Lý lẽ Quảng Ngãi xin... nghèo, Quảng Nam tự lực

Thứ tư, 27/08/2014, 08:43
Vốn đứng thứ 8 trên cả nước về thu ngân sách nhưng việc Quảng Ngãi vừa xin lại làm tỉnh nghèo, còn Ninh Thuận tăng trưởng cao nhưng lại nhận gạo cứu đói.

Quảng Ngãi hụt thu từ lọc dầu phải xin điều tiết ngân sách

Việc UBND tỉnh Quảng Ngãi xin ra khỏi nhóm tỉnh có thu nhập cao chỉ là xin hưởng chính sách điều tiết ngân sách chứ không phải xin về làm tỉnh nghèo.

Ông Nguyễn Cao Phúc, Phó trưởng đoàn QH tỉnh Quảng Ngãi đã lý giải như vậy khi được hỏi về lý do của việc tỉnh này có công văn gửi Chính phủ xin được hưởng chính sách như khi chưa điều tiết nguồn thu địa phương về ngân sách trung ương.

Theo Công văn số 3626/UBND-KTTH do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ký trình Chính phủ đã đề cập nội dung xin ra khỏi nhóm tỉnh có thu nhập cao để được hưởng chính sách như khi chưa điều tiết nguồn thu địa phương về ngân sách trung ương.

Công văn này khiến dư luận khá bất ngờ bởi Quảng Ngãi vốn là địa phương được xếp thứ 8 trong cả nước về thu ngân sách.

Tuy nhiên, ông Phúc cho biết: "Quảng Ngãi mặc dù có điều tiết về ngân sách Trung ương nhưng nguồn thu chủ yếu có được từ nhà máy lọc dầu Dung Quất. Thế nhưng cơ chế tính tiền để chi cho ngân sách địa phương lại cơ bản giống như các tỉnh chưa có nguồn tài chính điều tiết hết về ngân sách trung ương".

Trong khi đó các tỉnh chưa có điều tiết về ngân sách trung ương thì được trung ương hỗ trợ một số chính sách nhưng với Quảng Ngãi thì Trung ương chưa làm. Các tỉnh có điều tiết ngân sách về Trung ương thì được nói là tự sắp xếp trong cân đối ngân sách".

"Đây là một cái khó cho tỉnh. Hiện nay dù tỉnh có điều tiết về ngân sách Trung ương nhưng chủ yếu là từ nguồn thu nhà máy lọc dầu trong khi đó Tỉnh có 6 huyện thuộc diện 30A (nghèo nhất nước), 22 xã bãi ngang ven biển và một huyện đảo Lý Sơn… rất nghèo. Cho nên Công văn xin hưởng chính sách điều tiết ngân sách chứ không phải là xin về làm tỉnh nghèo", ông Phúc, đại diện cho cử tri địa phương lý giải.

Theo ông Phúc, thực tế hiện này trong cơ chế tài chính đối với tỉnh có điều tiết về ngân sách trung ương thì nhiều chính sách trung ương không không bố trí tiền mà do địa phương tự cân đối, sắp xếp.

"Do vậy địa phương xin được trợ cấp để thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Trước kia Chính phủ và Bộ Tài Chính đã thống nhất khắc phục các hồ chứa xuống cấp nhưng tỉnh không có tiền để làm. Nếu Chính phủ không đồng ý với đề xuất của địa phương lần này, khó khăn cho việc đầu tư các chương trình hỗ trợ xây dựng bệnh viện tuyến huyện và các chương trình khác cũng phải dậm chân tại chỗ, không đáp ứng được yêu cầu", ông Phúc nói.

Theo đó ngoài việc xin điều tiết ngân sách địa phương cũng đề nghị Chính phủ cho phép sử dụng nguồn thu từ NMLD Dung Quất để phát triển cơ sở hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất và một số công trình thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện đang là nguồn thu chính của Quảng Ngãi
Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện đang là nguồn thu chính của Quảng Ngãi.

Quảng Nam hụt thu từ vàng tìm nguồn khác bù lại

Trong khi đó, tại Quảng Nam - địa phương có hai nhà máy vàng lớn nhất Việt Nam là Phước Sơn, Bồng Miêu (Tập đoàn Besra) đang đối mặt vấn đề hụt thu do hai công ty này chưa nộp thuế.

Tuy nhiên ông Trần Kim Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết: "Dù vàng hụt nhưng địa phương có cái khác tăng cho nên vẫn hoàn thành kế hoạch thu. Báo cáo 6 tháng đầu năm thu 56% ngân sách nên nhiều khả năng là hoàn thành. Địa phương không xin điều tiết ngân sách".

Theo báo cáo về Bộ Tài chính về khoản hụt thu thuế các loại của năm 2013 của UBND tỉnh Quảng Nam thì địa phương này bị hụt thu gần 200 tỷ đồng từ vàng.

Cụ thể, khoản hụt thu từ khai thác vàng tập trung ở các huyện Phước Sơn (nơi có Công ty TNHH khai thác vàng Phước Sơn, 172,2 tỷ đồng), Phú Ninh (có Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu, 5,5 tỷ đồng).

Sang đầu năm 2014, hai công ty này còn tạm đóng cửa khiến khoảng 1.000 công nhân mất việc và chắc chắn nguồn thu của địa phương năm nay sẽ giảm.

Không đưa ra bình luận về việc Quảng Ngãi xin Chính phủ được hưởng điều tiết ngân sách, song ông Hùng cho rằng: "Quảng Ngãi thiếu thì xin. Nếu Quảng Nam thiếu thì cũng xin Chính phủ thôi!".

Ninh Thuận tăng trưởng cao vẫn nhận gạo cứu đói

Ngày 26/8, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ký Quyết định số 1512/QĐ-TTg về việc xuất gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Ninh Thuận.

Theo đó Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp 772 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Ninh Thuận (không thu tiền) để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân bị thiệt hại do hạn hán gây ra.

Tuy nhiên theo con số của Tổng cục Thống kê cập nhật số liệu GDP 6 tháng đầu năm 2014 thì Ninh Thuận được ghi nhận mức tăng trưởng trên 11%.

Trong số 9 tỉnh thuộc vùng duyên hải miền Trung gồm 5 tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và 4 tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, thì Ninh Thuận được cho là tạo dấu ấn khi cả 3 chỉ tiêu đều tăng mạnh, từ 9,59-18,06%.

Nếu nhìn theo chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng năm 2014 so với cùng kỳ cho thấy Ninh Thuận đứng đầu với 35,67%.

Như vậy một lần nữa thực tế đang chứng minh con số tăng trưởng GDP tăng cao hầu như không có ý nghĩa với người dân.

Như chuyên gia Bùi Trinh từng phân tích và chỉ rõ dường như đa số người dân không những không có để dành mà còn phải đi vay một phần để tiêu dùng đang được khẳng định.

Theo TS Lê Đăng Doanh, có một nghịch lý đang tồn tại, dù là nước có GDP tính theo đầu người thấp nhất nhưng Việt Nam có tỷ lệ thu ngân sách/GDP cao nhất và tỷ lệ bội chi ngân sách cao nhất so với các nước trong khu vực. Nếu cộng khoản thu với khoản bội chi ngân sách thì tỷ lệ chi ngân sách của Việt Nam lên đến 32,6% GDP, hơn gần gấp đôi Philippines là nước có GDP/đầu người cao hơn hẳn nước ta.

Tỷ lệ thu ngân sách của nước ta cao bằng tỷ lệ thu ngân sách của các nước có thu nhập trung bình, có thu nhập bình quân đầu người cao gấp đôi so với nước ta.

Trong khi đó, những năm gần đây, tỷ lệ chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách tăng liên tục từ 65,4% (năm 2005) lên đến 77,1% (2012) trong khi chi cho đầu tư từ ngân sách lại giảm từ 34,6% (2005) xuống chỉ còn 22,9% (2012).

Chi quản lý hành chính đã tăng từ 8,2% (2005) lên đến 10,2% (2012), cao hơn hẳn so với chi y tế 6,4% (2012).

"Chi hành chính quá lỏng lẻo với chế độ sử dụng xe công, đi công tác nước ngoài, chiêu đãi... quá lãng phí trong khi ngân sách địa phương vẫn xin trung ương trợ giúp là những nghịch lý đáng buồn", TS Lê Đăng Doanh nói.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn