Bí thư, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng xin lỗi người dân

Thứ sáu, 17/04/2015, 16:29
“Thay mặt lãnh đạo TP, tôi xin lỗi chị Nghĩa vì các cơ quan chức năng của TP không làm đến nơi đến chốn” – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Trần Thọ phát biểu tại hội nghị giám sát ngày 17/4  

Đùn đẩy, né tránh, chuyển đơn lòng vòng

Sáng 17/4, Thường trực HĐND TP Đà Nẵng khai mạc hội nghị giám sát giữa hai kỳ họp 12 – 13 khóa VIII (nhiệm kỳ 2011 – 2016) đối với UBND TP, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP Đà Nẵng. Trong 4 nhóm vấn đề được tập trung giám sát tại hội nghị lần này, hội nghị đã dành gần trọn buổi sáng cho việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân.

Theo Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Lương Nguyệt Thu, vẫn còn tình trạng người đứng đầu cơ quan chưa quan tâm đúng mức công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC mà “khoán” cho cấp dưới, thể hiện ở một số trường hợp công dân có đơn kiến nghị rất nhiều lần nhưng cấp trên chỉ chuyển đơn, thiếu theo dõi, kiểm tra, đôn đốc dẫn đến vụ việc kéo dài không giải quyết, có vụ phải có ý kiến của Thường trực HĐND, các Ban HĐND TP thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc.

Trong giải quyết đơn thư còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, chuyển đơn lòng vòng. Có trường hợp cùng một nội dung kiến nghị nhưng mỗi lần công dân gửi đơn đến UBND TP lại được chuyển đến một cơ quan khác nhau, dẫn đến nhiều cơ quan đề xuất khác nhau, kéo dài thời gian giải quyết, gây bức xúc cho người dân.

“Công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong giải quyết đơn thư của công dân còn thiếu chặt chẽ, có vụ việc do thiếu trao đổi thông tin dẫn đến tham mưu không chính xác. Chất lượng tham mưu, đề xuất của các cơ quan chuyên môn ở một số trường hợp chưa tốt, chưa thể hiện rõ quan điểm, căn cứ pháp lý để xử lý vụ việc, gây khó khăn cho lãnh đạo TP khi ra quyết định giải quyết!” – bà Lương Nguyệt Thu nói.

Điển hình là 6 vụ việc của ông Nguyễn Mạnh Tài (trú 34 Nguyễn Khuyến, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), bà Nguyễn Thị Nộ (tổ 4, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn), bà Nguyễn Thị Đăng Nghĩa (K86/08 Thi Sách, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu), ông Mai Non (272 Nguyễn Duy Trinh, phường Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn), bà Thái Thị Lệ (tổ 58 phường Hòa Quý, Ngũ Hành Sơn) và bà Hoàng Thị Nhồng (161 Ông Ích Khiêm, quận Hải Châu) mà các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng đưa ra chất vấn UBND TP và các cơ quan chuyên môn của UBND TP Đà Nẵng.

Đáng sợ nhất hiện nay là sợ trách nhiệm

Về trường hợp bà Nguyễn Thị Nộ phản ảnh UBND quận Ngũ Hành Sơn, Ban Giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 1 không giải quyết chi trả tiền đền bù và bàn giao đất tái định cư thực tế kéo dài đã 4 năm nay, Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng Võ Văn Thương nêu rõ, trách nhiệm trong vụ việc này thuộc về ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Ban Giải tỏa đền bù số 1 và ông Trần Ngạch, Phó phòng Giải tỏa đền bù (thuộc Văn phòng UBND TP Đà Nẵng) trực tiếp theo dõi quận Ngũ Hành Sơn.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Ban Giải tỏa đền bù số 1 nhiều lần tìm đủ lý do để quanh co chối trách nhiệm! (Ảnh: HC)

“Qua vụ này cho thấy đáng sợ nhất hiện nay là sợ trách nhiệm. Đây là vụ việc điển hình của sợ trách nhiệm, đùn đẩy, không dám quyết đoán đề xuất, tham mưu UBND TP hoặc quận Ngũ Hành Sơn giải quyết dứt điểm” – ông Võ Văn Thương nói. Ông Nguyễn Văn Tiến vẫn cố vin lý do người tranh chấp với bà Nguyễn Thị Nộ không chịu kiện ra tòa để biện minh cho việc giải quyết dây dưa của mình.

Ông Trần Thọ nói như quát: “Nếu là đất của anh, anh có chờ lâu đến thế không mà không tham mưu TP giải quyết trong khi ông là chủ chi trả tiền đền bù? Đây là những trường hợp đơn giản mà để kéo dài như thế, gặp những trường hợp không đơn giản thì còn để kéo dài bao lâu? Nếu không có nhắc nhở, không có đôn đốc, không có hội nghị giám sát này có khi ông để cả thế kỷ đó!”.

Đối với vụ bà Thái Thị Lệ kiến nghị xem xét lại kết quả quy chủ quyền sử dụng đất trong việc lập hồ sơ giải tỏa đền bù đối với bà, ông Trần Thọ chỉ rõ, cái sai trong vụ này hoàn toàn thuộc về các cơ quan chức năng TP và cũng là Ban Giải tỏa đền bù số 1 và UBND quận Ngũ Hành Sơn, cấp nhầm 245m2 đất của bà Lệ cho bà Hồ Thị Đây. “Chuyện đơn giản là anh cấp nhầm thì trả lại cho người ta nhưng cũng để kéo dài 3 – 4 năm nay không giải quyết nên dân kêu không thấu trời!” – ông Trần Thọ nói.

