Một cậu bé người Syria tị nạn cầm tấm bảng trong cuộc biểu tình tại trung tâm Athens hôm 27/11 - Ảnh: Reuters |
Do không đủ khả năng thực hiện gói hỗ trợ 64 triệu USD cho người tị nạn Syria vào tháng 12 này, WFP đã tuyên bố tạm ngưng chương trình lương thực.
Chương trình của WFP viện trợ thông qua tem phiếu. Dân tị nạn Syria có thể mua thực phẩm ở cửa hàng địa phương của các nước tiếp nhận tị nạn với trị giá lên đến 800 triệu USD. Ba năm kể từ khi cuộc chiến diễn ra, WFP đã viện trợ lương thực cho hàng triệu người ở Syria cũng như hàng nghìn người ở các vùng lân cận.
Giám đốc điều hành WFP, bà Ertharin Cousin cho biết: “Điều này làm hại đến sức khoẻ và sự an toàn của những người tị nạn, đồng thời tạo ra thêm áp lực, sự bất ổn và mất an ninh ở nước láng giềng của Syria. Chương trình Lương thực bị đình trệ sẽ là thảm hoạ với nhiều gia đình vốn đã phải chịu quá nhiều khó khăn”.
Bà Cousin cũng cho biết thêm, người Syria trong các trại tị nạn hầu như không có điều kiện chuẩn bị cho một mùa đông sắp tới, nhất là người Syria tị nạn ở Lebanon và Jordan, nơi mà các lều trại được đắp bằng bùn, điều kiện vệ sinh kém và rất nhiều trẻ em không có giày và áo ấm.
Người tị nạn Syria tại biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Reuters |
Chúng tôi rất lo lắng về những hậu quả mà sự cắt giảm ngân sách gây ra cho những người tị nạn cũng như các quốc gia đang mở cửa đón tiếp họ. Đây sẽ là một gánh nặng cho các quốc gia này, ông Muhannad Hadi, điều phối viên khẩn cấp của WFP cho biết.
Vào tháng trước, WFP cũng đã cắt giảm một nửa ngân sách trong chương trình cứu trợ cho các nước như Somalia, Nam Sudan và những người vùng sâu vùng xa ở Bắc Kenya.
Nhiều cộng dồng, chính phủ các quốc gia khác cũng có những chương trình hỗ trợ. Tuy nhiên, WFP là tổ chức cung cấp lương thực lớn nhất cho đến nay. Không một tổ chức nào khác hoạt động được trên quy mô lớn và có khả năng tiếp cận nhu cầu của hơn 1,7 triệu người tị nạn như WFP, ông Gregory Barrow, giám đốc WFP tại London cho hay.
Theo Thanh Niên