Chưa rõ trách nhiệm địa phương trong vụ chùa Bồ Đề

Thứ tư, 20/08/2014, 10:19
"Do việc hướng dẫn nhà chùa chưa triệt để nên chúng tôi xin tiếp thu, chúng tôi sẽ làm việc với các sở ban ngành sau”, Chủ tịch UBND quận Long Biên nói chiều 19/8, xung quanh những lình xình xảy ra tại chùa Bồ Đề, Hà Nội.

Chiều 19/8, cơ quan chức năng TP Hà Nội công bố kết quả kiểm tra việc tiếp nhận, nuôi dưỡng trẻ em tại chùa Bồ Đề (quận Long Biên). Theo đó, chùa tiếp nhận và nuôi dưỡng trẻ em khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép và chưa thực hiện đúng quy định.

Quang cảnh buổi họp báo

Quang cảnh buổi họp báo chiều 19/8.

24 trường hợp không có mặt khi kiểm tra

Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành quận Long Biên, trong các ngày từ 6 đến 8/8, đoàn đã kiểm tra hoạt động quản lý, nuôi dưỡng trẻ em và các đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) tại chùa Bồ Đề. Theo đó, số đối tượng BTXH có mặt tại chùa Bồ Đề tại thời điểm kiểm tra gồm 194 người. Trong đó, trẻ em độ tuổi từ 0 - 6 tuổi có 55 người (một trẻ đang điều trị tại bệnh viện); trẻ từ 6 đến dưới 16 tuổi: 37 người; người tàn tật trên 16 tuổi 7 người; người cao tuổi 27 người; người cơ nhỡ xin tá túc tại chùa 9 người.

Đối chiếu với tổng số người có mặt tại thời điểm kiểm tra với hồ sơ do trụ trì chùa cung cấp; qua hồ sơ quản lý các cơ quan quản lý nhà nước cho thấy, có 24 người (21 trẻ và 3 người già) có tên trong hồ sơ nhưng không có mặt tại thời điểm kiểm tra. Cơ quan công an đã kiểm tra xác minh, đến ngày 8/8 làm rõ: 3 người già và 5 trẻ em đã được đưa vào Trung tâm BTXH của thành phố; 13 trẻ em hiện đang được gia đình nuôi dưỡng; một trẻ được nhận làm con nuôi (có quyết định của UBND phường Bồ Đề) và hai trẻ em đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại chùa khác.

Theo kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành, việc chùa Bồ Đề tiếp nhận trẻ em và các đối tượng BTXH và nuôi dưỡng khi không đảm bảo các điều kiện để thành lập cơ sở BTXH theo Nghị định 68/2008/NĐ-CP và chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép và chưa thực hiện đúng quy định. Công tác quản lý các đối tượng BTXH tại chùa chưa chặt chẽ, có nhiều sơ hở, bất cập; thiết lập sổ sách còn sơ sài, không kịp thời cập nhật, bổ sung khi có thay đổi dẫn đến không đủ thông tin cần thiết phục vụ cho công tác quản lý.

Đối với trẻ em bị bỏ rơi khi phát hiện, sư trụ trì chùa chưa khai báo với chính quyền địa phương để thực hiện các thủ tục; lập biên bản, thiết lập giấy tờ về đặc điểm nhận dạng, tài sản và chùa Bồ Đề cũng không đề nghị làm giấy khai sinh cho trẻ là chưa thực hiện đúng quy định.

11 cháu nghi mất tích, vẫn chưa tìm thấy một cháu

Trả lời thắc mắc của báo chí danh tính 11 cháu bé theo đơn đề nghị điều tra của nhóm thiện nguyện EB, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Hà Nội Phan Đăng Long cho biết: Trong tay các cơ quan điều tra đã có danh sách cụ thể của 11 cháu bé nghi bị mất tích, có địa chỉ, số điện thoại liên lạc của các gia đình đang nuôi các bé. Tuy nhiên, vì cuộc sống của các cháu đã ổn định, gia đình không muốn nêu tên tuổi trên báo chí, sợ làm ảnh hưởng đến cuộc sống sau này nên chúng tôi không tiện cung cấp. “Nhưng chúng tôi đảm bảo về tính chính xác của bản danh sách này”- ông Long nói.

Cụ thể hơn, ông Long cho biết, trong 11 cháu, chỉ có một cháu bé đến nay chưa tìm được tung tích (cháu Hoàng Anh, SN 2010). Cháu Hoàng Anh đến chùa ở cùng với mẹ là Liên, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn cả hai mẹ con cùng bỏ đi. Trường hợp cháu Cù Tùng Anh, SN 2007, mẹ là Phạm Thị Thuận (Xuân Trường - Nam Định) từ nhỏ sống ở chùa cùng mẹ. Sau một thời gian, cháu được mẹ nhờ người bác ở quê nuôi, hiện đang sống ở một cơ sở tôn giáo tại Đồng Nai. “Danh tính, địa chỉ các cháu rất rõ ràng” - ông Long khẳng định.

Trước nghi vấn có hay không một đường dây buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, đại tá Nguyễn Duy Ngọc - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, đến thời điểm hiện tại chưa có cơ sở kết luận việc này liên quan đến đường dây mua bán trẻ em.

“Cho đến thời điểm hiện tại, ni sư Thích Đàm Lan - trụ trì chùa Bồ Đề chưa có dấu hiệu phạm tội theo quy định của Bộ luật Hình sự, nhưng chúng tôi vẫn chưa kết luận, vẫn tiếp tục điều tra làm rõ... Còn về trường hợp của cháu bé Cù Nguyên Công, theo điều tra của chúng tôi, hiện cháu bé đã qua đời. Cháu bị bệnh và qua đời tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hồ sơ tại bệnh viện vẫn còn lưu giữ” - đại tá Ngọc nói.

Chưa rõ trách nhiệm địa phương

Liên quan đến việc mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề, ông Đỗ Mạnh Hải - Chủ tịch UBND quận Long Biên nhấn mạnh, chùa Bồ Đề nuôi trẻ bỏ rơi với mục đích từ thiện. Những trường hợp trẻ bị bỏ rơi, người già không nơi nương tựa, thì nhà chùa chỉ mở lòng từ bi và nhận nuôi. Nhà chùa chỉ tiếp nhận chứ không có bất kỳ hành vi kinh doanh gì.

“Về trách nhiệm của chính quyền địa phương, khi có Nghị định 68 của Chính phủ thì UBND quận cũng tiến hành kiểm tra. Do số lượng người cần giúp đỡ đến chùa ngày càng đông, đáng ra chính quyền địa phương phải có văn bản hướng dẫn nhà chùa đưa các đối tượng này vào các trung tâm BTXH, nhưng do việc hướng dẫn nhà chùa chưa triệt để nên chúng tôi xin tiếp thu, chúng tôi sẽ làm việc với các sở ban ngành sau” - Chủ tịch UBND quận Long Biên nói.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phan Đăng Long chốt lại, qua chuyện này, thành phố, địa phương cũng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình. “Trước đây đã có trách nhiệm rồi, nhưng bây giờ càng phải làm tốt hơn. TP đã giao Sở LĐ-TB&XH nghiên cứu để tiếp nhận số đối tượng ở chùa Bồ Đề. Các trung tâm có khả năng đón 180 người bao gồm trẻ em, người già, khuyết tật. Tuy nhiên, các cơ sở cũng kiến nghị tăng thêm nguồn lực, biên chế khi tiếp nhận thêm người” - ông Long nói.

Chùa Bồ Đề xin thôi nuôi trẻ

Theo UBND quận Long Biên, ngày 18/8, quận nhận được văn bản số 02/2014 của chùa Bồ Đề (đề ngày 15/8/2014) đề nghị đưa toàn bộ số đối tượng đang nuôi dưỡng tại chùa vào Trung tâm BTXH. “Việc nhà chùa có duy trì việc nuôi trẻ và các đối tượng bảo trợ tại chùa nữa hay không còn phụ thuộc vào chính sự tự nguyện của nhà chùa” - lãnh đạo UBND quận Long Biên nói.

Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Phan Đăng Long, hiện có nhiều trường hợp muốn xin được ở lại chùa, dù điều kiện ở đây cũng chưa tốt. “Nếu để chùa Bồ Đề tiếp tục nuôi trẻ thì chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng sẽ tạo điều kiện về cơ sở vật chất, tăng cường sự quản lý chính quyền địa phương” - ông Long phát biểu.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn