Tháng 10-2014, cà chua Lâm Đồng rớt giá thê thảm. Trên mạng xã hội, một nhóm bạn trẻ tình nguyện tự tổ chức lên Lâm Đồng mua cà chua về bán lẻ ở TP HCM. Chương trình này lôi kéo đông đảo người trẻ tham gia và những đợt cao điểm, mỗi ngày, nhóm thiện nguyện đã bán hết 700kg cà chua. Hàng trăm nông dân của tỉnh Lâm Đồng đã thoát khỏi tình trạng trắng tay, nợ chồng chất nợ.
Gần đây, việc tổ chức mạng lưới phân phối nông sản theo phương thức “giải cứu nông dân” được các bạn trẻ thực hiện rộng khắp các thành phố lớn Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hạ Long... Không hô hào hay than thở suông trên mạng, những người trẻ đã tập hợp và “ra tay” một cách bài bản.
Câu chuyện trái dưa hấu sau cơn lũ trái mùa đẫm mồ hôi nước mắt của nông dân Quảng Nam, Quảng Ngãi đã được các “hiệp sĩ thị trường” giương lên những khẩu hiệu kiểu “Mỗi trái dưa, một tấm lòng” hay “Bán dưa với cả tấm lòng”… đem lại hiệu quả nhất định.
Được biết, chương trình thiện nguyện thị trường của những nhóm bạn trẻ trên mạng đang tiếp tục “giải cứu” củ hành tím của nông dân ở Sóc Trăng, hành tây của nông dân Lâm Đồng…
Về hiệu ứng xã hội, những chương trình thiện nguyện như thế đã đánh động nhân tâm, đánh thức tinh thần tương thân tương ái. Nó cho thấy nếu biết cách vận hành với một mục đích mang tính hào hiệp, có sẻ chia thì “thị trường” là thứ gì đó không đến mức sòng phẳng và nghiệt ngã như ta vẫn tưởng.
Xa hơn, những chương trình thiện nguyện thế này cũng đánh động được trách nhiệm của các nhà phân phối lớn quan tâm hơn đến những chương trình tổ chức thu mua hiệu quả, có trách nhiệm với nông sản trong nước, đồng thời đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của nhà nước trong những giải pháp giúp nông dân bớt khốn khổ.
Tình người là thứ quyết định thành công từ những chương trình trên. Điều đó minh chứng rằng với mạng xã hội, nếu biết tận dụng như những công cụ hướng đến mục tiêu nhân văn thì sẽ là kênh đóng góp hữu ích cho cộng đồng xã hội, lan tỏa mạnh mẽ các giá trị tốt đẹp.
Tuy nhiên, với một thị trường phân phối nông sản được tổ chức theo mô hình đầy rủi ro cho người nông dân như hiện tại thì những tình nguyện viên trên hứa hẹn sẽ… quanh năm không được nghỉ ngơi.
Và thực tế không thể trông mong những hoạt động thiện nguyện quy mô nhỏ này có thể giải quyết được chuyện hàng trăm xe dưa đang xếp hàng nằm chờ tại cửa khẩu Tân Thanh; tình trạng nông dân bị thương lái ép giá hay khắc phục cảnh “được mùa mất giá” diễn ra triền miên.
Để giải quyết những vấn đề trên, chỉ có các cơ quan quản lý nhà nước mới làm được. Làm ở đây không chỉ hô hào, vận động suông mà bằng những chính sách vĩ mô, hiệu quả từ khâu trồng trọt đến thu mua và đưa ra thị trường. Những vấn đề này không mới và cũng không quá khó nhưng tại sao nông dân vẫn mãi khổ để đến mức cư dân mạng phải “ra tay”?
Theo NLĐ