Sư tử TQ canh di tích: Tha hóa về biểu trưng văn hóa!

Thứ tư, 27/08/2014, 08:35
"Ngắm nhìn các hình tượng sư tử Việt luôn luôn gợi được cảm giác được trấn giữ, tiêu diệt kẻ ác, bảo vệ điều thiện và chính nghĩa".

Đó là những chia sẻ của PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội khảo cổ học VN với chúng tôi, trước thực trạng, từ tập đoàn, công ty, trung tâm mua sắm, nhà đại gia cho đến nhà dân, và thậm chí di tích lịch sử, ở đâu cũng bắt gặp “linh vật nhập ngoại”

Biểu trưng của sư tử Việt luôn hướng thiện

Vừa qua, trước thực trạng cổng chùa, di tích, công sở, doanh nghiệp bày sư tử đá, tỳ hưu có hình dáng chủ yếu theo mẫu Trung Quốc; Bộ VHTT&DL đã có công văn chỉ đạo các Ban, Ngành, Sở VHTT&DL, các cơ quan đơn vị về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Quan điểm của ông ra sao trước sự vào cuộc này của Bộ?

Trước hết, theo tôi đây là một tín hiệu rất vui mừng, bởi các nhà khoa học thực tế đã lên tiếng nhiều năm nay.

Thế nhưng, lên tiếng thì lên tiếng vậy thôi, chứ các cơ quan có trách nhiệm, có thẩm quyền vẫn chưa có sự vào cuộc nhanh chóng và sát sao. Cho tới bây giờ, Bộ VHTT&DL đã có văn bản đầu tiên, dẫu sao cũng là tín hiệu đáng mừng, nên cũng hy vọng từ đây câu chuyện giữ gìn truyền thống, thuần phong mỹ tục sẽ được phát huy ngày càng tốt hơn.

Nghiêm cấm sử dụng sư tử của Trung Quốc, nhưng có nhiều người thắc mắc rốt cục sư tử của Việt Nam hình thù trông như thế nào, ông có thể nói rõ hơn?

Sư tử đá của VN thực chất có rất nhiều, nó bắt đầu xuất hiện trong các di tích của VN từ thời Lý trở đi và tồn tại cho đến tận ngày nay, qua suốt thời Trần, thời Lê Sơ, Lê Trung Hưng rồi thời Nguyễn.

Còn sư tử nói chung nó là linh vật của toàn nhân loại, nhưng mỗi nước có một truyền thống riêng, phong cách riêng, phù hợp với điều kiện lịch sử và xã hội của mỗi một nước.

Việt Nam ta có truyền thống văn hiến riêng, nên sư tử của VN cũng có cách biểu hiện riêng. Nói về biểu trưng, hình tượng sư tử Việt Nam luôn luôn biểu trưng cho sức mạnh của Thần quyền kết hợp với Vương quyền, mặc dù mỗi thời kỳ các ý nghĩa biểu trưng có thể có sự thay đổi nhất định về mặt này hay mặt kia. Ngoài ra, về đại thể ý nghĩa biểu trưng của sư tử Việt Nam đề cao tính hướng thiện, hướng tới những điều tốt đẹp.

Về mặt nghệ thuật, sư tử VN mỗi một thời đều mang đặc điểm riêng của thời đại. Thời Lý sư tử đá có dáng hình to khỏe được trau truốt nuột nà, các chi tiết trang sức hết sức công phu và tinh mỹ. Sư tử thời Lý chủ yếu là đội tòa sen nâng bệ tượng Phật, đặt ở giữa Phật điện biểu trưng cho sức mạnh của Phật pháp.

Thời Trần sư tử cũng có dáng hình tương tự nhưng bớt trau truốt và bớt tỉa tót hơn. Cuối thời Trần, sư tử thường chạm trang trí trên bệ tượng Phật với nhiều tư thế vờn cầu vô cùng vui nhộn. Sang thời Lê sơ, thì sư tử xuất hiện tràn ngập trên các trang trí đồ gốm sứ với muôn hình vạn trạng.

Những con sư tử thời Lê Sơ tiếp nối thời Trần, nhưng dáng hình sinh động hơn, đa dạng hơn, cầu kỳ hơn và luôn thể hiện sức mạnh trong vẻ đẹp trong vô số các động tác chạy nhảy. Vào các thời muộn hơn, như thời Lê Trung Hưng hay thời Nguyễn, hình tượng sư tử đôi khi ở một số vị trí cũng có các động tác chạy nhảy nối tiếp thời Lê Sơ nhưng cơ bản là đi vào động thái trang nghiêm chứ không còn muôn hình vạn trạng như trước.

