Bí thư Đà Nẵng truy vấn gắt gao vụ biệt phủ trái phép trên núi Hải Vân

Thứ năm, 09/07/2015, 09:25
Cuộc truy vấn gắt gao của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Trần Thọ về vụ “đại gia vàng” Ngô Văn Quang xây khu biệt phủ trái phép trên núi Hải Vân đã làm lộ ra nhiều sự thật "dở khóc dở cười"

Kiểm lâm thiếu kiên quyết, cả nể và… sợ!

Trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 8/7 của kỳ họp thứ 14 HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII đã diễn ra cuộc “truy vấn” khá gắt gao của ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng với lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã để xảy ra vụ “đại gia vàng” Ngô Văn Quang (Giám đốc Công ty TNHH Khai thác vàng Phước Minh, Quảng Nam) xây khu biệt phủ trái phép trên đất rừng đặc dụng Nam Hải Vân được kiểm lâm giao khoán cho hộ ông Phan Như Thạch (nguyên Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam về hưu) trồng rừng.

TP Đà Nẵng ra thời hạn chậm nhất cuối tháng 8, khu biệt phủ của "đại gia vàng" Ngô Văn Quang phải tháo dỡ xong! (Ảnh: HC)

Đại biểu Phạm Tấn Xử (quận Liên Chiểu) cho hay, việc UBND TP Đà Nẵng có văn bản chỉ đạo không chấp nhận cho tồn tại khu biệt phủ xây dựng trái phép của ông Ngô Văn Quang mà buộc tháo dỡ toàn bộ công trình đã được đông đảo cử tri trên địa bàn quận đồng tình vì đảm bảo kỷ cương, luật pháp. Ông cũng đề nghị UBND TP Đà Nẵng tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc xử lý khu biệt phủ của ông Quang một cách nghiêm minh.

Được yêu cầu phát biểu thêm về vụ việc này, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng Trần Văn Lương cho hay, vụ việc xảy ra từ năm 2010 đến nay. Ông khẳng định trách nhiệm của kiểm lâm “chỉ là làm nhiệm vụ rừng và đất rừng mà thôi”, và kiểm lâm đã làm các bước cần thiết. Cụ thể là đã ký hủy hợp đồng giao khoán đất trồng rừng tại khu vực đồi Chim Chim thuộc rừng đặc dụng Nam Hải Vân đối với hộ ông Phan Như Thạch.

“Còn việc xây dựng nhà trái phép, trách nhiệm của kiểm lâm là phát hiện chậm nhưng thẩm quyền giải quyết là của phường Hòa Hiệp Bắc và UBND quận Liên Chiểu!” – ông Trần Văn Lương nói. Ông Trần Thọ hỏi: “Hồi đó phát hiện ra tại sao không kiên quyết xử lý ngay từ đầu mà để bây giờ người ta xây lên cả khu biệt phủ to lớn như thế rồi mới xúm vô giải quyết?”.

Ông Trần Văn Lương trả lời: “Khi phát hiện, kiểm lâm lập biên bản 6 lần nhưng chủ ở đó không hợp tác, không ký biên bản và cũng không cho chúng tôi gặp nữa kia!”. “Kiểm lâm làm như thế đã kiên quyết chưa?” – ông Trần Thọ hỏi tiếp. “Dạ chưa kiên quyết. Đây là thiếu sót lớn của chúng tôi!” - Ông Trần Văn Lương trả lời. Ông Trần Thọ lại hỏi: “Vì sao chưa kiên quyết?”.

Ông Trần Văn Lương nói luôn: “Vì chúng tôi cả nể, và sợ nữa. Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu chịu trách nhiệm chuyện này nhưng cả nể. Từ năm 2010 đến giờ có 4 công trình như vậy, quận Liên Chiểu, phường Hòa Hiệp Bắc và kiểm lâm sở tại đã giải quyết sòng phẳng 3 trường hợp nhưng trường hợp này thì cả nể!”.

“Vì sao lâu nay không hủy hợp đồng giao khoán đất rừng mà chỉ mới hủy cách đây 3 ngày” – ông Trần Thọ truy tiếp. Ông Trần Văn Lương lại thừa nhận: “Đây là thiếu sót lớn của kiểm lâm”. “Lớn tới đâu?” – ông Trần Thọ hỏi. “Lớn tới mức độ chúng tôi phải xử lý kỷ luật khiển trách 4 cán bộ từ năm 2012, 2013 và cuối năm 2014” – ông Trần Văn Lương cho hay.

Báo cáo không thật việc khiển trách Phó Chủ tịch quận Liên Chiểu!

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Đàm Quang Hưng cho hay đã liên lạc với ông Ngô Văn Quang và sáng thứ Sáu tới (ngày 10/7) ông Quang sẽ đến UBND quận Liên Chiểu ký cam kết tháo dỡ khu biệt phủ chuyển vào Quảng Nam. Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng việc xây dựng trái phép xảy ra tại rừng đặc dụng Nam Hải Vân thì chủ rừng là kiểm lâm phải có trách nhiệm phối hợp với phường Hòa Hiệp Bắc phát hiện và ngăn chặn nhưng lại để kéo dài.

Cũng theo ông Đàm Quang Hưng, năm 2012, ông Phan Như Thạch có đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ngày 18/4/2012, UBND TP Đà Nẵng có công văn số 1032 giao cho Sở TN-MT chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, UBND quận Liên Chiểu xem xét đơn của ông Thạch để trình UBND TP quyết định. Sau khi có văn bản này thì hầu như các cơ quan chức năng dừng hết toàn bộ việc xử lý, chờ ý kiến của TP. Do đó mà việc xây dựng trái phép của ông Thạch, ông Quang tiếp tục diễn ra.

“Kiểm lâm nhận là không cương quyết, cả nể, sợ và sau đó kỷ luật cán bộ. Vậy quận Liên Chiểu và phường Hòa Hiệp Bắc thấy cách xử lý của mình đã kiên quyết chưa? Có cả nể không? Trách nhiệm cán bộ thế nào?” – ông Trần Thọ hỏi. Ông Đàm Quang Hưng cho biết UBND quận Liên Chiểu đã mời các đơn vị, địa phương có liên quan lên kiểm điểm 2 lần về việc buông lỏng quan lý, để xảy ra vụ việc. Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu phụ trách lĩnh vực này cũng kiểm điểm, nhận thiếu sót đã không chỉ đạo một cách kiên quyết, không báo cáo kịp thời.

“Anh cũng nói là thiếu kiên quyết và đã xử lý trách nhiệm Phó Chủ tịch quận. Xử lý ra sao?” – ông Trần Thọ hỏi. Sau một hồi ấp úng, ông Đàm Quang Hưng cho biết Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Hữu Thiết đã nhận khuyết điểm. “Nhận khuyết điểm rồi có hình thức xử lý kỷ luật gì không?” – ông Trần Thọ truy tiếp. Ông Hưng cho biết trước tập thể UBND quận, ông Nguyễn Hữu Thiết “nhận thiếu sót và nhận khiển trách”. “Khiển trách hả? Mai mốt báo cáo biên bản kiểm điểm, khiển trách tôi xem thử!” – ông Trần Thọ nói. Ông Đàm Quang Hưng lại khẳng định UBND quận Liên Chiểu đã làm nghiêm túc 2 lần.

“Tại sao cùng một địa bàn, cùng một sự việc mà với một cựu chiến bình thì tháo dỡ cái rẹt, còn với trường hợp này họ gửi đơn lên TP xin, TP chưa đồng ý, dưới đó họ vẫn làm mà mình không biết?”. Ông Đàm Quang Hưng không trả lời. Tuy nhiên sau đó ông đứng dậy báo cáo lại: “Về phần kiểm điểm trách nhiệm, riêng đồng chí Phó Chủ tịch quận thấy trách nhiệm của mình nhưng đồng chí thấy có thiếu sót cho nên đồng chí làm cái kiểm điểm và đồng thời không phải khiển trách nhưng do chỉ đạo thiếu sót nên rút kinh nghiệm!”.

“Đấy! Tôi biết ông không có khiển trách nên mới bảo ông mang biên bản kiểm điểm tới đây tôi xem thử. Ông nói cho nó xong, qua quận này. Nói chừng nớ đó cũng không xong, không thật. Tôi biết là ông không có kiểm điểm, không có khiển trách đâu. Ông nghe ông Lương nói khiển trách nên ông cũng nói theo. Tôi bảo ông mang lên cho tôi xem thử kiểm điểm, khiển trách tới đâu thì làm chi mà có. Ông nói cho xong chuyện, trật rồi ông Hưng ơi!” – ông Trần Thọ thốt lên.

Sở TN-MT giấu văn bản không cho phép chuyển nhượng đất rừng!

Ông Trần Thọ chuyển qua hỏi Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Nguyễn Điểu: “Dưới quận báo cáo lên, tại sao Sở để chậm như thế, nói nghe thử? Có thiếu kiên quyết không? Có cả nể không? Có chi không”. Ông Nguyễn Điểu trả lời: “Ông Thạch có đơn gửi lên TP và Sở xin chuyển nhượng đất rừng cho ông Quang. Cơ quan chuyên môn trả lời không chuyển dịch được. Có văn bản trả lời nhưng văn bản này do phòng chuyên môn không phát hành mà trả lời miệng thôi!”.

Ông Trần Thọ vô cùng ngạc nhiên: “Anh nói chi? Có văn bản mà phòng chuyên môn không phát hành hả?”. Ông Nguyễn Điểu ấp úng: “Văn bản trả lời là không được chuyển nhượng, nhưng trả lời miệng thôi, còn văn bản có in, có lưu đó mà không phát hành!”. “Phòng nào?” – ông Trần Thọ hỏi tiếp. Ông Nguyễn Điểu trả lời: “Phòng chuyên môn. Chúng tôi đã kiểm điểm, xử lý!”.

“Tức là có văn bản không đồng ý nhưng không phát hành xuống cho người dân mà chỉ nói miệng thôi? Tức là hiện nay cơ quan hành chính có cái nói miệng? Bây giờ anh đang kiểm điểm phải không?”. Ông Nguyễn Điểu trả lời là kiểm điểm trưởng phòng chuyên môn.

Ông Trần Thọ thốt lên: “Thảo luận rứa nó mới vui, mới rõ vấn đề ra cho dân nghe, dân thấy. Cán bộ, công chức là công bộc của dân. UBND TP không đồng ý rồi, bảo trả lời bằng văn bản, ông giấu trớt. Anh chưa xử lý kỷ luật, mới kiểm điểm thôi hả? Mới kiểm thôi, chính vì thế mà 7 – 8 ngôi nhà to đùng đùng vẫn ngang nhiên mọc lên ở khu vực đó. Nói ra là thấy không còn chi kỷ cương phép nước nữa. Họ không tâm phục khẩu phục. Bây giờ bắt họ dỡ thì họ dỡ nhưng họ chưa tâm phục khẩu phục!”.

Cuối tháng 8 phải tháo dỡ xong khu biệt phủ trái phép!

Kết thúc phiên thảo luận, ông Trần Thọ nêu rõ, cho khu biệt phủ này tồn tại hay không đều phải đúng quy định của luật pháp và được dư luận đồng tình. Việc xử lý buộc tháo dỡ của UBND TP Đà Nẵng là vừa cân nhắc, vừa thận trọng, xử lý đúng quy định pháp luật, không bao che nhưng cũng không nôn nóng quyết định nên tránh được việc đã sai rồi, nếu xử lý không khéo sẽ càng sai thêm.

“Qua cân nhắc nhiều mặt, vừa thấu lý đạt tình, vừa vận động thuyết phục, vừa sử dụng biện pháp hành chính nghiêm minh, đến nay có thể kết luận cuối cùng rằng việc hợp đồng giao khoán đất trồng rừng nhưng lại chuyển nhượng cho người khác để xây dựng trái phép là không đúng quy định tại Nghị định 01/CP của Chính phủ. Đây là việc làm sai, hoàn toàn không đúng!” – ông Trần Thọ nhấn mạnh.

Ông cũng nêu rõ, trước khi kỳ họp thứ 14 khai mạc 1 ngày, tức là ngày 6/7, Hạt Kiểm lâm quận Liên Chiểu đã ban hành quyết định thu hồi đất, hủy bỏ hợp đồng giao khoán đất trồng rừng nói trên và quyết định có hiệu lực thi hành ngay. Như thế là cuối cùng Hạt Kiểm lâm, ngành kiểm lâm đến giờ G cũng đã thực hiện đúng quy định của luật pháp, Và cũng trước khi kỳ họp khai mạc 3 ngày, ngày 4/7, UBND TP Đà Nẵng đã chính thức có văn bản không đồng ý với kiến nghị của ông Ngô Văn Quang xin cho tồn tại khu biệt phủ xây dựng trái phép.

“HĐND TP Đà Nẵng hoan nghênh việc xử lý nghiêm minh của các cơ quan nói trên và đề nghị các cấp chính quyền, nhất là quận Liên Chiểu, phường Hòa Hiệp Bắc, Chi cục Kiểm lâm, Sở TN-MT và các ngành có liên quan vận động hộ vi phạm tự giác tháo dỡ hoặc dùng biện pháp hành chính một cách nghiêm minh để tháo dỡ ngay, kết thúc câu chuyện này chậm nhất là cuối tháng 8, không để kéo dài nữa!” – ông Trần Thọ nói dứt khoát.

Đồng thời ông yêu cầu các cấp chính quyền, các ngành liên quan kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiêm, xử lý “có hình thức” trách nhiệm cá nhân, không cả nể đối với những cán bộ đã không kiên quyết ngăn chặn ngay từ đầu, làm cho người dân không tâm phục, khẩu phục. Bên cạnh đó, ông cũng ghi nhận kiến nghị của đại biểu Trần Văn Lĩnh về việc rà soát lại toàn bộ đất rừng giao khoán cho các hộ trồng rừng vì còn có khá nhiều trường hợp xây dựng trái phép trên đất rừng.

Các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng đã biểu quyết đồng tình với kết luận này của ông Trần Thọ.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn