Xăm (tục vẽ mình) đã có ở Việt Nam từ thời xa xưa trong dân chúng. Những thế kỷ gần đây, nhiều người thường xăm lên bụng những chữ như “Nghĩa dĩ quyên khu, hình vu báo quốc” thể hiện tinh thần thượng võ hoặc “Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục” thể hiện ý chí của người quân tử, đàng hoàng, ngay thẳng.
Trải qua nhiều thăng trầm, trong hai thập kỷ gần đây, xăm mình tại Việt Nam luôn chịu sự kỳ thị khi nhiều người cho rằng xăm trổ chỉ dành cho dân anh chị và giới xã hội đen. Hình ảnh một số thành phần quá khích chụp ảnh xăm mình, tay cầm mã tấu gây ấn tượng tiêu cực với nhiều người. Cho đến 5 năm trở lại đây, xăm mới dần được nhìn nhận như một loại hình nghệ thuật hiện đại.
Số lượng nữ giới đi xăm không ít hơn nam giới là bao. |
Giới trẻ đi xăm vì yêu thích một hình vẽ nào đó, hoặc muốn lưu lại một biểu tượng mang ý nghĩa lớn đối với họ, như người thân đã khuất, biểu tượng của nghề nghiệp hoặc tín ngưỡng. Nam giới xăm mình đã đành, số lượng nữ giới đi xăm hiện nay không thua kém là mấy. Có trường hợp một cô gái đi xăm sau khi trải qua một cú sốc tinh thần. Cô xăm chữ “Don’t look back” - đừng nhìn lại. Sau này cô kể lại rằng, mỗi lần nhìn vào dòng chữ này, cô cảm giác như đây là một lời động viên và sống lạc quan hơn.
Người đàn ông Hàn Quốc này đến tận Việt Nam để xăm. |
Hiện có khoảng hơn 30 tiệm xăm đang hoạt động tại Hà Nội và 50 ở TP.HCM. Một số người cho rằng hình xăm còn có ý nghĩa phong thuỷ, do đó, cần tìm hiểu kỹ trước khi xăm. Nhưng các thợ xăm đều phản bác ý kiến này. Đối với họ, hình xăm chỉ có ý nghĩa nghệ thuật thuần tuý, không thể mang lại sự giàu có hay gây hại cho người mang nó.
Cô gái này xăm lên cổ chân, vị trí gây đau đớn nhất. |
Số lượng người đi xăm càng ngày càng đông thì yếu tố vệ sinh cần phải chú trọng. Kim xăm chỉ được sử dụng một lần, thợ xăm phải luôn đeo găng chuyên dụng, tuyệt đối không được gãi và cậy khi mới xăm. Quan trọng hơn cả, hình xăm đi theo suốt cuộc đời, các bạn trẻ cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định ghi lên cơ thể.
Theo Zing