Sư tử đá tạo hình của Trung Quốc được đặt trước vườn tháp ở di tích chùa cổ Chân Tiên (phố Bà Triệu, Hà Nội)

Sư tử đá tạo hình của Trung Quốc được đặt trước vườn tháp ở di tích chùa cổ Chân Tiên (phố Bà Triệu, Hà Nội).

Nhưng dù ở thời nào và tư thế nào thì thần thái của sư tử VN luôn thể hiện là một loại linh vật biểu tượng cho sức mạnh, nhưng lại hết sức gần gũi với con người, với cộng đồng cư dân Việt. Ngắm nhìn các hình tượng sư tử Việt luôn luôn gợi được cảm giác sư tử Việt trấn giữ, tiêu diệt kẻ ác, bảo vệ điều thiện và chính nghĩa.

Nhưng sư tử ngoại lai, nhất là sư tử phương Bắc bất kỳ góc độ nào đều thể hiện thần thái dữ dội, thân hình vặn vẹo, các thớ thịt nổi lên cuồn cuộn, nanh vuốt giơ lên, dáng vẻ hết sức dữ dội, nhìn vào có cảm giác sợ hãi, xa cách. Những người thiện nhìn vào cũng thấy sợ hãi thế cho nên Trung Quốc mới sử dụng để phòng tránh việc xâm phạm mồ mả.

Nhưng tự nhiên không biết vì đâu, mấy năm qua ở VN lại vô cớ ào ạt đem linh vật canh mộ của Trung Quốc về đặt ở nhà, đặt ở công sở, đặt ở di tích. Ai ai nhìn thấy cũng thấy chướng mắt.

Sư tử đá xung sát khí rất mạnh

Theo ông, vấn nạn sư tử đá ngoại lai tràn vào không gian tâm linh cổ truyền của người Việt có căn nguyên xuất phát từ đâu?

Theo tôi, thì việc này có rất nhiều nguyên do, nhưng có mấy luồng chủ yếu, một là, luồng đi ra nước ngoài du lịch, rồi mua đồ kỷ niệm, nghe thuyết trình viên tuyên truyền ghê gớm về phát tài, phát lộc, bảo vệ, trấn giữ và cái luồng đó cứ thế lan truyền, dân ta đem về sử dụng một cách vô thức.

Không biết từ đâu người ta nói với tôi rằng bầy sư tử đá trước nhà là đem lại tài lộc, thịnh vượng, may mắn. Tôi đã từng nói rằng: tôi chưa đọc sách nào nói như vậy và nếu như vậy có mấy tỷ người thì mua mấy tỷ con sư tử thì giầu có cả thế giới, xóa sạch đói nghèo.

Thực ra không bao giờ có như vậy cho nên tôi rất tâm đắc ý kiến của nhà phong thủy học Nguyễn Vũ Tuấn Anh (Giám đốc trung tâm Lý học Đông Phương: theo phong thủy bầy sư tử đá là hình thức tối kỵ bởi sư tử đá xung sát khí rất mạnh nên không thích hợp với doanh nghiệp, nhà dân, công sở, đình chùa).

Hai là, quản lý các cấp chưa có sự nhanh nhạy trước các hiện tượng lạ làm băng hoại phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của ta. Hiện tượng này ngấm ngầm đã lâu nhưng rất ít cơ quan hay nhà khoa học lên tiếng kịp thời.

Rồi tiếp theo khi phát hiện, khoa học báo động thì nhà quản lý cũng chưa khẩn trương ngay lập tức rung chuông vào cuộc quyết liệt, kịp thời ngăn chặn việc tự phát tự động cho sư tử đá ngoại lai “xâm lăng” vào không gian văn hóa của ta với tốc độ chóng mặt.

Ba là, các nhà khoa học cũng chưa nhất quán cao trong việc phát hiện và lên tiếng mạnh mẽ để kiến nghị với các cấp quản lý. Cũng chưa dầy công nghiên cứu để đưa các mẫu mã sư tử của ta cùng những linh vật đẹp, phù hợp với điều kiện xã hội và truyền thống văn hiến Việt để tuyên truyền, vận động cho các nhu cầu cần thiết trong xã hội.

Như vậy, có thể thấy người dân có nhu cầu cung tiến nhiều, nhưng họ lại không có đủ nhận thức, không được tuyên truyền đủ để hiểu hết về đúng những hiện vật, lễ vật thuần Việt. Mặt khác, có khi chính các nhà tâm linh, phong thủy cũng là người khuyên họ nên đặt mua những hiện vật như thế. Ông có ý kiến thế nào về những trường hợp này?

Một lần nữa tôi khẳng định đây là những chuyện hoàn toàn bịa đặt, không có sách vở nào chứng minh về việc này. Trên kia tôi đã dẫn lời của nhà phong thủy học Nguyễn Vũ Tuấn Anh để làm dẫn chứng.

Tôi cũng biết có một vài người nói là các nhà tâm linh khuyên những người mua như bạn nói. Nhưng khi tôi hỏi cụ thể là sách nào thì họ chịu.

Quá đáng buồn!

Ngay cả việc sử dụng các linh vật làm đồ trang sức, cúng tế như tỳ hưu, sư tử đá, theo ông, mục đích ý nghĩa của linh vật này là gì? Có phải cái suy nghĩ hám tiền của người Việt đang ngày càng thể hiện rõ rệt?

Hám tiền thì cũng không hẳn có gì là xấu. Nhưng nói tỳ hưu là giữ của thì tôi cũng chưa đọc được sách nào. Thực chất tôi đã xem các hình tượng tỳ hưu mà tôi biết thì tôi chỉ thấy đó là sự biến tấu của con sư tử có cánh canh mộ cho vua Lương Vũ Đế của Trung Quốc mà thôi.

Thực sự là quá đáng buồn! Tuy rằng, việc mua để giữ của, tôi cho là cá nhân mỗi người, ai chả muốn, tôi cũng muốn, bản chất đơn thuần thì hoàn toàn không sao. Nhưng vấn đề ở đây không có lý do gì cả để nói con tỳ hưu là giữ của.

Nếu cứ suy nghĩ như vậy hoặc nghe quàng xiên như vậy rồi cho tràn lan là sư tử đá, tỳ hưu đá ngoại lai thì đó quả là sự lạc dòng về văn hóa và sự thất bại của tuyên truyền để xây dựng nền văn hóa tiên tiến mang đậm bản sắc Việt Nam mà chúng ta đang hướng tới.

Để giải quyết triệt để vấn nạn này, theo ông việc cần hiện nay mà chúng ta phải làm là gì?

Việc này muốn giải quyết rất cần sự đồng bộ của nhiều cấp quản lý và nhiều giải pháp. Muốn giải quyết triệt để thì các nhà quản lý, các nhà khoa học phải vào cuộc quyết liệt, truyền thông phải tuyên truyền giải thích, phải đưa ra các mẫu linh vật của VN thật nhiều.

Chúng ta cần giải thích, tuyên truyền trong nhân dân, khơi gợi ý thức văn hóa dân tộc trong việc sử dụng các biểu tượng văn hóa. Và nếu nói về chuyện tâm linh thì đó cũng phải là ý thức tâm linh dân tộc.

Quan điểm giao lưu của các cụ từ xưa là giữ gìn phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, có giao lưu nhưng hoàn toàn biến các yếu tố giao lưu hòa quyện nhuần nhuyễn với yếu tố dân tộc. Do vậy khi tiếp thu văn hóa bên ngoài thì phải tiếp thu như thế nào cho nó thật đúng đắn, phù hợp với thuần phong mỹ tục. Bài học đó là đã được bốn nghìn năm lịch sử để lại rất hùng hồn để cho bốn nghìn năm ta lại là ta.

Còn bây giờ chưa bao giờ trong lịch sử VN lại có một sự tha hóa về biểu trưng văn hóa như hiện tượng sư tử đá, biểu trưng văn hóa ngoại lai hiện nay. Sự gặm nhấm văn hóa ngoại lai nếu không cẩn thận đề phòng sẽ có hệ lụy không lường như câu chuyện “con đường tơ lụa trên biển” là con đường giao thương quốc tế Đông - Tây xưa nay nhưng lại được người ta định biến thành di sản văn hóa riêng của người ta.

Nhân chuyện này các cấp quản lý, cấp thẩm quyền liên quan nên ra một quy định, một thông tư về vấn đề sử dụng, xây dựng những biểu tượng văn hóa, quy định về bảo vệ chống lại việc sử dụng biểu tượng, linh vật bừa bãi như hiện nay, làm méo mó hình ảnh văn hóa VN, và có thể gây ra những tác hại lâu dài mà ta chưa thể lường được bây giờ.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn