Mới đây, nhà tỷ phú Mỹ Bill Gates đã đăng lên trang cá nhân facebook của mình bức ảnh một cây cột điện tại Việt Nam với dây điện và cáp chằng chịt. Kèm theo bức ảnh là lời bình luận: “Tại Việt Nam, nhu cầu năng lượng đang tăng 14% một năm. Lưới điện cũ này bị quá tải. Những đất nước như Việt Nam làm sao để giải quyết nhu cầu điện ngày càng tăng? Những quyết định khó khăn đang nằm ở phía trước”.
Sau khi Bill Gates đăng bức ảnh này, một lần nữa vấn đề đường dây điện chằng chịt gây mất an toàn và mỹ quan đô thị tại Việt Nam lại nóng lên trên các trang báo, mạng.
Liên quan tới vấn đề này, một lãnh đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, bức ảnh cột điện mà Bill Gates đăng trên trang facebook cá nhân có tới 99% là dây cáp viễn thông, điện thoại, chỉ có 1% là dây điện.
Tuy nhiên, những nhận định của Bill Gates rất chính xác. Đó là nhu cầu năng lượng điện tại Việt Nam đang tăng 14%/năm. Hiện ở Việt Nam và ngay cả tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, nhiều khu vực lưới điện cũ đã và đang bị quá tải.
Việc ngầm hóa lưới điện hạ thế gặp rất nhiều khó khăn. |
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Công ty điện lực Đống Đa, nguyên Phó ban kỹ thuật Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, cho biết, theo kế hoạch ngầm hóa đường dây điện của Tổng công ty, lưới điện được phân làm hai loại: Lưới điện cao thế và hạ thế.
Tới năm 2016 sẽ ngầm hóa 100% mạng lưới điện cao thế tại các quận nội thành của Hà Nội. Còn với lưới điện hạ thế thì hiện Tổng công ty chưa có định hướng gì, chưa biết bao giờ mới ngầm hóa hết được.
“Việc ngầm hóa lưới điện hạ thế gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là về kinh phí, đầu tư. Thứ hai là về quy hoạch. Thứ 3 là cách sửa chữa, khắc phục khi có sự cố nếu ngầm hóa lưới điện. Không thể đã ngầm hóa rồi, cứ có sự cố lại đào bới lên để sửa chữa. Tất nhiên ở Hà Nội và TP.HCM cũng đã có một số khu vực lưới điện được ngầm hóa, song số này rất hạn chế.
Các nước phát triển đã làm được việc này từ lâu là bởi ngay từ đầu họ có quy hoạch, hạ tầng tốt và những quy định chặt chẽ về việc này. Ngay như một nước trong khu vực là Malaysia, tôi đã từng qua đó tham khảo thì thấy khi họ lên kế hoạch hạ ngầm lưới điện, dự án của họ yêu cầu trong vòng 20 năm nếu có sự cố về điện gì xảy ra cũng không được đào lên, mà thay vào đó họ xây dựng quy trình, biện pháp khắc phục khác”, ông Tuấn phân tích.
Còn việc bỏ cột điện và không cho "rác" viễn thông ăn theo, ông Tuấn cho biết: "Tổng công ty Điện lực Hà Nội hiện không có kế hoạch này. Bởi việc ngầm hóa lưới điện hạ thế còn chưa có kế hoạch, định hướng gì thì làm sao mà bỏ hết các cây cột điện đi được?
Hiện việc cáp viễn thông, điện thoại, truyền hình ăn theo dây điện phải trả phí cho điện lực, thế nhưng thực tế chỉ khoảng 30 – 40% trong số đó là phía điện lực thu được phí, còn lại là bên viễn thông, truyền hình mắc trộm.
Việc không cho phía viễn thông, truyền hình mắc đường dây cáp vào thì phía điện lực cũng không quyết định được. Bởi không có quy định nào bắt các đường dây cáp này phải đi ngầm thì tất nhiên họ phải “ăn theo” cột điện."
Cuối cùng, ông Tuấn chia sẻ: “Bây giờ ngành điện chỉ có thể cố gắng làm sao cho lưới điện đảm bảo các nguyên tắc là an toàn, vận hành liên tục và ổn định, còn các vấn đề dây điện, cáp chằng chịt gây mất mỹ quan đô thị thì phải cần sự chung tay của toàn xã hội”.