Ông chỉ rõ, sau khi bà Thái Thị Lệ gởi đơn kiến nghị, Thường trực HĐND TP Đà Nẵng nhiều lần có văn bản đôn đốc xử lý nhưng các cơ quan này không giải quyết cũng không báo cáo. Phải đến lần đôn đốc thứ tư, và trước hội nghị giám sát lần này thì Ban Giải tỏa đền bù số 1 và UBND quận Ngũ Hành Sơn mới giải quyết xong. Nếu không có hội nghị giám sát lần này có lẽ bà Thái Thị Lệ sẽ còn phải chờ đợi.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng xin lỗi người dân

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ không đồng ý tiếp tục xin ý kiến Bộ LĐ-TB-XH mà yêu cầu Thanh tra TP, Sở LĐ-TB-XH giải quyết dứt điểm ngay vụ bà Nguyễn Thị Đăng Nghĩa kiến nghị về chế độ mất sức lao động theo Quyết định 1076/QĐUB ngày 15/11/1993 của Giám đốc Sở Thương mại tỉnh QN-ĐN (cũ) và việc xử lý số tiền trợ cấp một lần mà bà đã nộp lại để được giải quyết chế độ theo quyết định trên.

Thay mặt lãnh đạo TP Đà Nẵng, ông Trần Thọ xin lỗi bà Nguyễn Thị Đăng Nghĩa "vì các cơ quan chức năng của TP từ đó đến bây giờ vẫn không làm đến nơi đến chốn"! (Ảnh: HC)

Ông Trần Thọ nêu rõ, bà này đã mất đến 16 năm để khiếu kiện một vụ việc theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ là “cũng đơn giản”, nhưng các cơ quan chức năng hoặc sợ trách nhiệm, hoặc dửng dưng, không thấy bức xúc với nỗi bức xúc của người dân nên để kéo dài. Trong khi đó bà Nghĩa phải “kêu từ khi còn thanh xuân cho đến nay tuổi đã già”!

“Tôi thấy anh Thơ, anh Thương nói đúng. Đó là sợ trách nhiệm. Bộ LĐ-TB-XH đã có 2 văn bản trả lời rồi mà không làm, để người dân như thế, nay lại đề xuất gửi Bộ LĐ-TB-XH nữa. Bệnh sợ trách nhiệm rất rõ ràng!” – ông Trần Thọ nói.

Theo ông Trần Thọ, bà Nghĩa không có hưu, không mất sức lao động là đã rõ, nhưng phải giải quyết chế độ một lần cho bà với lãi suất đầy đủ và vì đã thu lại tiền của bà từ cách đây mười mấy năm, “giá trị đồng tiền lúc đó có khi mua được con bò, nay mua được cân thịt bò”.

Và mặc dù đây là vụ việc từ thời tỉnh QN-ĐN nhưng ông Trần Thọ “thay mặt lãnh đạo TP Đà Nẵng xin lỗi chị Nghĩa vì các cơ quan chức năng của TP từ đó đến bây giờ vẫn không làm đến nơi đến chốn, không tham mưu, không đề xuất, không kiến nghị, không giải quyết, để người dân khiếu kiện kéo dài triền miên như thế. Không phải vì mấy đồng bạc mà vì người ta bực dọc, người ta không chấp nhận cách làm việc của mình!”.

Tại hội nghị, ông Trần Thọ nhiều lần nhắc, HĐND TP không phải là cơ quan giải quyết từng vụ việc cụ thể riêng lẻ. Lần này, hội nghị đưa ra xem xét một số vụ việc là để từ đó các ngành chức năng, UBND và các ban của HĐND TP căn cứ để xử lý những vấn đề tương tự. Ông ấn định thời hạn giải quyết dứt điểm 6 vụ việc nêu trên trong tháng 5/2015 và nhấn mạnh, với các trường hợp tương tự thì các cơ quan chức năng trình cho Chủ tịch UBND TP xử lý theo tinh thần của hội nghị giám sát lần này.

“Đừng sợ, mình thấy sai rồi, sai với dân rồi thì phải sửa sai. Cái sợ nhất là không thấy sai. Sai rành rành ra đó mà vẫn không thấy sai, tìm lý lẽ này, lý lẽ khác để chối trách nhiệm của mình, quanh co đổ lý do này, đổ lý do kia. Thấy sai thì phải sửa sai. Sợ nhất là không thấy sai, thấy sai mà không sửa. Đó là cái đáng sợ nhất, nguy hiểm nhất. Làm chưa đúng thì phải sửa lại cho đúng, có lý có tình.

Sửa cho ông A được thì sửa cho ông B, ông C được. Như thế mới bình đẳng, chứ không phải ai biết mà kêu thì mình mới sửa, còn họ không biết thì mình làm thinh. Phải rà soát lại những trường hợp tương tự như thế thì tập trung giải quyết cho dứt điểm luôn. Đừng để kéo dài, không đáng phải để kéo dài, không mắc chi để kéo dài, không mắc chi để người dân mất niềm tin vào cơ quan nhà nước!” – ông Trần Thọ nhấn mạnh.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn