Không chi “đổ đồng” 5.000 đồng/công tơ
Theo EVN, việc ghi chỉ số công tơ đã và đang được EVN thực hiện theo hai hình thức: Thứ nhất là công nhân viên ngành điện trực tiếp thực hiện công tác ghi chỉ số.
Công nhân điện lực bắc thang để xem chỉ số công tơ |
Thứ hai là tại các khu vực nông thôn, miền núi, khách hàng thưa thớt, cự ly di chuyển xa, nên ngành điện đã ký hợp đồng dịch vụ bán lẻ điện năng, sử dụng lao động địa phương vào công việc chính là ghi chỉ số công tơ và thu tiền điện. Chi phí thuê dịch vụ bán lẻ điện năng được tính toán theo khu vực vùng miền, có những khu vực tính chi phí lên đến 5.000 đồng/công tơ.
Như vậy, chi phí 5.000 đồng/công tơ không được áp dụng đối với tất cả các khách hàng. Và thông tin chi phí 110 tỷ đồng/tháng cho việc ghi chỉ số công tơ theo EVN là “không chính xác”.
EVN cũng khẳng định không phân biệt riêng khâu ghi chỉ số công tơ. Mỗi công nhân điện đều phải thực hiện các công việc như: Quản lý vận hành đường dây và trạm biến áp hạ thế (có cấp điện áp dưới 1000 V), treo tháo công tơ, ghi chỉ số công tơ, thu tiền điện, chăm sóc, giải đáp các thắc mắc của khách hàng sử dụng điện... Công tác ghi chỉ số, thu tiền điện chỉ là một khâu trong chuỗi công việc mà người công nhân phải thực hiện.
Để giảm dần số lao động ghi chỉ số công tơ trực tiếp, EVN cho biết đang triển khai thay thế công tơ điện tử cho khách hàng. Theo ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN, hiện việc ghi chỉ số công tơ từ xa (công tơ điện tử) mới chỉ áp dụng với các khách hàng lớn là các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị sử dụng điện. Đối với khoảng 22 triệu hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt, tương đương 22 triệu công tơ, hình thức phổ biến vẫn là ghi chỉ số công tơ trực tiếp tại hộ dân.
Phải minh bạch các chi phí…
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, khi tiền điện phải trả tăng vọt, người dân đã nghi ngờ cả công tơ và những người làm công tác ghi chỉ số công tơ của ngành điện, chưa nói đến những “khoản chi phí khổng lồ” mà người dân phải trả qua giá điện cho những công việc này (còn ngành điện thì luôn khẳng định là thấp).
Theo ông Long, qua các thắc mắc, kiến nghị của khách hàng về hóa đơn tiền điện, chính ngành điện cũng đã phát hiện hàng chục trường hợp nhân viên ngành điện nhầm lẫn khi ghi chỉ số công tơ khiến tiền điện ghi trong hóa đơn tăng hoặc giảm so với thực tế. Nguyên nhân là do công nhân đọc, ghi nhầm chỉ số hoặc khi nhập số liệu vào hệ thống bị nhầm lẫn.
Không ít hộ dân phát hiện sự bất thường, làm đơn khiếu nại tới ngành điện đã được bồi hoàn lại tiền. Và cũng không ít người không để ý, không biết cách tính giá điện hoặc xuề xòa cho qua thì chịu thiệt. “Lao động thủ công dẫn đến chi phí phải đội lên. Công đi thu tiền điện của dân lại phải tính vào giá điện. Giá điện vì thế phải cõng đủ loại chi phí…” - ông Long nói
Còn một chuyên gia trong lĩnh vực điện cũng khẳng định: “Ưu điểm lớn của công tơ điện cơ (công tơ người dân đang sử dụng hiện nay) là độ bền, giá rẻ và dễ lắp đặt, sử dụng nhưng lại đang tồn tại những nhược điểm rất khó khắc phục là sai số và độ chính xác thấp. Cũng vì dùng công tơ cơ mà ngành điện đang phải sử dụng nhiều lao động để ghi số liệu công tơ. Việc này không chỉ tốn kém về chi phí mà còn có thể bị sai sót do nhiều nguyên nhân”.
Nay ngành điện tuyên bố thay thế công tơ điện cơ bằng công tơ kỹ thuật số (công tơ điện tử) để giảm dần số lao động thủ công, song cũng không phải không gặp vướng mắc.
Một chuyên gia về tư vấn và phát triển điện đã phân tích: “Về tâm lý khách hàng, do không kiểm soát được công tơ, luôn nghi ngờ tính chân thực và sự cần thiết của việc thay thế, nên sau khi thay, nếu mức thanh toán vẫn giữ như cũ hoặc giảm thì khách hàng sẽ thông suốt. Ngược lại, nếu mức thanh toán tăng lên hơi bất thường, khách hàng sẽ không thông và gây ra thắc mắc, khiếu nại”.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, rõ ràng dù là công tơ cơ hiện nay hay tương lai là công tơ điện tử thì việc đòi hỏi ngành điện phải minh bạch các chi phí và người dân có thể dễ dàng giám sát lượng điện, đồng tiền họ phải bỏ ra khi sử dụng điện luôn là một đòi hỏi chính đáng.
“EVN sẽ phải công khai chi phí đầu tư ban đầu để người dân nắm rõ dù sử dụng công tơ gì, tránh nhập nhằng kiểu “EVN chi 110 tỷ đồng mỗi tháng cho việc ghi chỉ số công tơ điện” rồi lại phủ nhận, gây khó hiểu cho dân” - ông Thắng nói.
Đồng thời, ngành điện cũng phải đào tạo lại lực lượng quản lý, vận hành. Trước mắt, với xu thế tất yếu và để đáp ứng yêu cầu trong cơ chế thị trường, EVN cần nghiên cứu triển khai rộng rãi việc ứng dụng công nghệ mới trong khâu đọc chỉ số công tơ, nhằm nâng cao năng suất lao động, nâng cao độ chính xác, giảm thiểu tiêu cực trong công tác ghi chỉ số và cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng.
Ông Đinh Quang Tri cho hay, muốn áp dụng hình thức ghi chỉ số từ xa (công tơ điện tử), bắt buộc phải thay thế toàn bộ 22 triệu công tơ hiện có bằng công tơ điện tử. Theo tính toán của ngành điện, trong vòng 5 năm tới, nếu có đủ kinh phí, mỗi năm EVN phải thay thế từ 4 - 5 triệu công tơ, chưa kể số phát triển thêm khoảng 500 nghìn đến 1 triệu công tơ điện mỗi năm. Với chi phí trung bình khoảng 600 - 700 nghìn đồng/công tơ, đến năm 2020 khi cơ bản thay thế hoàn toàn công tơ điện tử, EVN phải bỏ ra lượng kinh phí khoảng trên 10.000 tỉ đồng. Chi phí này đương nhiên tính vào giá điện. Trước đó, cuối năm 2014, EVN đã công bố trước Thủ tướng Chính phủ con số hàng chục nghìn người, cụ thể là 67.000 người (con số mà sau đó một số lãnh đạo ngành điện không thừa nhận) làm trong ngành điện chỉ đi ghi công tơ, thu tiền điện. Và khi hóa đơn điện của người dân tăng vọt bất thường, người ta mới vỡ lẽ có nhiều lỗi ở công đoạn ghi - thu thủ công này. Con số này đã khiến dư luận giật mình. Còn Thủ tướng Chính phủ đã phải yêu cầu EVN giảm bớt số con số này và yêu cầu EVN phải bố trí họ làm việc khác, tăng mua thiết bị thay thế. |
Theo DânViệt