Mâu thuẫn lợi ích
Ts Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định tại Hội thảo Xây dựng thể chế thị trường năng lượng cạnh tranh ở Việt Nam vừa được Viện này phối hợp với các cơ quan điều hành điện lực của Đức và Australia được tổ chức sáng 1/7.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cần nhanh “tách” các cơ quan điều tiết điện lực ra khỏi cơ quan quản lý nhà nước |
Theo ông Cung: “Chừng nào chúng ta chưa giải quyết được mâu thuẫn lợi ích trong điều hành quản lý điện thì chừng ấy chúng ta chưa thể có được thị trường điện cạnh tranh đúng nghĩa, chưa thể thu hút được DN tham gia đầu tư và cung ứng điện”.
Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Phó Viện trưởng Viện CIEM, cần nhanh “tách” các cơ quan điều tiết điện lực ra khỏi cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Công Thương, xây dựng cơ quan điều tiết điện lực độc lập thì ngành điện mới thực hiện giám sát nghiêm túc và cải cách dễ dàng được”.
Trở lại với vấn đề phát triển điện cạnh tranh, theo chỉ đạo của Chính phủ, thị trường điện cạnh tranh được thực hiện từ tháng 7/2012, đến nay đã đi được 3 năm. Theo nhiều chuyên gia, dù có kết quả song chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp, người tiêu dùng và thị trường.
Lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam được hình thành theo 3 cấp độ. Phát điện cạnh tranh (2005-2014), bán buôn cạnh tranh (2015-2022) và bán lẻ cạnh tranh (sau 2022). Hiện Việt Nam ở bước cuối cùng của thị trường phát điện cạnh tranh và sắp sang giai đoạn bán buôn cạnh tranh.
Năm 2015 sẽ đánh dấu bước phát triển mới của thị trường điện cạnh tranh, đó là triển khai giai đoạn 2 - thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Để thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam (VCGM) trở thành một “sân chơi” thực sự sôi động, cạnh tranh, thu hút tất cả các nhà máy điện trực tiếp tham gia thì phía trước vẫn còn nhiều thách thức.
Hiện tham gia VCGM đã có hơn 50 đơn vị, chiếm gần 43% công suất toàn hệ thống điện. Tiềm năng của điện tái tạo của Việt Nam như điện mặt trời, điện gió là rất lớn nhưng do giá thành bán buôn thấp, chi phí đầu tư cao, cải thiện thị trường điện cạnh tranh chậm chạp khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà.
Theo đánh giá của CIEM, tỷ lệ trên là chưa cao và tăng chậm sẽ làm giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong vận hành thị trường điện. Việc mở rộng đối tượng tham gia VCGM đối với các nhà máy điện còn lúng túng... Làm thế nào để gia tăng hiệu quả VCGM, tạo động lực cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm thành công trong năm 2015 là câu hỏi đặt ra cho tất cả các bên liên quan cùng các đơn vị tham gia, trong đó có EVN.
Tại sao giá điện tăng vọt?
Theo Ts Cung, vướng mắc lớn nhất để phát triển thị trường điện cạnh tranh hiện nay chính là nút thắt về cơ chế, thể chế và mâu thuẫn lợi ích khó giải quyết. Ngành điện đang đóng hai vai, nhà sản xuất, kinh doanh và trực tiếp phân phối. Sự độc quyền đã được thuyên giảm do lộ trình đặt ra nhưng vấn đề gốc rễ vẫn còn rất nặng nề.
“Trung Quốc rất thành công khi phát triển thị trường điện cạnh tranh, họ xây dựng cơ chế ba ủy ban điều phối, điều tiết và giám sát độc lập để quản lý điện từ nhà sản xuất, thu mua, phân phối. Dù sau này họ không thu hút được nữa do mức độ ưu đãi ngày càng giảm, nhưng giai đoạn phát triển và tăng trưởng nóng của Trung Quốc, điện năng đã đóng góp rất lớn duy trì sự vươn lên của nền kinh tế Trung Quốc và ngày nay họ vẫn duy trì được điều đó”, ông Cung nhấn mạnh.
Theo chuyên gia năng lượng đến từ Đức, ông Rainer Brohm thì: “Việt Nam có rất nhiều điều kiện và tiềm năng phát triển điện năng tái tạo ở quy mô nhỏ và vừa. Dải miền Trung rất thuận tiện cho phát triển năng lượng mặt trời, trong khi đó Đồng bằng Sông Cửu Long lại thuận lợi phát triển năng lượng gió…
Kinh nghiệm ở Đức, rất nhiều hộ sản xuất nhỏ duy trì các máy phát điện công xuất đủ đáp ứng các nông – trang trại của họ. Khi họ thừa điện năng (năng lượng gió, pin mặt trời hay năng lượng sinh học) họ lại bán cho cơ quan điều tiết điện lực của Đức. Cơ quan này mua điện và phân phối ra thị trường. Trở lại với vấn đề của Việt Nam, nếu các cơ quan Bộ - ngành của Việt Nam thấy trở ngại về quản lý giá, quản lý hoạt động của các nhà sản xuất điện khó khăn thì đây cũng là vấn đề khó khăn của nhiều quốc gia và họ đã giải quyết được”.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), rất nhiều ý kiến cho rằng cần cải cách mạnh mẽ cơ chế điều hành của EVN. Tuy nhiên, cách nào, mô hình nào và thực hiện ra sao thì phía cơ quan quản lý cần tham khảo, rút kinh nghiệm từ các mô hình phát triển điện cạnh tranh của các nước trên thế giới.
“EVN trong thời gian qua đã phải kiêm nhiệm chức năng an sinh xã hội, họ phải đầu tư lớn vào hạ tầng, phục vụ an sinh, các nhiệm vụ xã hội ở vùng sâu vùng xa, nhưng đã đến lúc chúng ta cần bóc tách nhiệm vụ xã hội của EVN và lợi ích kinh tế. Đây là một trong những vấn đề nhức đầu nhất để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh năng lượng, phát triển hạ tầng điện ở những vùng sâu vùng xa mà vẫn đảm bảo được có thị trường cạnh tranh", ông Vịnh nói.
Theo Ts Doanh nói: “Bộ Công thương chưa bao giờ từ chối đề xuất nâng giá điện của EVN. Chúng ta phải cải cách thể chế, ngành điện muốn có thị trường cạnh tranh thì cần có cơ quan giám sát độc lập, tách chức năng chủ sở hữu ra khỏi Bộ Công thương. Bộ Công Thương chỉ làm quản lý nhà nước thôi, chức năng giám sát điện lực nên giao cơ quan khác. Cơ quan đó trực thuộc quốc hội, đó là mô hình tương tự như một số nền kinh tế thị trường khác”.
Trao đổi với báo chí về tình trạng hàng loạt hộ gia đình ở nhiều tỉnh, thành phố bức xúc về hóa đơn tiền điện tăng vọt trong tháng qua, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng cần xem lại biểu giá điện lũy tiến hiện nay có phù hợp thực tế và thu nhập của người dân hay không.
Cụ thể, theo vị chuyên gia này, việc tính giá điện lũy tiến chỉ được áp dụng với nước thiếu nguồn cung, nhằm khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm. Tuy nhiên, việc tính lũy tiến phải phù hợp với tình hình kinh tế và nhu cầu của người dân. Theo ông Doanh, ngành điện nói giá điện nước ta thấp hơn các nước trong khu vực, nên phải tăng để thu hút đầu tư. “Giá điện được đưa ra so sánh, trong khi thu nhập người dân không được tính tới. Thu nhập người dân có bằng nước khác không để so sánh với giá điện nước họ? Không ai muốn ngành điện sụp đổ, nhưng tại sao lại bắt người dân phải chịu cho đơn vị cung ứng?”.
Theo DânTrí