Ông Michael Turner (Ảnh: Đại sứ quán Mỹ) |
Ông có lời khuyên gì cho Việt Nam ở góc độ giáo dục ?
Tôi cho rằng Việt Nam cần trang bị các kỹ năng tiếng Anh cho sinh viên càng sớm càng tốt, ngay từ mẫu giáo. Các bạn có thể nhìn sang nhiều nước khác nơi tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ, người ta vẫn nói tiếng Anh rất tốt, vì họ dạy tiếng Anh từ rất sớm. Học tiếng Anh càng muộn bao nhiêu thì khả năng lưu loát càng chậm bấy nhiêu.
Tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng cần gia tăng số lượng giáo viên tiếng Anh để họ có thể dạy tiếng Anh thật tốt. Đó là điều rất quan trọng.
Chính phủ Việt Nam đã đồng ý chủ trương thành lập trường Đại học Fulbright Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, trọng tâm đào tạo của ngôi trường trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Hiện tại, chúng tôi tập trung vào Chương trình Giảng dạy Kinh tế (FETP). Chương trình này được thành lập trong khuôn khổ nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam và đó là một trong những biểu tượng lớn nhất cho thấy mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ đã phát triển như thế nào trong 20 năm qua.
Năm nay FETP kỷ niệm 20 năm thành lập và chuẩn bị được nâng cấp thành Đại học Fulbright tại Việt Nam (FUV). FUV sẽ thực hiện các chương trình giống FETP, chủ yếu cấp bằng về chương trình chính sách công, kinh tế và sau đó sẽ mở rộng ra các lĩnh vực khoa học và công nghệ, môi trường. Vì vậy chúng tôi xem FUV là mô hình tuyệt vời của một tổ chức tư nhân, phi lợi nhuận, phong cách giáo dục Mỹ, và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ ngôi trường này trong những năm tới.
Được biết, Trung tâm Mỹ (American Centre- AC) tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là nơi cung cấp hoàn toàn miễn phí các chương trình và thông tin về nước Mỹ cho công chúng Việt Nam. AC hoạt động như thế nào sau hơn một năm thành lập?
Chúng tôi quảng bá các hoạt động của trung tâm thông qua các mạng xã hội và cho tới nay chúng tôi có nhiều thành viên đăng ký tham dự, đặc biệt là các bạn trẻ. AC có các tài liệu đa dạng phục vụ người dùng và đây là địa chỉ rất hữu ích cho người Việt Nam muốn tìm hiểu về nước Mỹ.
Năm ngoái, chúng tôi đã đưa 50 học sinh giỏi từ các tỉnh phía Bắc của Việt Nam tới thăm trung tâm và tháng này chúng tôi cũng đưa 50 các học sinh giỏi khác từ Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái… tới trung tâm Mỹ để các em hiểu biết thêm, nhiều em trong số đó chưa từng đến Hà Nội.
Phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, bà Lisa Wishman, cho biết thêm Đại sứ quán Mỹ đã tạo điều kiện cho 22 sinh viên đại học thực tập để học tập các kỹ năng giúp họ tìm việc làm sau này. Đối với các chương trình thực tập, Đại sứ quán đăng quảng cáo 2 lần mỗi năm và chương trình này rất cạnh tranh.
“Chúng tôi có các sinh viên thực tập tại Trung tâm Mỹ cũng như các bộ phận khác của sứ quán như bộ phận báo chí, bộ phận văn hóa, chương trình Fulbright. Điều đó không chỉ hỗ trợ công việc của chúng tôi mà còn giúp các sinh viên có thêm kinh nghiệm như làm thế nào để khẳng định mình, làm thế nào để tổ chức và quảng bá các sự kiện”, bà Lisa nói.
|