Trong khi đó, chính quyền địa phương cho rằng, việc thu những khoản đóng góp này là theo thoả thuận giữa chi bộ, trưởng thôn và người dân nên thôn đứng ra thu những khoản này không sai luật.
Mặc dù phí và lệ phí của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có hiệu lực từ chục năm nay. Tuy nhiên người dân ở nhiều vùng nông thôn vẫn chưa thoát khỏi cảnh phải nộp những khoản phí tràn lan, thậm chí còn nhiều hơn trước đây.
UBND các cấp cho rằng, việc thu các khoản này theo thoản thuận giữa chi bộ, trưởng thôn và người dân. Vì vậy thôn thu những khoản này là không sai luật. Vậy nhưng có phải người dân tự nguyện đóng những khoản này hay không hay là phải bắt buộc tự nguyện?
Phóng sự của Đài truyền hình Việt Nam đã phản ảnh tình trạng này ở thôn Đông Vinh, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
Vét những hạt thóc cuối cùng, chị Huệ phải cắn răng mang thóc đi bán để nộp các khoản thu cho trưởng thôn xã Đông Vinh. Tính sơ sơ năm nay gia đình chị phải nộp gần 2 triệu đồng các loại đóng góp nông thôn: quỹ điều hành; thu trâu bò, máy cày; thu đất hoang hóa; văn hóa thể thao; thu đài thọ cán bộ...
Năm 2011, mỗi một con bò ở thôn Đông Vinh, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh ra đường phải nộp 5kg thóc. Năm 2012, mỗi một con bò ở xã này ra đường phải nộp 7.000 đồng. Người dân đã phản ánh khoản thu này lên xã, huyện nhưng không nhận được câu trả lời thoả đáng. Thậm chí, có gia đình phải bán cả những hạt thóc cuối cùng để nộp cho những khoản thu này.
Chị Nguyễn Thị Huệ, ở thôn Đông Vinh nghẹn ngào nói: "Họ bảo trâu bò đi hỏng đường nên phải đóng góp để sửa đường".
Trong khi những khoản thu đang ám ảnh đối với người dân, thì trưởng thôn Đông Vinh rất tự tin với lý do và cách thức tổ chức những khoản đóng góp này. Ông Nguyễn Xuân Hùng (trưởng thôn Đông Vinh) cho hay: "Từ cái nhỏ nhất chúng tôi đều trình qua cấp ủy, ra chi bộ xin ý kiến chi bộ, ra dân ý kiến biểu quyết".
Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp & PTNN Hồ Xuân Hùng cho rằng, lạm thu giống như căn bệnh mãn tính của nông thôn, trước khi có pháp lệnh về thu phí và lệ phí của UB Thường vụ Quốc hội thì xã huyện lạm thu. Sau khi có pháp lệnh này thì thôn cũng lại lạm thu.
"Do khoản chi từ ngân sách không đủ cho những hoạt động tối thiểu của đoàn thể, quần chúng hoặc một số cơ quan nào đó, vì vậy họ cũng đặt ra đó là những điều bất hợp lý", Thứ trưởng Hùng cho biết.
Việc cấp thôn đề ra các khoản thu đã và đang trở thành bình thường ở nhiều vùng nông thôn. Nhiều gia đình không đủ tiền nộp đành phải xin nợ thôn, người dân cũng phải nhanh chóng xoay cho đủ tiền nộp lệ phí, bởi nếu nợ những khoản tiền này sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính ở xã.
Năm nay, người dân nhiều thôn của Hà Tĩnh không phải đóng góp một số khoản như tiền nuôi bò, phí nuôi vịt... do các trưởng thôn cho rằng thấy không hợp lý. Nhưng việc cán bộ thôn dễ dàng đưa ra hoặc bỏ đi những khoản thu một cách tuỳ tiện thì người dân cũng chỉ biết được bỏ khoản nào, đỡ phải nộp khoản đó. Và cũng có thể, vào một ngày nào đó, trong danh mục các khoản thu lại xuất hiện trở lại phí nuôi bò, nuôi heo...
Theo VTV