Năm sau giá điện có thể tăng, tăng nữa

Thứ năm, 10/10/2013, 16:01
Những thông tin trong kết luận thanh tra của Chính phủ, thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới được tiết lộ thực sự gây sốc đối với nhiều người dân.

Trên diễn đàn mạng, những thông tin EVN đưa cả chi phí xây sân tennis, chung cư, biệt thự vào giá điện; việc mua xe sang, vượt tiêu chuẩn định mức cho lãnh đạo tập đoàn; việc giao chỉ tiêu cho nhiều đơn vị kinh doanh trong ngành là "phải lỗ"... đã khiến nhiều độc giả chỉ có thể thốt lên: "sốc", "choáng", "không còn gì để nói"...

Điều này cho thấy, người dân đã phẫn nộ cao độ về những việc làm có thể nói là trái quy định, mờ ám của lãnh đạo tập đoàn này.

Gần đây, với nhịp độ điều chỉnh giá điện dồn dập hơn, đã có nhiều ý kiến, từ lãnh đạo bộ Công thương, đến không ít chuyên gia kinh tế, chuyên gia World Bank cho rằng, giá điện VN còn cần được điều chỉnh.

Họ chỉ ra những lý do khách quan như: giá bán điện còn thấp hơn giá thành sản xuất; giá điện VN còn rẻ hơn nhiều nước trong khu vực, phải tăng giá để thu hút đầu tư... Tuy nhiên, đứng trước những thông tin đã được cơ quan có trách nhiệm như Thanh tra Chính phủ đưa ra, những lập luận này sẽ khó còn thuyết phục được ai.

Năm sau giá điện có thể còn tăng, tăng nữa. Ảnh minh họa

Cho dù, Bộ Công thương, Tổng cục Năng lượng hay bất cứ cơ quan nào khác đưa ra đủ những con số chứng minh, cho dù họ mời được những chuyên gia kinh tế để nói năng cho có vẻ khách quan, có lập luận vững chắc..., thì với tất cả những việc làm của EVN, dường như, sẽ không còn mấy ai còn niềm tin vào những con số, lập luận đưa ra hay ngay cả các chuyên gia đó nữa. Bởi, như người đời thường nói: "Một lần thất tín, vạn sự bất tin" là thế!

Nhưng đâu phải chỉ có mỗi một lần này EVN mới lộ ra cung cách làm việc thiếu minh bạch đến như vậy.

Trong rất nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán trước đây của các đơn vị như Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Bộ Tài chính... đều cho thấy, cứ kiểm tra, thanh tra đợt nào, là lại thấy EVN có những sai phạm tương tự. Người ta sẽ phải đặt câu hỏi: thanh tra, kiểm toán cũng chỉ là để thanh tra, kiểm toán, còn EVN tiếp thu hay không, các cơ quan quản lý của EVN có tiếp thu kiến nghị, xử lý các sai phạm, xử lý cán bộ sai phạm của EVN hay không lại là câu chuyện khác.

Còn nhớ, năm 2011, Kiểm toán Nhà nước qua kiểm toán EVN đã công bố kết quả kiểm toán: dù EVN báo lỗ lớn nhưng thu nhập, lương của lãnh đạo EVN vẫn cao ngất ngưởng, vượt xa con số mà ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc tập đoàn này công bố (7,3 triệu đồng/tháng). Thu nhập ở công ty mẹ bình quân 13,7 triệu đồng/người/tháng... còn thu nhập của lãnh đạo EVN khi đó, lên tới hàng tỉ đồng/năm; của cán bộ văn phòng tập đoàn trung bình 30 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, việc điều hành, quản lý quá quá tồi tệ dẫn đến công ty EVN Telecom phải phá sản, sáp nhập vào tập đoàn Viettel. Bao nhiêu hệ lụy: hàng ngàn tỉ đồng đầu tư cho công nghệ coi như mất trắng, hàng ngàn lao động thất nghiệp... cho đến nay vẫn chưa xử lý hết.

Khi đó, tập đoàn này còn có hành động không giống doanh nghiệp nào là phân bổ cả số lỗ trên 1.000 tỉ đồng vào chi phí sản xuất các tổng công ty, DN khác trong tập đoàn và những chi phí ấy, cũng đi vào giá điện. Thậm chí, ông Vương Đình Huệ, khi đó còn là Tổng kiểm toán Nhà nước còn biểu dương, khen thưởng một chuyên viên trong đoàn kiểm toán vì phát hiện một khoản chi phí được EVN che giấu lên tới trên 400 tỉ đồng.

Và cho đến lần thanh tra này của Thanh tra Chính phủ cũng vậy.

Những kết quả thanh tra về những sai phạm ở tập đoàn này khiến không ai không bất bình. Trong khi một mặt vẫn kêu than lỗ, vẫn nợ những doanh nghiệp khác hàng ngàn tỉ đồng như nợ Tập đoàn Dầu khí gần 10.000 tỉ đồng, phải khất lần, xin khoanh nợ... thì lãnh đạo EVN vẫn vung tiền mua xe sang để đi, bất chấp tiêu chuẩn, định mức.

Chỉ riêng 2 xe Land Cruiser cho Chủ tịch và TGĐ Tập đoàn đã vượt định mức trên 3 tỉ đồng. Trên làm sao, dưới làm vậy, các đơn vị bên dưới cũng đua nhau sắm xe sang.

Chẳng hạn, Tổng công ty Điện lực miền Nam cũng mua 6 chiếc ô tô Toyota Camry 2.4G, với tổng số tiền vượt mức quy định 2,2 tỉ đồng... Càng tệ hơn, có tổng công ty còn tự phá vỡ các định mức chi phí sản xuất hàng tỉ đồng... Tất cả những việc này, chẳng phải bắt đầu ngay từ "tấm gương xấu" tập đoàn?

Còn những sự nhập nhèm về chế độ tiền lương, khen thưởng, rồi nhập nhèm đưa cả tiền xây biệt thự, sân tennis vào... chi phí giá điện, tất cả nằm trong một thói quen điều hành, chi tiêu tùy tiện mà có lẽ, đã hình thành ở Tập đoàn Điện lực nhiều thế hệ lãnh đạo trước nay.

Lãnh đạo Bộ Công thương mới đây đã khẳng định, cuối năm nay sẽ không điều chỉnh giá điện nữa, sau đợt điều chỉnh trong tháng 8/2013. Tất nhiên Bộ Công thương phải quyết định như thế rồi, bởi một lần điều chỉnh giá điện nữa trong năm, sẽ làm dấy lên sự giận dữ của dư luận. Nhất là vào thời điểm này, khi chi phí giá điện chưa bao giờ đáng ngờ đến thế, đã được Thanh tra Chính phủ làm rõ về những khuất tất trong việc điều hành của lãnh đạo Tập đoàn Điện lực.

Cho nên, dễ hiểu tại sao, trong những lần điều chỉnh giá gần đây, đứng trước yêu cầu phải minh bạch giá điện từ nhiều đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, doanh nghiệp... Bộ Công thương và EVN đã không đáp ứng. Và chỉ một lần thanh tra (chưa nói có không ít thông tin cho rằng, Thanh tra Chính phủ còn chưa làm hết nhẽ), đã cho thấy, việc điều hành sản xuất, kinh doanh, đầu tư của ngành điện thiếu minh bạch đến thế nào.

Giá điện năm sau có thể vẫn tăng, tăng nữa. Nhưng với cách làm như hiện nay của ngành điện, cách xử lý của cơ quan thẩm quyền trước các sai phạm đã được làm rõ tại EVN, thì người dân, DN tuy buộc phải chấp nhận bỏ thêm tiền trả tiền điện (không trả thì bị cắt) cũng chắc rằng không ai còn tin vào những lời giải thích về lý do tăng giá của ngành điện nữa ..

Theo Tuần Việt Nam

Các tin cũ hơn