Những ca cấy ghép cơ thể người ấn tượng nhất thế giới

Thứ năm, 16/04/2015, 07:27
Các bác sĩ trên thế giới đã cấy ghép thành công cho các bộ phận tử cung, buồng trứng, hai chân, hai cánh tay, gương mặt... của con người.  

Valery Spiridonov, 30 tuổi (Nga), tình nguyện trở thành người đầu tiên được cấy ghép đầu với phần cơ thể lấy từ một người hiến tặng đã bị chết não. Valery mắc chứng rối loạn teo cơ di truyền (còn gọi là Werdnig-Hoffmann) và căn bệnh ngày càng diễn biến xấu. Anh quyết định sẽ thử làm người đầu tiên được ghép đầu.

Các nhà phẫu thuật thần kinh cho rằng bệnh nhân sẽ không thể sống được sau khi tủy sống bị cắt đứt hoàn toàn, nếu có sống cũng sẽ bị điên. Tới nay các ý kiến về ca phẫu thuật này, dự định sẽ được thực hiện vào năm 2017, vẫn còn nhiều mâu thuẫn.

Cấy ghép các bộ phận cơ thể con người là thành tựu lớn của y khoa thế giới. Một số ca cấy ghép các bộ phận cơ thể từng thu hút sự chú ý của dư luận và có ý nghĩa đánh dấu những bước phát triển đáng ngạc nhiên của nền y học.

Ca cấy ghép nội tạng đầu tiên ở người được thực hiện thành công trong thời kỳ hiện đại là ghép giác mạc vào năm 1905. Từ đó, các bác sĩ và phẫu thuật viên đã thực hiện nhiều loại ghép tạng, bao gồm ghép các cơ quan sinh sản và các chi, giúp làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của những bệnh nhân.

Dưới đây là 9 ca cấy ghép tạng đáng chú ý nhất từng thực hiện:

Ghép tử cung

Ngày 9/8/2011, các bác sĩ ở Bệnh viện Đại học Akdeniz (Thổ Nhĩ Kỳ) tiến hành ghép tử cung của một phụ nữ đã chết cho Derya Sert, một cô gái 21 tuổi bị dị tật bẩm sinh không có tử cung. Bệnh nhân sau đó đã được theo dõi thêm 18 tháng rồi mới thụ tinh nhân tạo. Cô đã có thai nhưng sau đó bị sảy. Thực ra Derya Sert là ca ghép tử cung thứ hai được thực hiện trên thế giới. Ca đầu tiên là ở Ảrập Saudi vào năm 2000 từ một người hiến tạng đang sống. Tuy nhiên ca này thất bại sau 3 tháng do bệnh nhân bị đông máu và cuối cùng các bác sĩ phải loại bỏ tử cung đã ghép.

Cuối năm 2014, một phụ nữ Thụy Điển 36 tuổi được coi là trường hợp đầu tiên sinh con khỏe mạnh từ tử cung được ghép. Bệnh nhân sinh ra không có tử cung dù vẫn có các buồng trứng hoạt động bình thường. Cô đã được cấy ghép tử cung do một người bạn của gia đình, 61 tuổi, hiến tặng.

be-2-1810-1412443126-5679-1429010790.jpg

Em bé được mẹ mang thai bằng tử cung ghép từ người khác. Bé chào đời cân nặng 1,8 kg. Hiện mẹ con sản phụ ở Thụy Điển có sức khỏe tốt. Ảnh: AP.

Theo tạp chí y học Anh The Lancet, một năm sau khi cấy ghép tử cung, các bác sĩ quyết định cấy ghép một trong các phôi đông lạnh để giúp bệnh nhân có thai. Em bé của cô chào đời ở tuần thai thứ 32, nặng 1,8kg và sức khỏe ổn định.

Sau khi có đứa con đầu, người phụ nữ được cấy ghép tử cung này sẽ sớm phải quyết định có muốn sinh thêm đứa con thứ hai hay không. Do thuốc dùng để ngăn chặn tử cung cấy ghép bị thải loại sẽ gây hại về dài hạn nên chị hoặc sẽ thử mang thai lần nữa hoặc sẽ phải cắt bỏ nó.

Trường hợp của người phụ nữ Thụy Điển nói trên đã làm dấy lên hy vọng mới cho hàng triệu phụ nữ vô sinh trên thế giới.

Cấy ghép buồng trứng

Năm 2004, các bác sĩ tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản St. Louis (Mỹ) đã lấy buồng trứng bên phải của Dorothee Tilly và ghép nó vào cho em gái song sinh của cô, Susanne Butscher. Buồng trứng của bệnh nhân được cấy ghép đã ngừng sản xuất hoóc môn và trứng vì cô bị hội chứng mãn kinh sớm khi ở độ tuổi 15.

Butscher, người được cấy ghép buồng trứng đầu tiên trên thế giới, đã sinh một bé gái khỏe mạnh vào năm 2011.

Cũng vào năm 2004, bác sĩ Đan Mạch Claus Yding Andersen báo cáo về một phụ nữ có thể sinh nở sau khi được cấy ghép lại chính mô trứng của cô. Bệnh nhân này, tên là Stinne Holm Bergholdt, có mô buồng trứng đã được cắt bỏ và đông lạnh trước khi điều trị ung thư. Bác sĩ Andersen đã cấy lại mô trứng vào sau khi Bergholdt chữa khỏi ung thư. Bergholdt sau đó đã có hai con.

Sự kiện trên gây chấn động giới khoa học toàn cầu. Theo giáo sư Kutluk Oktay, Đại học Cornell (Mỹ), kỹ thuật cấy ghép mô buồng trứng giờ đây có thể tiến xa hơn trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, đem lại niềm tin cho những phụ nữ mắc các bệnh về máu, thận, khớp và phải điều trị bằng các loại thuốc chống ung thư.

Cấy ghép "cậu nhỏ"

Năm 2006, các nhà phẫu thuật Trung Quốc đã thực hiện thành công ca cấy ghép dương vật đầu tiên. Tuy nhiên, các bác sĩ đã phải cắt bỏ bộ phận ghép này 15 ngày sau mổ vì người được cấy "cậu nhỏ" và vợ anh ta bị khủng hoảng tâm lý trầm trọng, nhóm bác sĩ báo cáo trên tạp chí tiết niệu European Urology.

Bệnh nhân là một nam giới 44 tuổi, bị mất dương vật do một tai nạn, khiến anh không thể đứng tiểu hay quan hệ tình dục. Các bác sĩ đã lấy "cậu nhỏ" từ một thanh niên 22 tuổi chết não để ghép cho anh. Sau 10 ngày phẫu thuật, bệnh nhân có thể đi tiểu bình thường. Tuy nhiên, "cậu nhỏ" mới có vẻ ngoài sưng lên và vợ anh ta không thể tiếp nhận nên cuối cùng họ quyết định cắt bỏ.

Cuối năm 2014, một ca cấy ghép dương vật nữa cũng được thực hiện thành công tại Nam Phi. Bệnh nhân 21 tuổi, danh tính không được tiết lộ, có dương vật bị cắt đứt ba năm trước sau một ca cắt bao quy đầu hỏng ở một nghi lễ truyền thống.

ghep-duong-vat-9499-1429010790.jpg

Các bác sĩ tham gia ca phẫu thuật. Ảnh: Stellenbosch University.

Bệnh nhân nhận dương vật mới từ một người hiến tặng đã qua đời. Các bác sĩ cho biết bệnh nhân phục hồi hoàn toàn, lấy lại được tất cả chức năng của đường tiết niệu và sinh sản chỉ sau ba tháng phẫu thuật.

"Chúng tôi chứng minh được rằng việc này hoàn toàn có thể thực hiện. Chúng tôi có khả năng cung cấp cho một người nào đó một bộ phận cơ thể tốt như cái họ từng có", AFP dẫn lời Frank Graewe, trưởng khoa phẫu thuật chỉnh hình bằng chất dẻo thuộc Đại học Stellenbosch - nơi thực hiện ca cấy ghép, cho hay.

Ghép chân tay

Ca đầu tiên trên thế giới ghép 2 chân diễn ra vào tháng 7/2011. Bác sĩ Pedro Cavadas, một chuyên gia phẫu thuật cấy ghép tại Bệnh viện La Fe ở Valencia, Tây Ban Nha là người đứng đầu nhóm phẫu thuật cho trường hợp này. Người được ghép chân là một nam thanh niên 20 tuổi, bị mất cả hai chân trong một tai nạn. Trước khi được phẫu thuật cấy ghép, bệnh nhân đã được bác sĩ gắn hai chân giả nhưng vẫn không thể đi lại được vì chân bị cắt cụt cách đầu gối khá xa. Bác sĩ Cavadas cũng là chuyên gia đã thực hiện ca ghép hai tay đầu tiên ở Tây Ban Nha năm 2008, và ghép mặt vào năm 2009.

Người được ghép mặt

Năm 2006, ca ghép mặt đầu tiên được thực hiện thành công. Isabelle Dinoire, 38 tuổi, người Pháp, đã được thực hiện ca phẫu thuật này tại thành phố Amiens sau khi bị con chó nhà cắn nát nửa dưới mặt. Ca phẫu thuật kéo dài liên tục 15 giờ, trong đó các bác sĩ dùng mô, cơ, động và tĩnh mạch từ một phụ nữ đã qua đời để tái tạo lại khuôn mặt cho cô.

Ca phẫu thuật thành công đã mang lại hy vọng cho nhiều người có khuôn mặt biến dạng do bỏng hoặc tai nạn, song cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề về đạo đức và tâm lý liên quan tới người nhận và gia đình người hiến.

Năm 2012, y học thế giới cũng ghi nhận một ca ghép mặt lớn nhất từ trước tới thời điểm đó. Ca phẫu thuật có sự tham gia của 100 bác sĩ giỏi, nhằm mang lại khuôn mặt mới cho một nam giới bang Virginia, Mỹ, 37 tuổi - người đã bị bay mất mũi, môi và hầu hết các bộ phận trong miệng sau khi tự bắn vào mặt mình.

Suốt 15 năm trước, người đàn ông này phải sống trong bóng tối sau chiếc mặt nạ vì khuôn mặt bị biến dạng. Tất cả những lần phẫu thuật trước đó đều thất bại cho đến ca mổ lịch sử vào tháng 3/2012.

sfdf

Khuôn mặt của anh Norris trước và sau ca phẫu thuật. Ảnh: AP.

Người được ghép 6 cơ quan

Năm 2008, cô bé Alannah Shevenell, 5 tuổi, ở thị trấn Hollis, tiểu bang Maine (Mỹ) phát hiện bị ung thư mô cơ. Em đã phải trải qua 6 cuộc phẫu thuật để cấy ghép mới các cơ quan thực quản, thận, dạ dày, lá lách, tuyến tụy và ruột non mới có khả năng sống sót. Bác sĩ Heung Bae Kim, Trưởng khoa cấy ghép thuộc bệnh viện nhi ở Boston nói với ABC News: "Chúng tôi phải cắt bỏ tất cả những bộ phận này vì khối u di căn nhanh và bao quanh mạch máu trong cơ thể cô bé. Việc cấy ghép nhiều cơ quan nội tạng là hy vọng cuối cùng để cứu sống Alannah".

Bé Shevenell may mắn nhận được các cơ quan nội tạng từ một đứa trẻ đã qua đời có cùng cỡ người và nhóm máu, có thể tiến hành cấy ghép cùng một lúc. Ca phẫu thuật cắt bỏ các cơ quan hư hỏng và ghép những phần mới cho cô bé được thực hiện đầu năm 2012, khi em 9 tuổi. Sau ca phẫu thuật mang tính đột phá, ghép 6 tạng, cô bé dần hồi phục sức khỏe.

Theo các bác sĩ, Shevenell sẽ phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên cho đến hết cuộc đời. Có một rủi ro em phải đối mặt là có thể phải tiếp tục phẫu thuật nếu như tế bào ung thư vẫn còn trong cơ thể. Ngoài ra, suốt quãng đời còn lại, cô bé này sẽ tiêm thuốc chống đào thải các cơ quan nội tạng.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích