Phóng viên AFP đã đến tận trang trại vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang để tìm hiểm về tình hình xuất khẩu của loại trái cây nhiệt đới “ngon, bổ, rẻ” này. Mùa vải thiều rất ngắn, chỉ trong khoảng 6 tuần, nên nhu cầu tìm đầu ra cho vải thiều vào mùa cao điểm là hết sức cần thiết, tránh tình trạng “được mùa, mất giá” và ế ẩm kéo dài đã từng diễn ra trong các năm trước.
Tránh lệ thuộc vào Trung Quốc
Bên cạnh thị trường truyền thống là nước láng giềng Trung Quốc, năm nay là năm đầu tiên Việt Nam triển khai xuất khẩu sang các thị trường mới giàu tiềm năng, trong đó có Mỹ, Australia.
“Mùa vải thiều vừa qua, thương lái Trung Quốc đã “làm khó” bạn hàng Việt Nam khi họ không đến thu mua vải vào mùa cao điểm,” một nông dân ở Lục Ngạn chia sẻ. Anh này còn cho hay, chủ yếu vải xuất đi Trung Quốc là theo đường tiểu ngạch, thỏa thuận buôn bán giữa nông dân Việt Nam và thương lái Trung Quốc.
Hiện nay, hầu hết hoa quả Việt Nam chủ yếu tiêu thụ ở trong nước, kim ngạch xuất khẩu còn khá khiêm tốn dù nguồn cung rất dồi dào. |
Việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong những năm qua khá bấp bênh khi chưa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cũng như chẳng có ràng buộc gì giữa người bán – người mua. Có thời điểm, Trung Quốc nhập lượng vải rất lớn từ Việt Nam, vì thế, vải cứ ùn ùn đổ về các cửa khẩu để chờ thương lái Trung Quốc đến mua. Nhưng khi đã tập kết sẵn sàng chờ bán, thì thương lái Trung Quốc lại ngừng mua. Kết cục, vải cứ chất đống, ùn tắc nơi cửa khẩu.
Năm nay, có những thương lái Trung Quốc xuống tận địa bàn Lục Ngạn để lùng sục mua vải ngon. Hơn 40.000 tấn vải đã được xuất đi Trung Quốc, chiếm khoảng 50% sản lượng của địa phương.
Năm 2015 là năm đầu tiên vải thiều Việt Nam có được “visa” vào thị trường Mỹ, Australia. |
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, nông dân trồng vải thiều không còn bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc, họ đã liên kết với một số doanh nghiệp trong nước tìm được cho trái vải Việt Nam vào các thị trường mới với giá cao hơn, ổn định hơn.
Có “visa” vào Mỹ, Australia
Hàng chục tấn vải Việt Nam đã được cấp “visa” vào thị trường Australia và Mỹ sau khi đáp ứng các quy định hết sức nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Mai Xuân Thìn, Tổng Giám đốc của Công ty Rồng Đỏ – đơn vị xuất khẩu vải sang nước ngoài – cho biết, vải thiều Việt Nam bán chạy, và rất được ưu chuộng tại các thị trương quốc tế. Ông Thìn hy vọng, sang năm vải thiều Việt sẽ có bước đột phá trong xuất khẩu. Nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cao của Australia và Mỹ, chắc chắn vải thiều Việt Nam sẽ có chỗ đứng vững chắc tại các thị trường đầy tiềm năng này.
Để vào được các thị trường khó tính, các nhà xuất khẩu vải thiều Việt Nam cần phải chú ý đến các vấn đề về an toàn thực phẩm. |
Ông Alex Alexopoulos, nhà nhập khẩu vải thiều đến từ Australia, nhận định, việc xuất vải Việt Nam sang Melbourne có lợi cho cả đôi bên. Theo ông, tốt nhất là nên vận chuyển mặt hàng này qua đường hàng không từ Việt Nam sang Australia, thậm chí việc phân phối mặt hàng này tại Australia cũng nên thực hiện thông qua vận tải hàng không thay vì xe tải để đảm bảo sản phẩm luôn được tươi ngon.
Nhà nhập phẩu Australia Alex Alexopoulos về tận trang trại vải tại Chí Linh, tỉnh Hải Dương để tham khảo thị trường |
AFP nhận định, Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về rất nhiều mặt hàng nông sản như gạo, cà phê và thủy sản, và hiện đang tìm kiếm cơ hội cho hoa quả vào thị trường toàn cầu.
Theo hãng tin này, kim ngạch xuất khẩu hoa quả của Việt Nam gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, từ 622 triệu USD năm 2011 lên tới trên 1,4 tỷ USD vào năm ngoái. Trong khu vực châu Á, Việt Nam đang đứng thứ 8 về xuất khẩu hoa quả, sau Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ.
Theo VOV