Xuất hiện những nhóm tham nhũng bao che, bảo vệ nhau

Thứ tư, 03/12/2014, 07:19
“Qua theo dõi, chúng tôi biết tham nhũng diễn biến ngày càng tinh vi, không chỉ một cá nhân riêng lẻ mà có dây mơ, rễ má, hình thành nên những nhóm, quan hệ xâu chuỗi để bao che, bảo vệ nhau, chống rất khó...”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 4. Ảnh: Nguyễn Khang. TTXVN.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri quận 4. Ảnh: Nguyễn Khang. TTXVN.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết tại buổi tiếp xúc cử tri quận 4 của Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 1 TP.HCM sau kỳ họp thứ 8 diễn ra vào chiều 2/12.

Thu nhập chính đáng, liệu có dinh thự nguy nga?

Nhiều cử tri bày tỏ bức xúc trước nạn tham nhũng, đặc biệt là trường hợp nhiều tài sản nhà đất nguyên Tổng Thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền. Cử tri Phan Ngọc Long (phường 8) nói: Cán bộ chức vụ càng cao thì tài sản càng nhiều. Tài sản ở đâu mà có? thu nhập chính đáng liệu có sắm được những dinh thự nguy nga, đồ sộ? Phải chăng việc kê khai và công khai tài sản vừa qua có dấu hiệu không trung thực? Vụ ông Trần Văn Truyền là một điển hình. Chỉ đến khi ông ấy về hưu mới lộ ra hàng loạt sai phạm. Đừng nói chính quyền địa phương các nơi giải quyết chính sách nhà ở, đất đai không biết ông Truyền có nhà, đất.

“Vẫn là chuyện con chuột và cái bình. Đặc quyền đặc lợi và các mối quan hệ quyền lực là hình ảnh con chuột tham nhũng, là một trong những nguyên nhân làm vỡ bình chứ không phải ném chuột, diệt tham nhũng. Xử lý cán bộ sai phạm cũng chỉ là xử lý phần ngọn. Cái gốc nằm ở đặc quyền đặc lợi, nếu không giải quyết ngay thì sắp tới sẽ xuất hiện những ông Trần Văn Truyền khác”.

Cử tri  Phan Ngọc Long (phường 8, quận 4, TP.HCM)

“Vẫn là chuyện con chuột và cái bình. Đặc quyền đặc lợi và các mối quan hệ quyền lực là hình ảnh con chuột tham nhũng, là một trong những nguyên nhân làm vỡ bình chứ không phải ném chuột, diệt tham nhũng. Xử lý cán bộ sai phạm cũng chỉ là xử lý phần ngọn. Cái gốc nằm ở đặc quyền đặc lợi, nếu không giải quyết ngay thì sắp tới sẽ xuất hiện những ông Trần Văn Truyền khác” - ông Long nói.

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, trong thời gian qua các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đã làm rất nhiều việc nhưng chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tham nhũng. Tham nhũng làm lòng dân không yên, gay gắt đến bức bối.

“Có bà con đã nói không sợ nợ công chỉ sợ tham nhũng. Bức bách đến độ người ta phải nói đến như vậy… Tại sao Singapore tự hào đất nước của họ trong sạch. Không chỉ trong sạch không khí, bụi, tiếng ồn mà còn trong sạch về phẩm chất con người. Chúng ta có mấy ngàn năm văn hiến, không lẽ không học được từ Singapore? Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe những ý kiến hết sức cay đắng của cô bác nhưng điều chúng ta quan tâm là làm sao ngăn chặn. Tham nhũng thế này kinh tế thiệt hại, lòng dân mất đi thì còn gì nữa. Ai cũng day dứt cả” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Tham nhũng phải bị trừng trị

Cử tri Vũ Hoàng Ninh (phường 13) bày tỏ: Tôi rất đồng tình với quan điểm chỉ đạo quyết liệt của đảng, nhà nước trong việc thu hồi tài sản có dấu hiệu vi phạm của ông Trần Văn Truyền. Theo báo cáo của Chính phủ thì tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt dưới 30%. Vì sao thu hồi khó thế? Tôi đề nghị tập trung thu hồi triệt để dù tài sản đã được chuyển hóa để hạn chế thất thoát. Cần phải xử phạt tội phạm với mức phạt bằng số tiền mà họ đã tham nhũng. Không đóng phạt hoặc đóng không đủ thì xử nặng về mặt hình sự.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Những vụ việc báo chí đã nêu liên quan đến một số cán bộ lãnh đạo cấp cao, tôi đảm bảo rằng sẽ giải quyết trình tự và công bố trên báo chí.

“Tôi đảm bảo rằng những thông tin bà con cung cấp cho chúng tôi sẽ không bị bỏ qua bởi nguồn tin ban đầu rất quan trọng. Rất nhiều vụ án lớn đã bắt đầu như vậy. Luật không công nhận thư nặc danh nhưng nếu thư có nội dung cụ thể, rõ ràng thì cũng được xem xét” - Chủ tịch nước nói.

“Tại sao Singapore tự hào đất nước của họ trong sạch. Không chỉ trong sạch không khí, bụi, tiếng ồn mà còn trong sạch về phẩm chất con người. Chúng ta có mấy ngàn năm văn hiến, không lẽ không học được từ Singapore? Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe những ý kiến hết sức cay đắng của cô bác nhưng điều chúng ta quan tâm là làm sao ngăn chặn. Tham nhũng thế này kinh tế thiệt hại, lòng dân mất đi thì còn gì nữa. Ai cũng day đứt cả”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

“Cô bác cứ yên lòng, không có bao che gì đâu. Nhưng cũng không phải báo đăng hôm nay, hôm sau đã công bố kết luận. Phải đi tìm từng chứng từ, hóa đơn, cộng sổ để xác minh. Rồi còn mời đương sự và những người có liên quan. Chúng ta còn phải đề phòng tình huống thứ hai là những ông hăng hái quá bị người ta tấn công. Đấu tranh chống tham nhũng là phải làm. Những người tham nhũng phải bị trừng trị nhưng những người lo việc nước, va chạm nhiều và bị tấn công thì phải bảo vệ họ” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết việc thu hồi tài sản tham nhũng đang gây nhiều bức xúc. Kết quả thu hồi đã công khai với toàn dân, các cơ quan thực hành nhiệm vụ đã thừa nhận khuyết điểm, chỉ thu được 20 -30% giá trị tài sản.

“Thực ra, các cơ quan chức năng làm rất gắt nhưng chỉ thu được bấy nhiêu thôi. Tài sản hiển hiện thu hồi còn dễ dàng, nếu tiêu xài hết hay có chuyển tài sản ra nước ngoài thu hồi rất khó. Khi tiến hành xác minh, ngân hàng nước ngoài bảo mật, không cung cấp thông tin khách hàng của họ thì mình cũng chịu thôi. Nói điều này để thấy rằng tính chất ngày càng phức tạp trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Chúng tôi theo dõi, chúng tôi biết nó rất tinh vi. Tham nhũng không phải chỉ một người riêng lẻ mà có dây mơ, rễ má, hình thành những nhóm, quan hệ xâu chuỗi để bao che, bảo vệ nhau”- Chủ tịch nước khẳng định.

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, dù khó nhưng nếu đảng, nhà nước và nhân dân quyết tâm thật sự, kiên trì, bền bỉ, làm quyết liệt thì chắc chắn sẽ từng bước hạn chế được nạn tham nhũng. Trong những lần tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, HĐND, MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội, cử tri cần cung cấp các thông tin, vụ việc cụ thể để cơ quan chức năng xem xét, xử lý.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn