Khủng hoảng chính trị Thái Lan tiếp tục lâm vào bế tắc sau khi cuộc đàm phán giữa các đảng phái, do Ủy ban bầu cử nước này phát động, đã không thu được kết quả nào, khi đảng đối lập chính rút lui vào phút chót.
Biểu tình của phe Áo Đỏ (ảnh: Telegraph) |
Cuộc đàm phán diễn ra hôm qua (22/4) giữa Thủ tướng Yingluck và các đảng đối lập, nhằm tìm ra một lộ trình chấm dứt khủng hoảng hậu bầu cử.
Đảng đối lập chính Dân chủ đã từ chối tham gia đàm phán vào phút cuối cùng, khiến Thái Lan tiếp tục với tình trạng không có một Chính phủ và Quốc hội đầy đủ chức năng để lãnh đạo từ tháng 12/2013. Nhà lãnh đạo đảng Dân chủ Abhisit Vejjajiva nói rằng, ông không tham gia đàm phán này vì lý do an ninh.
Ủy ban bầu cử Thái Lan kêu gọi cuộc đàm phán để ấn định ngày bầu cử mới, với sự tham gia của đại diện hơn 50 đảng phái chính trị tại Thái Lan. Ủy ban này đưa ra 3 lựa chọn để tổ chức bầu cử mới là ngày 20/7, 17/8 và 14/9. Song những người ủng hộ chính phủ đã chỉ trích Ủy ban bầu cử, cho rằng cơ quan này trì hoãn bầu cử và đứng về phía phe đối lập.
Cuộc đàm phán diễn ra trong bối cảnh, Thủ tướng Yingluck có thể bị yêu cầu phải từ chức trong những tuần tới vì cáo buộc tham nhũng và thiếu trách nhiệm trong chương trình thu mua gạo của chính phủ.
Những người Áo đỏ ủng hộ Thủ tướng Yingluck khẳng định sẽ bảo vệ chính phủ đến cùng, vốn làm dấy lên lo ngại về một thời kỳ nguy hiểm mới trong diễn biến bất ổn chính trị kéo dài tại Thái Lan. Cuộc đại biểu tình năm 2010 của phe Áo đỏ dưới thời ông Abhisit làm Thủ tướng đã khiến quân đội phải can thiệp, làm hàng chục người thương vong.
Theo VOV