Cơ hội và thách thức phát triển nguồn điện tại Đồng bằng sông Cửu Long

Chủ nhật, 19/07/2015, 15:59
Ngày 17/7, tại thành phố Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) tổ chức hội thảo “Cơ hội và thách thức phát triển nguồn điện tại Đồng bằng sông Cửu Long.”

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, với điều kiện địa hình, hệ thống giao thông đường thủy thuận tiện, thời gian qua vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang tập trung xây dựng nhiều nhà máy nhiệt điện như trung tâm điện lực Duyên Hải, Long Phú, Sông Hậu, Kiên Lương cùng một số nhà máy điện nhỏ, các trung tâm điện lực và khí - điện - đạm Cà Mau đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của người dân trong vùng cũng như đảm bảo an ninh năng lượng trong khu vực và các vùng lân cận.

Tuy nhiên, trong quy hoạch, xây dựng và khai thác các nhà máy nhiệt điện, nhất là nhà máy sử dụng nhiệt điện than đã và đang có những tác động không nhỏ đến môi trường, biến đổi khí hậu và đời sống của người dân trong vùng.

Hội thảo là điều kiện để các nhà khoa học, các nhà quản lý chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao nhận thức các bên liên quan về tác động của phát triển nhiệt điện than, đề xuất các giải pháp nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững, giảm thiểu các tác động của môi trường ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã báo cáo kế hoạch phát triển cơ cấu nguồn điện đến năm 2030 của cả nước và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; chia sẻ tác động việc phát triển điện than đối với sức khỏe con người, tác động của điện than đối với môi trường, nguồn nước và thảo luận, đề xuất các giải pháp năng lượng khác thay thế cho phát triển điện than.

Theo ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Năng lượng (Viện Năng Lượng, Bộ Công Thương): hiện tại tổng công suất nguồn điện của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng hơn 2.000 MW, chiếm khoảng 6% nguồn điện cả nước.

Dự kiến đến năm 2030, tổng công suất điện toàn vùng sẽ chiếm khoảng 16% sản lượng điện của cả nước, trong đó điện than chiếm khoảng 27,5%.

Ngoài nguồn điện than, Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng phát triển nguồn điện tái tạo rất lớn như xây dựng các nhà máy điện sử dụng các chất sinh khối như trấu, bã mía, điện gió, điện mặt trời.

Hiện toàn vùng đã lắp đặt hoàn thành và đưa vào sử dụng 16 MW điện gió ở giai đoạn 1 và đang chuẩn bị hoàn thành giai đoạn 2 với công suất 83 MW, xây dựng 9 nhà máy điện sinh khối với công suất 30 MW bằng các nhiên liệu tự nhiên như trấu, bã mía.

Theo ông Trần Đình Sính, Phó Giám đốc GreenID, tác động hiện tại khiến ô nhiễm không khí ở Đồng bằng sông Cửu Long gia tăng do ảnh hưởng của PM2,5 (những hạt bụi nhỏ 2,5 micrô mét). Khoảng 8.000 người chết mỗi năm, trong đó 7.500 người lớn chết sớm do tăng nguy cơ đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi… và 120 trẻ em chết sớm do bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, 400 người lớn chết sớm do các bệnh về đường hô hấp mãn tính.

Cũng theo ông Sính, để giảm thiểu tác động, các cơ quan chức năng cần xem xét vấn đề chất lượng không khí và đánh giá những tác động đến sức khỏe khi quy hoạch các nhà máy điện, các ngành công nghiệp, giao thông vận tải.

Cần công khai các dữ liệu về mức phát thải của nhà máy từng thời điểm và hàng năm nhằm đánh giá các tác động, cải thiện việc thực thi.

Nhà nước cần tiếp tục đầu tư vào năng lượng sạch và lắp đặt các thiết bị khống chế phát thải tốt hơn, cập nhật các tiêu chuẩn về phát thải theo kịp các nước đang phát triển, đánh giá lại các nguồn điện dưới góc độ gây tổn hao sức khỏe và tác động xã hội, giảm nhanh giá thành năng lượng tái tạo…

Theo VietnamPlus

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích