|
Xuất hiện tại tòa sáng qua, bị cáo Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines nổi bật trong áo sơ mi trắng quần tây giữa các bị cáo còn lại đều mặc đồng phục áo quần màu xanh của trại giam. Trong khi ông Dũng tỏ ra bình tĩnh, thậm chí tươi cười trước tòa thì các bị cáo khác như Trần Hải Sơn, Mai Văn Phúc lộ rõ vẻ căng thẳng.
Ngoài 9 bị cáo, HĐXX đã triệu tập nhiều nhân chứng, người có nghĩa vụ liên quan và đại diện các ngành tài chính, đăng kiểm, GTVT.
Chứng cứ từ... Singapore
Ngay tại phần thủ tục khai mạc phiên tòa, luật sư Trần Đình Triển (bào chữa cho Dương Chí Dũng) đề nghị Hội đồng xét xử cân nhắc hoãn xử, bởi chuyến đi Singapore của ông “đã thu thập được nhiều tài liệu có liên quan đến khoản tiền lại quả 1,66 triệu USD” cũng như mối liên hệ giữa thân chủ ông về khoản tiền này. Trong đó có lời tuyên thệ của ông Goh Hoon Seow, đại diện công ty môi giới, thể hiện không có sự thỏa thuận nào giữa ông ta và Dương Chí Dũng về khoản tiền “lại quả” cùng nhiều tài liệu khác được cơ quan chức năng Singapore chứng thực.
Đống sắt vụn mỗi tháng “đốt” 800 triệu - 1 tỷ đồng Được triệu tập đến tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự, đại diện Vinalines cho biết ụ nổi 83M sau khi được mua với giá 9 triệu USD, thuê vận chuyển đưa về VN và sửa chữa đã bị đội lên 20 triệu USD tính đến tháng 5/2012. “Từ đó đến nay ụ được neo đậu tại cảng Gò Dầu (Đồng Nai). Toàn bộ chi phí neo đậu từ đó đến nay đã lên tới 23,6 tỷ đồng. Tại thời điểm này, ụ nổi tiêu tốn từ 800 triệu - 1 tỷ đồng/tháng”. Người đại diện này cũng nói hiện dự án đã bị đình lại, Vinalines đã đưa ra các phương án cho thuê, sửa chữa để khai thác, thậm chí bán sắt vụn cũng không tiến hành được do đây là tang vật của vụ án. Mặt khác, tình hình khủng hoảng, khó khăn của ngành vận tải hàng hải nên thị trường không có nhu cầu ụ nổi. |
Luật sư Triển cho rằng, các tài liệu này rất quan trọng, có thể tạo ra những tình tiết mới nhưng thời gian rất gấp nên các luật sư khác chưa kịp nghiên cứu, trong khi phiên tòa này có 2 bị cáo đang phải đối mặt với mức án cao nhất là tử hình.
Tuy nhiên sau khi cân nhắc, Hội đồng xét xử cho biết các tài liệu sẽ được xem xét tại tòa, các luật sư khác nếu cần thì sẽ được photo để nghiên cứu.
“Còn gì chức vụ tổng giám đốc nữa”
Theo án sơ thẩm, các bị cáo trong vụ án này đã cố ý mua ụ nổi 83M (một hạng mục quan trọng của dự án Nhà máy sửa chữa đóng tàu phía Nam) trái quy định, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 367 tỷ đồng. Trả lời thẩm vấn tại tòa, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận có sai sót nhưng “chỉ dừng lại ở mức độ” và xin chịu trách nhiệm các mức khác nhau.
Bị cáo Dương Chí Dũng nói việc thực hiện dự án nhà máy đóng tàu khi Thủ tướng Chính phủ mới đồng ý về mặt nguyên tắc và mua ụ nổi khi chưa có nhà máy là sai, “nhưng việc quyết định là cả HĐQT Vinalines chứ không riêng mỗi bị cáo”.
Nguyên Tổng giám đốc Vinalines Mai Văn Phúc lại cho rằng thời điểm xảy ra vụ việc bị cáo mới về công tác tại Vinalines được vài tháng, toàn bộ quá trình đầu tư dự án và việc mua bán ụ nổi đều do bị cáo Trần Hữu Chiều, nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines, phụ trách.
Bị cáo này cũng nói qua báo cáo thấy ụ nổi quá tuổi thọ, hư hỏng nhiều nhưng “không còn sự lựa chọn nào khác” nên chỉ nhận hành vi của mình là thiếu trách nhiệm. Từ lời khai của Phúc, chủ tọa phân tích: “Nói như thế này thì còn gì chức vụ tổng giám đốc như vị trí của bị cáo nữa”.
Đến lượt mình, bị cáo Trần Hải Sơn khai, sau khi đoàn đi công tác tại Nga để khảo sát việc mua ụ nổi 83M đã đưa vào báo cáo một số thông tin không đúng sự thật nhằm mục đích để mua cho bằng được ụ nổi. Theo Sơn, chính Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đã chỉ đạo làm mọi cách để mua ụ nổi nhưng không phải theo văn bản mà bằng miệng.
