Đại biểu HĐND “vừa đá bóng vừa thổi còi” nên hiệu quả thấp

Thứ sáu, 17/04/2015, 09:17
Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách dành cả ngày 16/4 để thảo luận các vấn đề về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Phiên thảo luận được truyền hình trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố để các đại biểu ở địa phương đều có thể được tham gia ý kiến.

Hai phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra để các đại biểu Quốc hội thảo luận. Cụ thể:

Phương án 1, tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm Hội đồng nhân dân - HĐND và Ủy ban nhân dân - UBND) nhưng làm rõ trong Luật tổ chức chính quyền địa phương những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo.

Phương án 2, quy định ở các đơn vị hành chính như tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, thị trấn tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND). Riêng ở phường, do đặc điểm đô thị, không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức UBND để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường.

Nhiều ý kiến tại hội nghị đồng tình với phương án 1 với tổ chức chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND.

Ủng hộ phương án 1, đại biểu Nguyễn Đình Bích (Hải Phòng) cho rằng, phương án này có ưu điểm rõ ràng, phù hợp với Hiến pháp 2013 quy định chính quyền địa phương tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính. Đồng thời, phù hợp với chính quyền của dân, do dân, vì dân, được người dân lựa chọn, ủy quyền thông qua cơ quan đại diện của mình ở tất cả các đơn vị hành chính.

ĐB Nguyễn Đình Bích đề nghị Luật phải phân định rõ, đầy đủ chức năng của HĐND và UBND để không xảy ra tình trạng lộn xộn, tạo được hoạt động đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm.

Theo ĐB Nguyễn Đình Bích, hiện nay HĐND số lượng đại biểu đông nhưng chưa mạnh, số lượng đông thì khó có thể thu hút được người thực sự làm việc đáp ứng được yêu cầu. Lại có thêm đại biểu mà “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, tức vừa ở cơ quan Ủy ban, vừa tham gia vào HĐND, nên hiệu quả hoạt động thấp.

“Tôi đề nghị số lượng đại biểu có thể rút xuống còn ở mức 2/3 số hiện nay, không nên đông mà phải mạnh, tỉ lệ đại biểu chuyên trách phải tăng lên khoảng 15-20 đại biểu ở mỗi địa phương để cơ cấu vào trong thường trực và các ban”, ĐB Nguyễn Đình Bích nói.

Còn ĐB Trần Du Lịch thì cho rằng, Luật phải giải quyết được các vấn đề tồn tại như chức năng nhiệm vụ của bộ máy hiện nay chồng chéo, không rõ ràng cái nào trung ương, cái nào địa phương, cái nào cấp huyện, cấp phường, xã…

Ông Lịch cho rằng: “Chồng chéo như vậy thì không bao giờ chúng ta nâng cao được chất lượng cho bộ máy hành chính, tinh giảm biên chế để nâng lương, để công chức sống bằng lương và chống nhũng nhiễu”.

“HĐND phải thực quyền để làm chứ quyết cái trên quyết rồi, bàn cái trên bàn rồi thì đòi quyền làm gì. Đại diện cho dân bao nhiêu cấp, người đại diện đó có bảo vệ được quyền lợi của người dân không? Bao nhiêu cấp không quan trọng nhưng có thực hiện quyền đảm bảo lợi ích của dân hay không? Làm sao có chính quyền trung ương mạnh, Chính phủ thống nhất những gì của Chính phủ, không có chuyện trên bảo dưới không nghe, nhưng phải có dư địa để địa phương quyết định, Trung ương không can thiệp mà chỉ kiểm tra xem có vi phạm lợi ích quốc gia hay lạm quyền không. Ta cứ bàn để hay bỏ HĐND, nếu giữ bộ máy hệ thống chính trị như hiện nay thì bỏ HĐND để làm gì?”, ĐB Trần Du Lịch nói.

Trước những vấn đề đó, ĐB Trần Du Lịch nói thêm: “Tôi tiếp tục đề nghị chúng ta nên mạnh dạn, Hiến pháp mở, chúng ta nên tiến tới tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp hoàn chỉnh: cấp tỉnh và cấp cơ sở. Nâng mạnh vai trò cơ sở, tương lai nhiều thị trấn thành thị xã, nhiều xã quy mô sẽ mở rộng ra, cũng có chính quyền cơ sở thực quyền đại diện cho nhân dân. Chúng ta còn có bước trung gian 5 năm duy trì chính quyền cấp huyện, cấp quận và dần dần phát triển nền hành chính có 3 cấp Trung ương và địa phương 2 cấp. Phương án này không xáo trộn gì hết, không ảnh hưởng hệ thống chính trị và có con đường để mở ra cho người đi sau tiếp tục khai thác”.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích