Mỗi lần giá điện tăng, trong khi người tiêu dùng, doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế kêu gào ngành điện phải minh bạch, công khai chi phí thì những người có trách nhiệm của ngành điện bình thản trấn an: tăng giá điện là hợp lý, giá điện đã được kiểm toán, thẩm định cẩn thận. Rồi thêm nữa, là tăng giá điện không ảnh hưởng nhiều đến đời sống, kinh tế…, nghe cũng rất… êm tai.
Và người tiêu dùng chỉ còn biết… chấp nhận! Tuy nhiên, những ngày qua, khi kết luận thanh tra chỉ ra rằng có gần 600 tỉ đồng tiền xây nhà cho cán bộ, sân tennis, bể bơi… cũng được hạch toán vào giá điện, rồi cả chục ngàn tỉ đồng mà báo Tuổi Trẻ cho biết tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đi “biếu không” cho Viettel thì mọi chuyện… mới sáng tỏ.
Lòng tin của người dân vào ngành điện đang cạn. Ảnh mang tính minh họa. Tư liệu internet. |
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thừa nhận ông bị “sốc” trước thông tin này. “Tất cả các chi phí đầu tư ngoài ngành như xây dựng sân tennis, xây nhà biệt thự đều cộng dồn vào giá thành điện là không thể chấp nhận được”, ông nói. “Những gì mà người tiêu dùng từ trước tới giờ nghi ngờ về EVN là có cơ sở, và không hề sai. Ở đây có cả sự không trung thực của EVN”, ông Long nói tiếp.
Hơn nữa, theo ông Long, từ trước tới giờ người tiêu dùng chịu thiệt mà cơ quan quản lý, cụ thể là bộ Công thương không hề hay biết, cũng là việc cần đặt câu hỏi.
“Mỗi lần EVN tăng giá điện, hay họp báo công bố tình hình tài chính của EVN, Bộ Công thương đều cho rằng EVN đã minh bạch số liệu, giá thành. Thế mà, khi cơ quan thanh tra, kiểm toán vào cuộc lại cho ra kết quả hoàn toàn ngược lại. Phải chăng có cả sự bị động và nuông chiều doanh nghiệp của cơ quan quản lý?”, ông Long nói.
Còn nhớ, năm 2012, sau khi Kiểm toán Nhà nước công bố giá thành điện năm 2010 của EVN cao hơn giá kiểm toán 92 đồng/1kWh vì có nhiều khoản lên đến trên 3.000 tỉ đồng, mà đáng ra, nếu hạch toán vào giá điện thì giá điện bình quân năm 2010 đã không cao đến thế. Khi ấy, một lãnh đạo của EVN khẳng định, việc hạch toán chi phí giá điện được tập đoàn thực hiện theo đúng quy định kế toán Việt Nam.
Lần này, Thanh tra Chính phủ phát hiện một khoản gần 600 tỉ đồng chi cho việc xây “nhà quản lý vận hành” với cả bể bơi, biệt thự, sân tennis cũng được… hạch toán vào giá điện, trong khi, có những khoản khổng lồ, lên đến cả ngàn tỉ đồng (tiền từ cho thuê cáp và cột điện dài hạn) nếu được thu và hạch toán vào giá điện thì chắc chắn sẽ kéo giá thành điện xuống.
Tuy nhiên, một lần nữa, lãnh đạo EVN, chủ tịch hội đồng thành viên Hoàng Quốc Vượng giải thích trên báo Thanh Niên là “hạch toán giá thành của EVN cơ bản tuân thủ các quy định, năm nào cũng kiểm tra kiểm toán để công khai”. Thậm chí, với chi phí xây bể bơi, sân tennis, ông Vượng còn cho thế “là nhân văn” để “thu hút cán bộ”!
Tất cả các chi phí đầu tư ngoài ngành như xây dựng sân tennis, xây nhà biệt thự đều cộng dồn vào giá thành điện là không thể chấp nhận được. Những gì mà người tiêu dùng từ trước tới giờ nghi ngờ về EVN là có cơ sở, và không hề sai. Ở đây có cả sự không trung thực của EVN. (Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long) |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong bình luận, với cách công khai minh bạch như vừa qua của ngành điện thì việc phát hiện những khoản thu, chi, đầu tư như trên… quả là không có gì phải bất ngờ!
“Có chăng chỉ là chút bất ngờ về con số, ví dụ khoản đầu tư ngoài ngành lần đầu được công khai, lên đến 121.000 tỉ đồng, vượt vốn điều lệ hơn 45.000 tỉ đồng thì lớn quá”, ông Phong nói thêm.
Chợt nhớ, sau một lần tăng giá điện mới đây nhất, trước hàng chục câu hỏi của phóng viên về giá điện, người phát ngôn Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa đã trả lời “không muốn nói thêm”, âu cũng là điều… dễ hiểu.
Tại cuộc họp báo mới đây của Bộ Công thương, thứ trưởng phụ trách năng lượng, ông Lê Dương Quang thừa nhận một thực tế: đáng ra, chủ đầu tư phải tự huy động vốn để làm các dự án điện, song do năng lực tài chính kém nên có dự án, EVN khi ký hợp đồng với các nhà thầu thì “thòng” thêm điều kiện nhà thầu phải đứng ra thu xếp vốn.
Đặt việc này bên cạnh con số các khoản đầu tư ngoài ngành khổng lồ, hay những khoản đáng ra phải thu (như khoản gần 10.000 tỉ đồng cho Viettel dùng chung hạ tầng cáp, cột điện) mới thấy EVN tuy nghèo mà tiêu dùng xa xỉ ra sao!
Phó chủ tịch hội Bảo vệ người tiêu dùng Vương Ngọc Tuấn bức xúc, những lần EVN tăng giá để bù lỗ, để có vốn đầu tư là không hợp lý.
Vì lỗ của ngành điện do nhiều nguyên nhân: quản lý yếu, đầu tư ngoài ngành, tổn thất lớn.
Còn tăng vốn đầu tư, thì trước hết phải dùng vốn tự có, tích luỹ, tiết kiệm. Như thế mới sòng phẳng. “Nếu những bất hợp lý như vậy cũng đều đưa vào giá bán điện để người tiêu dùng gánh chịu thì phản ứng tiêu cực của người tiêu dùng là dễ hiểu”, ông Tuấn nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, qua đây mới thấy, việc cần làm ngay để người dân đỡ thiệt thòi là phải bóc tách chi phí giá điện và cần một cơ chế giám sát độc lập. “Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất thành lập một tổ nghiên cứu độc lập để kiểm toán cấu thành giá điện. Nếu như cơ quan quản lý nói là chưa có đủ điều kiện về nhân lực, nhân sự thì có thể mời các tổ chức nước ngoài. Nếu như càng chậm trễ, thì người dân càng thiệt, niềm tin của người tiêu dùng càng tụt”, ông Ngô Trí Long đồng tình.
Liên quan đến việc xây nhà ở, biệt thự, sân tenis cũng được đưa vào giá điện, ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng việc này là để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân làm việc tại nhà máy. “Riêng với hạng mục biệt thự tôi được biết chỉ có ở nhà máy Ô Môn và Phú Mỹ nhưng không lớn và đều nằm trong tổng mức đầu tư được Chính phủ duyệt cho dự án. Vì thế nên nói tính vào giá điện nhưng phải được hiểu là tính vào giá xây dựng nhà máy và được trích khấu hao chung chứ không thể tách ra riêng để hạch toán. Còn việc đầu tư ngoài ngành, theo tôi EVN đầu tư ít nhất trong các tập đoàn. Và do hồi đó cũng là phong trào cả nên cũng xem xét trong bối cảnh ấy”, ông Ngãi nói |
Theo SGTT