“Người lập báo cáo là bị cáo Mai Văn Khang, vậy ai là người đã đưa thông tin không trung thực vào báo cáo?”, chủ tọa hỏi tới. Tuy nhiên, Sơn trả lời “không rõ ai là người lập vì thời điểm này không nhớ nổi”.
Khi được hỏi, bị cáo Mai Văn Khang (thành viên Ban quản lý dự án mua sắm ụ nổi 83M và là người trực tiếp sang Nga khảo sát ụ nổi) cũng khai không biết ai là người đã đưa các thông tin sai sự thật vào báo cáo. “Vai trò của bị cáo trong đoàn công tác chỉ là phiên dịch, chứ không quyết định việc mua sắm, đánh giá tình hình ụ nổi”, bị cáo Khang nói.
“Chỉ ký nháy đã được chia 7,8 tỷ đồng”
Trong ngày làm việc đầu tiên, Hội đồng xét xử đã dành nhiều thời gian để làm rõ hành vi tham ô của các bị cáo. Tuy nhiên chỉ có Trần Hải Sơn và Trần Hữu Chiều thừa nhận còn Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc tiếp tục kêu oan.
|
Theo lời khai của Sơn, việc nhận 1,66 triệu USD “lại quả” từ Công ty AP chuyển vào tài khoản người thân của bị cáo là làm theo sự tư vấn của ông Goh và “thực hiện theo chỉ đạo của anh Dũng và anh Phúc”. Sơn cũng nhắc lại lời khai tại tòa sơ thẩm rằng sau đó rút ra được gần 28 tỷ đồng đã chia cho Dũng 10 tỷ đồng, Phúc 10 tỷ đồng. Việc đưa tiền được Sơn mô tả rành rọt đưa từng vali tiền.Trong khoản tiền được hưởng Sơn đã cho em gái 2 tỷ đồng, đưa cho Trần Hữu Chiều 340 triệu đồng “là hoàn toàn tự nguyện”.
Sơn khai một số người khác như Khang và Dương cũng “có công sức” trong thương vụ mua bán ụ nổi nhưng không được chia vì “do cảm tính của bị cáo”. Sơn thừa nhận hành vi cố ý làm trái như cáo buộc nhưng nói “chỉ ở mức độ ký nháy” vào các văn bản giấy tờ. Từ lời khai của bị cáo, chủ tọa thốt lên: "Bị cáo chỉ mới ký nháy đã được chia 7,8 tỷ đồng, nếu làm nhiều hơn chắc bị cáo được ăn cả”.
“Có trời đất chứng giám”
Khi được hỏi về những khoản tiền theo lời khai của Sơn, Dương Chí Dũng nói “không hề nhận một đồng nào” và thề độc “có trời đất chứng giám”. Bị cáo cho rằng, lời khai của Sơn về lần đưa vali chứa 5 tỷ đồng tại khách sạn Victory ở TP.HCM, đối chiếu thời điểm thì bị cáo đang ở trên máy bay. “Do vậy lời khai này không có cơ sở”, bị cáo Dũng nói và khai đã đề nghị cơ quan điều tra cung cấp danh sách điện thoại Sơn gọi báo việc đưa tiền nhưng không được đáp ứng. Ngoài ra, bị cáo này và luật sư cũng đề nghị tòa triệu tập người lái xe đã từng chở Sơn đưa tiền mang cho Dũng để làm rõ thêm.
Tương tự, bị cáo Mai Văn Phúc khai chỉ có lần nhận quà của Sơn là chai rượu Chivas 18 và phong bì 2 triệu đồng vào dịp lễ tết chứ không có những khoản tiền lên đến hàng tỷ đồng. Bị cáo này cũng đề nghị làm rõ việc Sơn khai là rút tiền từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải 5 tỷ đồng để tự tay xếp vào vali mang đến nhà Phúc, nhưng qua xác minh tại ngân hàng thì không có việc Sơn rút tiền như đã khai.
Về việc khắc phục hậu quả, bị cáo Dũng khai đã nộp 4,7 tỷ đồng để khắc phục hậu quả đối với hành vi cố ý làm trái. Còn bị cáo Phúc lại cho rằng việc vợ bị cáo nộp 3,7 tỷ đồng là do gia đình tự ý “chứ bị cáo không đồng tình”.
“Đá” nhau về ụ nổi Trả lời chủ tọa, đại diện Bộ GTVT cho rằng theo điều 11 luật Hàng hải quy định tàu là vật thể nổi, di động được trên biển. Ụ là cấu trúc nổi, bảo đảm được điều kiện cần rồi, nhưng không tự di động được, cần có tàu kéo đi. Do vậy ụ nổi không phải là tàu biển. Trong khi đó, ông Trần Thái Sơn, giám định viên của Bộ Tài chính, khẳng định ụ nổi chính là tàu biển. Vị này cũng nói việc nhập khẩu và đăng ký ụ nổi cũ có tuổi thọ hơn 40 tuổi theo quy định về tàu biển là 15 năm là sai và thuộc trách nhiệm của Vinalines. |
Theo Thanh Niên