về người em trai. Điều duy nhất anh Kiển dặn Vừn là: "Đi đâu thì báo để gia đình biết. Lúc chết còn biết chỗ mà đến mang xác về". Còn ký ức về Vừn chỉ là: "Nó rất lười học. Vợ chồng và đứa con chú ấy giờ một chữ bẻ đôi không biết".
Vừn và vợ, chị Bùi Thị Hường. |
Vào một buổi chiều tối nhọ mặt người, Vừn trở về làng sau mười năm trời bặt vô âm tín. Cả làng ngỡ ngàng. Vừn thay đổi quá nhiều, gầy hom hem, tóc râu tua tủa. Không ai nhận ra Vừn. Họ còn bất ngờ hơn, sau 10 năm tưởng như đã chết, Vừn trở về làng với một người phụ nữ không rõ tên tuổi và đứa bé trai khuôn mặt nhọ nhem. Mười năm biệt xứ giờ Vừn về chỉ với mục đích duy nhất là chuyển hộ khẩu đi một nơi khác. Người thân tò mò hỏi Vừn, người phụ nữ ấy là ai thì anh dõng dạc bảo: "Đây là vợ và con trai tôi".
Vừn cắt khẩu địa phương đi nơi khác sinh sống nhưng hai năm sau Vừn lại lầm lũi trở về làng. Lần này, lẽo đẽo theo anh chỉ còn đứa con trai, còn người đàn bà anh từng giới thiệu là vợ thì không thấy. Hỏi, Vừn bảo: "Vợ chết rồi chỉ còn con trai thôi". Vừn nói vợ chết thì người ta biết đã chết chứ đến lúc ấy người thân thiết nhất cũng không biết tên tuổi, quê quán người đàn bà ấy ở đâu, có chết thật hay không. Vừn chỉ nói, Vừn gặp người phụ nữ ấy lang thang ngoài đường rồi mang về làm vợ. Lời giải thích chỉ rất ngắn gọn như thế! Về làng được dăm bữa nửa tháng rồi Vừn lại bỏ làng ra đi. Đi một thời gian ngắn lại thấy Vừn trở về, tay trong tay với một người đàn bà khác. Vừn cũng nói đó là vợ mình. Vừn bảo "nhặt" được người đàn bà này ngoài chợ đem về làm vợ cần gì phải cưới hỏi cho tốn kém. Hai "vợ chồng" Vừn cứ sáng đi khỏi làng, chiều lại mò mẫm về nhưng đến một ngày nọ thì bỗng dưng cả hai… mất tích.
Sau một thời gian xa lơ xa lắc, Vừn về. Vừn ra mắt gia đình và người làng với hình ảnh hoàn toàn khác. Vừn say, nằm ngủ ngon lành trên lưng một người đàn bà. Người đàn bà đang cõng Vừn trên lưng không phải là người vợ thứ hai của anh. Khuôn mặt người đàn bà đen nhẻm với cái bụng to lùm lùm, quần áo rách tả tơi, tóc rối bù xù. Bên cạnh người đàn bà lạ ấy còn có thêm một bé gái chừng 4 tuổi đen đúa, còi cọc.
Tỉnh cơn say, Vừn lại thông báo đó là vợ mình. Và phải đến lần này (tức là lần thứ ba) Vừn mới cho biết người đàn bà đó tên Hường. Đứa con gái 4 tuổi tên Dung là con riêng của Hường. Còn giọt máu giữa Vừn và Hường thì vẫn đang nằm trong bụng. Bùi Thị Hường không nhà cửa, chẳng người thân. Trong lúc dẫn con đi lang thang thì gặp Vừn cùng cảnh bốn biển là nhà nên đưa nhau vào góc chợ ngủ cùng cho ấm. Chẳng ngờ Hường có thai.
Mỗi năm… bán một đứa con
Từ ngày về sống với Vừn, Hường có ba lần sinh nở. Đứa con gái chung đầu tiên tên là Bùi Thị Hà. Đứa thứ hai cách một năm sau tên Bùi Thị Hồi. Và đứa con trai út chưa kịp đặt tên.
Ngày mới trở về làng khi người vợ đầu tiên được Vừn cho biết là đã chết, Vừn mang theo một đứa con trai. Mang con về sau đó chỉ mấy ngày Vừn đem đổi lấy cái xe đạp phượng hoàng của một người cùng xóm.
"Nó đổi đứa con cho ông Hòe thương binh trong làng lấy cái xe đạp phượng hoàng. Tôi giận quá, định bán con trâu để đi chuộc thằng bé về. Vừn nghe được thông tin nó liền dọa tôi, ông mà đi chuộc đứa bé tôi chém chết, nên tôi cũng thôi không bán trâu nữa. Giờ thằng bé đã là thanh niên 19 tuổi rồi"- ông Bùi Văn Kiển kể.
Ngôi nhà tình thương do Hội chữ thập đỏ xã Quý Hòa xây dựng. |
Năm Bùi Thị Hồi ra đời, đói quay quắt. Vừn ôm đứa con Bùi Thị Hà đi bán cho người khác nuôi lấy một triệu đồng. Ngoảnh đi ngoảnh lại một triệu bán Hà đã sạch bách. Cái đói quay trở lại, Vừn lại bàn với vợ bán nốt đứa con gái Bùi Thị Hồi. Ngay ngày hôm sau có người ở xã Định Cư sang đặt vấn đề, làm giấy tờ và đưa cho vợ chồng Vừn 7 triệu đồng.
Có số tiền lớn, Vừn cấu véo ăn dần. Miệng ăn núi lở, huống hồ 7 triệu đồng bạc nuôi mấy cái miệng thì được mấy chốc. Dăm bữa nửa tháng, 7 triệu cũng sạch sành sanh. Hết tiền, Vừn lại quấn đứa con bé tý vào cái áo rách rồi bế đi.
Trưa về Vừn cầm trên tay một cọc tiền. Hàng xóm hỏi được bao nhiêu thì Vừn nói 12 triệu đồng. Nhưng thực tế số tiền bán đứa con trai út là 20 triệu. Vừn bán đứa con này cho ai, ở đâu không ai biết. "Vừn nó bán đứa con trai 20 triệu. Đứa con chưa đặt tên, chưa làm giấy khai sinh, nó còn đỏ hỏn. Tôi cũng không biết nó dùng tiền vào việc gì nhưng không lâu sau vợ chồng nó đã hết tiền rồi"- ông Kiển nói.
Cơm không có ăn, áo không có mặc, thương tình anh Kiển cho Vừn 250 mét ruộng để cày cấy lấy thóc mà ăn. Nhưng vừa đo ruộng xong thì Vừn gọi người vào bán liền tay lấy 2 triệu đồng. Có tiền bán ruộng, Vừn đi đâu đó mua một cái xe đạp, sắm một cái loa nén có micro và dẫn vợ con đi lên thành phố Hòa Bình.
Diễn xiếc dạo mưu sinh
"Tết năm 2014, gia đình Vừn không về. Phải đến rằm tháng giêng vợ chồng Vừn mới về làng. Tôi hỏi vợ chồng con cái ăn Tết ở đâu thì chú ấy bảo, mấy ngày Tết gia đình ở dưới một cái gầm cầu ở Thanh Hóa. Người dân thương tình cũng cho bánh chưng, cho thịt cá để ăn Tết. 3 ngày về, tôi thấy vợ chồng nó chẳng ăn uống gì cả. Hỏi nó rằng sao không nấu cơm thì nó bảo hết gạo rồi. Nhưng tôi mang cho ít gạo thì nhất quyết nó từ chối không lấy"- ông Kiển kể.
Trên cái xe đạp Vừn buộc cái loa nén vào đầu xe, có nối bình ắc quy và micro. Đi tới đâu Vừn đều giới thiệu rôm rả tới đấy. "Xiếc đây, mời bà con ra xem xiếc nào. Những màn biểu diễn kỹ thuật, công phu có một không hai. Mời bà con, cô bác ra xem. Xem xong có tiền cho tiền, có gạo cho gạo, có áo cho áo, có quần cho quần. Nghệ sĩ quê nghèo, không tiền, biểu diễn kiếm ăn. Xiếc đây, xiếc đây…". Ngày nào Vừn và vợ cũng thay phiên nhau rao ra rả như thế.
Những màn biểu diễn xiếc của Vừn. |
Trên ngực cái áo khoác nhăn nhúm, rách vá, Vừn đeo một cái thẻ trên đó có ảnh chân dung và dòng chữ: "Nghệ sĩ, vai chính Bùi Văn Vừn. Xiếc nghệ thuật người Mường". Ngoài những thứ đó chỉ còn cái ba lô rách nát đựng những thứ đồ nghề phục vụ cho những màn biểu diễn của Vừn.
Trước hết là màn Vừn dùng sức mạnh bằng răng cắn vào cái đuôi xe đạp và nhấc bổng lên cao. Vừn có sức khỏe thật, nói đúng hơn là hàm răng rất khỏe. Nhưng, mấy năm trời biểu diễn cái trò này khiến răng Vừn lung lay gần hết. Có lúc Vừn cắn răng nhấc cái xe đạp đến ứa máu miệng nhưng Vừn vẫn cố. Đau đến mức Vừn không há miệng ăn nổi một miếng cơm.
Có lúc, Vừn ngửa người chống hai tay xuống đất rồi sai đứa con gái nhảy lên ngực mà đạp thùng thùng. Vừn cắn răng đau đớn nhưng để có một, hai ngàn đồng tiền lẻ Vừn chấp nhận hết. Đứa con gái Bùi Thị Dung chưa một lần được đến lớp, một chữ bẻ đôi nó không biết nên nó rất ấn tượng với màn biểu diễn ấy. Còn Hường cứ bịt miệng mà cười rúc rích.
Con dao tông nhọn dài 40cm là dụng cụ thường xuyên xuất hiện trong các màn biểu diễn "có một không hai" của Vừn. Vừn cắn đầu nhọn của dao vào miệng, đặt cái đĩa phía chuôi dao để giữ thăng bằng. Hay màn xiếc mà Vừn nói là cực kỳ đặc sắc tung dao và dùng miệng chộp lấy nó. Tất cả đều do Vừn tự biên, tự diễn.
Năm năm nay, tóc Vừn chưa được cắt. Cũng một năm rồi cái áo mặc trên người chưa kịp thay. Vừn nói, người ta chết vì đói chứ không chết vì bẩn. Có duy nhất bộ quần áo ấy, thay ra chẳng nhẽ ở truồng. Chung cảnh với chồng, Hường cũng vậy. Hường chẳng thiết quần nọ áo kia, miễn ấm là được, rách vài ba chỗ cũng chẳng sao. Đứa con gái đã mất tuổi thơ giờ tương lai cũng mù mịt như sương khói.
"Bùi Văn Vừn cắt khẩu địa phương từ lâu và cũng mới nhập về lại. Địa phương cũng đã tạo điều kiện nhiều rồi. Từ không có nơi ở, địa phương cũng xây dựng cho cái nhà nhỏ, không có ruộng anh trai cho ruộng nhưng anh Vừn bán hết và đi lang thang. Những việc anh Vừn làm ở bên ngoài thì địa phương cũng chịu. Nhiều lần động viên, khuyên giải ở nhà làm ăn nhưng anh ấy có nghe đâu. Nhiều người bảo, vợ chồng anh này có vấn đề về thần kinh. Nhưng mỗi lần gia đình định bắt cho đi trại tâm thần thì anh ta đều trốn mất"- ông Bạch Công Mưng-Chủ tịch MTTQ xã Quý Hòa cho biết.
Theo Công an nhân dân