Vụ thảm sát 6 người tại Bình Phước thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận những ngày qua bởi sự dã man của kẻ thủ ác cũng như sự thương cảm đối với gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, ngoài các báo chính thống theo sát thông tin từ ban chuyên án thì trên các trang mạng xã hội tràn ngập thông tin thêu dệt, giật gân để “câu view”.
Chạy đua “săn” tin
Để phục vụ nhu cầu cập nhật thông tin hàng phút của người quan tâm, các trang mạng điện tử lao vào cuộc chạy đua “săn” những thông tin mới nhất. Mọi khía cạnh, chi tiết của vụ án được phản ánh hàng giờ, thế nhưng không phải thông tin nào cũng chính xác.
Ngày 9-7, một số báo mạng và trang tin điện tử đã phản ánh, cập nhật thông tin vụ thảm sát khiến 6 người chết ở Bình Phước thiếu chính xác gây nhiễu loạn thông tin và làm bức xúc cho thân nhân và độc giả. Ví dụ như thông tin về bé Na (18 tháng tuổi, con út của vợ chồng ông Mỹ, bà Nga) ngủ tại nhà bà giúp việc là không chính xác. Đêm xảy ra vụ thảm sát, cháu Na vẫn ngủ chung với cha mẹ tại căn biệt thự.
Chưa hết, ngay sau khi hung thủ bị bắt, chiều 11-7, trên một số trang mạng đã đăng thông tin cho rằng bé Na là con gái của hung thủ và nạn nhân Ánh Linh, con gái chủ nhà. Lại có một số trang mạng đưa tin kẻ thủ ác thuyết phục nạn nhân Dư Ngọc Tố Như (cháu bà Nga) cung cấp thông tin để chọn thời điểm đột nhập gây ra vụ tàn sát. Thông tin còn tô đậm chính Như là người thông báo cho hung thủ Dương về việc camera ngừng hoạt động cũng như việc gia đình vừa rút tiền về chuẩn bị trả lương cho công nhân…
Vụ thảm sát ở Bình Phước trở thành “trận địa” để các trang mạng khai thác thông tin. Ảnh: NHƯ PHÚ
Bôi đen danh dự người khác
Trước đó, thông tin về vụ ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn (tỉnh Bình Bịnh), đột tử cùng một phụ nữ trẻ tên K. trên ôtô ngày 7-7 cũng được các trang mạng tổng hợp cũng như một số tờ báo triệt để khai thác với không ít thông tin mâu thuẫn nhau.
Một tờ báo điện tử dẫn nguồn từ Báo Trí Thức Trẻ cho hay mẹ của nạn nhân K. thừa nhận thỉnh thoảng cũng có bạn trai về nhà chơi, trong đó có ông Bình. Bà cũng trả lời chưa rõ ông Bình và con gái mình có quan hệ trên mức tình cảm hay không nhưng ông Bình đối xử “có tình có nghĩa” với K. Trong khi đó, tại cuộc họp báo về vụ việc, Ban Tuyên giáo tỉnh Bình Định phủ nhận thông tin, đưa ra kết luận hoàn toàn khác.
Thời gian qua, rất nhiều nghệ sĩ trong giới showbiz cũng “điêu đứng” vì thông tin không được kiểm chứng trên các trang mạng tổng hợp cũng như một số báo điện tử. Điển hình là vụ Hồ Ngọc Hà bị cho dứt áo ra đi khỏi cuộc hôn nhân kéo dài hơn 8 năm bắt nguồn từ bức ảnh khá mờ ghi lại cảnh một người đàn ông có cử chỉ thân mật như “khóa môi” với cô.
Búa rìu dư luận lập tức chĩa vào ca sĩ này vì cho rằng cô là kẻ thứ ba phá hoại hạnh phúc gia đình người khác. Đỉnh điểm của phản ứng này là làn sóng “tẩy chay Hồ Ngọc Hà” trên các trang mạng xã hội. Chỉ trong vài ngày, các trang này có thêm số lượt thành viên lên tới vài chục ngàn người cùng với hàng trăm lượt bài viết được đăng tải trên trang Facebook “Hội tẩy chay Hồ Ngọc Hà”.
Mạnh tay xử lý
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã từng nhiều lần hành động mạnh tay để chấn chỉnh hoạt động của các trang thông tin điện tử cũng như nhiều tờ báo mạng vì đăng một số bài viết có nội dung không đúng sự thật, sử dụng nguồn tin không đúng quy định... Tháng 11-2014, trang thông tin điện tử edaily.vn và tinhay.vn của Công ty Cổ phần Trực tuyến NetLink đã bị Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) đề nghị Sở TT-TT Hà Nội xử lý theo thẩm quyền.
Hiện trang edaily.vn đã bị đóng cửa. Trước đó, trang 2sao.vn cũng bị phạt 55 triệu đồng và thu hồi giấy phép trong 3 tháng, trang megafun.vn bị phạt 60 triệu đồng và tạm thời ngừng hoạt động 1 tháng... Báo điện tử Trí Thức Trẻ cũng từng nhận quyết định đình bản 3 tháng, bị phạt 207 triệu đồng do sai phạm khi đăng bài “Gái miền Tây và 3 chữ “N”…
Để hạn chế các bài viết có nội dung sai phạm, Bộ TT-TT đã có công văn yêu cầu sở TT-TT các tỉnh, thành tăng cường kiểm tra, rà soát và thống kê hoạt động thông tin điện tử trên mạng trong phạm vi quản lý của địa phương. Mục đích là tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin điện tử, làm lành mạnh hóa môi trường thông tin điện tử tại Việt Nam, góp phần cung cấp đến nhân dân những thông tin thiết yếu, tích cực của xã hội.
Phạt 30-40 triệu đồng nếu thông tin sai lệch, không trung thực Theo quy định tại Nghị định 02/2011/NĐ-CP ngày 6-1-2011 của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hành vi vi phạm hành chính hoạt động báo chí, xuất bản tại Việt Nam sẽ bị phạt từ 500.000 đến 40 triệu đồng, tùy hành vi vi phạm. Trong đó, mức phạt tối đa đối với hành vi thông tin không trung thực, sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng bị phạt từ 30-40 triệu đồng cùng với biện pháp xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện làm việc, thu hồi thẻ nhà báo, tước quyền sử dụng giấy phép từ 90-180 ngày... |
Ông Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Sẽ xử lý nghiêm khắc Tôi thật bất ngờ trước một lượng thông tin khổng lồ của các tờ báo về vụ án mạng đau lòng ở Bình Phước. Dưới góc độ đạo đức nghề nghiệp, tôi không chấp nhận. Vụ án mạng xảy ra ở Bình Phước là nỗi đau của gia đình nạn nhân, nỗi đau của xã hội, đó là tội ác tày trời khiến dư luận bàng hoàng đau xót. Tại sao báo chí, nhất là các báo điện tử và mạng xã hội, lại đi khai thác từng chi tiết để thỏa mãn trí tò mò của độc giả, câu khách? Tôi khẳng định đó là những thông tin không chính thống, gây hỗn loạn, hoang mang dư luận và mang tính chất lá cải. Các cơ quan báo chí cần phải thể hiện đạo đức và trách nhiệm cộng đồng của mình trước những mất mát quá lớn không thể có gì bù đắp này. Riêng ở vụ việc đau lòng trên, Bộ TT-TT theo dõi chặt chẽ thông tin và xử lý nghiêm khắc đối với những tổ chức, cơ quan báo chí vi phạm. Luật sư Cao Thế Luận(Đoàn Luật sư TP HCM): Phải định hướng xã hội Trước khi thông tin về việc bắt giữ nghi phạm trong vụ án xảy ra ở Bình Phước, trên các trang mạng xã hội đầy rẫy thông tin “hé lộ hung thủ là ai”, “số phận của bé gái 18 tháng tuổi”... Để tạo doanh thu một số mạng thông tin điện tử kể cả báo mạng không ngần ngại thực hiện thủ thuật “câu view” hơn là thực hiện nhiệm vụ phản ánh và hướng dẫn dư luận. Hiện nay, với môi trường truyền thông internet thì việc lan tỏa, sự tác động của một bài viết đối với cộng đồng là nhanh chóng, khó kiểm soát hơn. Trong khi người dùng mạng xã hội có thể thoải mái “chém gió” mà không bị phán xét (miễn họ không vi phạm đưa tin bịa đặt, vu khống hoặc xúc phạm người khác) thì nhà báo phải là người biết định hướng thông tin, cân nhắc xem cái gì nên đưa, đưa như thế nào… theo những quy chuẩn đạo đức và nghề nghiệp. Ngoài cơ quan báo chí, cần có quy định cụ thể và xử lý nghiêm minh đối với sai phạm của các trang thông tin điện tử. Nhà báo Công Hân(Báo điện tử VOV): Vì “câu view” mà đưa tin bất nhẫn Nhiễu loạn thông tin ở vụ án sát hại 6 người tại Bình Phước cũng giống như rất nhiều vụ việc đã từng xảy ra trên báo chí gây ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan điều tra và chính các nạn nhân vụ án cũng như thân nhân của họ, tác động tiêu cực đến dư luận xã hội. Nhiều tờ báo từng bị xử phạt vì đưa tin thiếu chính xác, giật gân, câu khách như vậy! Vụ việc này một lần nữa cho thấy các cơ quan quản lý báo chí cần giám sát và có biện pháp mạnh để xử lý, răn đe những tờ báo, trang tin thông tin sai sự thật, bóp méo sự thật. Tuy nhiên, tôi nghĩ mấu chốt là người đưa tin phải luôn trung thực, khách quan và có cái tâm nghề nghiệp khi khai thác, xử lý và đăng tải thông tin. Tutran@gmail.com: Khác gì giết người thêm lần nữa Khó thể chấp nhận cách đưa tin như một số trang mạng đang làm. Tôi theo dõi vụ thảm sát ở Bình Phước, có báo nói hung thủ khai đã móc nối với nạn nhân Dư Minh Vỹ làm tay trong bằng cách cho Vỹ tiền chơi game. Có báo lại đưa tin kẻ thủ ác thuyết phục nạn nhân Dư Ngọc Tố Như (chị ruột Vỹ) để cung cấp thông tin. Vì Dương hận Vỹ “lật kèo” nên giết Vỹ trước tiên… Thông tin như thế khác gì giết người ta thêm một lần nữa. Người sống sau sẽ mang tiếng oan trái, dằn vặt cả đời. Tôi thấy đưa tin như thế là không thể chấp nhận được. |