Ảnh minh hoạ - Nguồn: Seatimes
Thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận. Theo đó, yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu và công luận sau hai cuộc hội thảo về đề án trên, sau đó báo cáo cho Thường trực UBND TP.HCM trong vòng năm ngày làm việc.
Đề án của Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất kinh phí hơn 4.000 tỷ đồng để trang bị SGK điện tử bằng máy tính bảng cho học sinh tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 đã khiến dư luận xôn xao nhiều ngày qua và nhiều tờ báo đã lên tiếng về việc này. Trong đó, Người Lao động có bài “Đừng biến trẻ thành robot biết nói!”, Thanh Niên: “Ai trả tiền cho SGK điện tử”. Đặc biệt, Tuổi Trẻ với “Đề án SGK điện tử 4.000 tỷ đồng: Lộ máy tính bảng giáo dục AIC giá bèo”.
Theo bài báo này, phóng viên đã phát hiện một chiếc máy tính bảng có tên Smart Education mang thương hiệu AIC Group tại một công ty có trụ sở ở TP.HCM. Theo đó, chiếc máy tính bảng Đài Loan này được báo giá 45 USD (khoảng 900.000 đồng), nếu mua với số lượng lớn giá có thể chỉ còn khoảng 500.000-700.000 đồng. Điều đáng nói, máy tính này có nhiều thông số y hệt chiếc máy tính bảng trong đề án SGK điện tử của TP.HCM (trong khi trong đề án, máy tính như vậy có giá gần 3 triệu đồng).
Báo Pháp Luật TP.HCM có bài phân tích về những tác hại và rủi ro cho trẻ và gia đình nếu đưa SGK điện tử vào các lớp 1, 2, 3. Đồng thời, nếu chỉ số hóa SGK đưa vào máy tính bảng mà gọi là “Đổi mới toàn diện giáo dục” là không chính xác.
Trả lời VTC News, PGS-TS Văn Như Cương cho rằng đề án sử dụng SGK điện tử tại TP.HCM chưa thấy được tác dụng cho học sinh mà chỉ có lợi cho nhà cung cấp thiết bị. Trong khi đó, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng các nước tiên tiến nhất không hề áp dụng SGK điện tử ở cấp tiểu học.
Theo Pháp luật TP.HCM