Các diễn giả chia sẻ quan điểm về công ty gia đình Việt thời hội nhập tại hội thảo “Những bài học thực tế từ Doanh nghiệp gia đình thời hội nhập”. |
Nghiên cứu về công ty gia đình lâu đời trên thế giới cho thấy bi kịch thành công của gia đình được lưu giữ khoảng 70% khi truyền từ thế hệ sáng lập sang đời F1, khoảng 30% khi chuyển giao từ F1 sang đời F2, từ F2 sang đời F3 tính gia đình trị dần mất đi. Nhưng điều thú vị đến thế hệ F7 - F8 của gia đình sẽ quay trở lại kiểm soát công ty nói trên.
Công ty gia đình – xu hướng tất yếu ở các nền kinh tế
Theo thống kê của một tổ chức nghiên cứu, các công ty gia đình đóng góp đến 50% GDP và cung cấp việc làm cho 60% - 70% lao động tại khu vực Châu Âu (EU); khoảng 60% lao động tại Hoa Kỳ (US); 50% GDP và 70% lao động tại các nước trong khu vực châu Á. Ở Việt Nam, thống kê cho thấy từ năm 2000 - 2010 khối dân doanh đóng góp khoảng 50% GDP, đa số trong đó là công ty gia đình.
Ngoài ra, nghiên cứu mới của trường Đại học Havard cho thấy các nước có nền kinh tế phát triển thì công ty gia đình đóng góp rất lớn vào kinh tế chung của quốc gia ở cả GDP, việc làm, tiêu dùng…
Mặc dù, thống kê các công ty gia đình truyền đời trên thế giới cho biết rằng, sự chuyển giao giữa thế hệ trước cho thế hệ sau trong công ty gia đình làm giảm “tính sở hữu” của gia đình. Nhưng rõ ràng, công ty gia đình có vị thế quan trọng đối với bất kỳ nền kinh tế khu vực, quốc gia nào; và là một xu thế tất yếu ở các nền kinh tế bởi giá trị cốt lõi của nó, văn hóa tin tưởng lẫn nhau, sự gắn kết,…
Gia nghiệp Việt - liệu có thể vượt qua “lời nguyền” để trường tồn?
Tại hội thảo: “Những bài học thực tế từ Doanh nghiệp gia đình thời hội nhập” do Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Hội nhập toàn cầu - GIBC kết hợp với LBC tổ chức, Ths. Huỳnh Phước Nghĩa - Giảng viên trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Nghiên cứu về công ty gia đình lâu đời trên thế giới cho thấy bi kịch của các công ty này là thành công của gia đình được lưu giữ được khoảng 70% khi truyền từ đời thứ nhất (thế hệ sáng lập) sang đời thứ 2 (F1), khoảng 30% khi chuyển giao từ F1 sang đời thứ 3 (F2), từ F2 sang đời thứ 4 (F3) phần lớn là không còn thành viên của gia đình kiểm soát - gia đình trị dần mất đi. Nhưng điều thú vị là sau 7-8 đời, tức thế hệ F7 - F8 của gia đình sẽ quay trở lại kiểm soát công ty gia đình nói trên.
Không giống như các công ty gia đình ở EU, Mỹ hay Nhật Bản, công ty gia đình ở Việt Nam còn non trẻ - tuổi đời chỉ khoảng gần 30 tuổi trở lại. Các cuộc chuyển giao giữa thế hệ “lập nghiệp” cho thế hệ kế tiếp (F1+) đang bắt đầu diễn ra, dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập quốc tế sâu rộng khi Cộng đồng kinh tế Asean - AEC có hiệu lực cuối năm 2015 hay Hiệp định TPP được thông qua. Liệu các công ty gia đình Việt có thể trường tồn - thoát ra khỏi lời nguyền “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” như ông cha đã đúc kết? Làm cách nào để kiến tạo một doanh nghiệp gia đình thành cơ nghiệp vững bền, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập đòi hỏi sự thay đổi, hiện đại hóa và tái cấu trúc liên tục?
Trước hết cần hiểu đúng về công ty gia đình - công ty mà dù cho thành viên gia đình không chiếm sở hữu lớn tại công ty nhưng vẫn chiếm được quyền kiểm soát kinh doanh và ảnh hưởng đến quản trị chiến lược công ty.
Để phát triển vị thế doanh nghiệp gia đình Việt, có nhiều nguyên tắc cần tuân thủ: quản trị bao gồm tài sản và quyền kiểm soát kinh doanh, xử lý mọi xung đột, giữ gìn giá trị văn hóa công ty, sử dụng người quản lý công ty bên ngoài gia đình… nhưng quan trọng hơn cả là đội ngũ kế thừa.
Phần lớn các chuyên gia đều nhận định, các cuộc chuyển giao giữa thế hệ “lập nghiệp” cho thế hệ kế tiếp (F1+) đang bắt đầu diễn ra và sẽ diễn ra mạnh mẽ trong những năm tiếp theo. |
Theo Ths. Huỳnh Phước Nghĩa, cần phải hoạch định đội ngũ kế thừa. Một công ty gia đình phải hoạch định được tối thiểu 3 đời. Vì để có 2 người kế thừa ở châu Á mất 20 năm (EU ít hơn), trong 20 năm đó có 7-8 năm người kế thừa tiềm năng làm việc trực tiếp với nhóm sáng lập (cha - chú).
Nếu người kế thừa tiềm năng không vượt qua nhóm làm việc trực tiếp thì việc hoạch định người kế thừa không thành công. Nếu người thừa kế tiềm năng vượt qua được thử thách, chứng minh được khả năng của mình, đạt được thành tích cần được truyền thông trong gia đình đó sẽ là người kế thừa trong tương lai.
Ths. Huỳnh Phước Minh cũng lưu ý trong hoạch định người kế thừa phải lưu ý đến yếu tố hôn nhân; mâu thuẫn con cái - mối quan hệ giữa người kế thừa với các thành viên trong gia đình; hoạch định thời gian nghỉ hưu của người chuyển giao rõ ràng, nếu người chuyển giao “lấp lửng” sẽ giết chết kết quả của người kế thừa.
Ngoài ra, áp lực của người kế thừa là vượt qua “cái bóng của người sáng lập”. Để giúp người kế thừa vượt qua được “bóng người khổng lồ”, người kế nghiệp phải nhận được sự ủng hộ từ thế hệ sáng nghiệp. Bên cạnh đó, người kế nghiệp hiểu rõ và giữ gìn giá trị cốt lõi của kinh doanh, kết nối và giữ quan hệ chặt chẽ với các nhóm sở hữu, củng cố hệ thống quản trị và năng lực lãnh đạo, chứng minh hiệu quả và xây dựng một công ty có văn hóa.
Việt Nam đang đứng trước ngưỡng chuyển giao thế hệ lãnh đạo các doanh nghiệp, áp lực của thế hệ thứ 2 sẽ rất lớn trong việc giữ gìn và phát triển những giá trị thế hệ cha ông để lại. Mặc dù nghiên cứu của trường Đại học Havard cho thấy, người kế thừa không quyết định thành công của cha ông nhưng họ là nhân tố quan trọng đảm bảo sự trường tồn của gia nghiệp.
Theo BizLive