Ông lão lấy vợ đẹp nhờ thuộc làu 3.254 câu Kiều

Thứ ba, 22/04/2014, 13:50
“Hồi đó, ông cụ cũng bình thường chứ không đẹp trai như những bạn bè trong lớp, nhưng mỗi lần nghe ổng ngâm Kiều là bà chết mê chết mệt".

Dù ở tuổi gần đất xa trời nhưng lão nông Phạm Trung Tiên (89 tuổi, ngụ thôn Chánh Khoan Đông, xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) vẫn thuộc làu 3.254 câu Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Nhiều sự kiện trong đời cụ đã đến quanh biệt tài thuộc làu truyện Kiều này.

Lấy cháu gái thầy giáo nhờ ngâm Kiều

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống Nho học, cha cậu bé Phạm Trung Tiên là cụ Phạm Hiệp, một nhà nho có tiếng trong vùng do thông thạo văn chương và viết chữ Hán rất đẹp. Nhờ lĩnh hội vốn kiến thức của cha nên ngay từ bé, cậu bé Tiên tỏ ra thông minh, hiếu học và được cha truyền dạy văn chương chữ nghĩa.

Ngay từ nhỏ, cậu được cha cho đi học chữ Quốc ngữ ở một trường địa phương. Sau khi thi đậu yếu lược (một cấp học ngày xưa - PV), cha cậu bé Hiệp lại cho cậu theo học một thầy dạy chữ Hán có tiếng trong vùng.

Tuy tinh thông chữ Quốc ngữ và chữ Hán nhưng mỗi khi về nhà, cậu học trò này lại đam mê tìm hiểu chữ Nôm. Do vậy đến năm 14 tuổi, cậu bé đã đọc vanh vách những cuốn truyện thơ Nôm mà cha có được như Truyện Kiều, Lâm Sanh Xuân Nương, Thoại Khanh Châu Tuấn...

Đến năm 15 tuổi, cậu bé Tiên đã thuộc làu tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Cụ Tiên nhớ lại: “Năm 14 tuổi, ông say mê Truyện Kiều lắm, đi đâu cũng giấu cuốn Truyện Kiều ở trong mình, hễ có thời gian rảnh là đem ra đọc. Đến năm 15 tuổi, ông khoe với cha là đã thuộc làu Truyện Kiều nhưng cha ông không tin nên cả đêm ông ngồi đọc Truyện Kiều cho cha nghe, khi đó cha mới bất ngờ”.

truyen Kieu
Hai vợ chồng cụ Tiên bên đứa cháu

Mối tình giữa cụ Tiên với người vợ Đặng Thị Thuôn (87 tuổi) cũng đến từ Truyện Kiều. Trong thời gian theo học ở nhà thầy, cậu học trò Tiên tỏ ra thông minh và hiểu biết hơn người, trong lớp học.

Tiên học chữ Hán, bình Kinh Thi, nhưng mỗi khi có dịp là lại mang Truyện Kiều ra ngâm cho bạn bè đồng môn nghe. Lúc đó, có cô cháu gái của thầy là cô Thuôn xinh đẹp, ngày ngày đứng phía sau cửa lớp nghe chú giảng bài và những lần nghe cậu Tiên ngâm Kiều nên đã đem lòng yêu mến.

Cụ Tiên kể: “Năm đó ông 18 tuổi, còn bà 16 tuổi, trong một lần bạn bè rủ nhau ra Đầm Trà Ổ ngắm trăng, đối đáp văn thơ, khi tới lượt ông đáp thì ông đáp bằng những câu Kiều và khi đối đáp xong, bạn bè chọc ghẹo ông với bà. Lúc đó, ông nhìn mặt bà thấy có vẻ ngượng ngùng, từ lần đó ông với bà trở nên thân thiết, có tình cảm”.

Đôi trẻ bắt đầu những đêm hẹn hò. Biết được điều đó nên khi cậu học trò Tiên sắp hoàn thành chương trình học, thầy giáo ướm lời gả cháu gái.

Khi nhắc về mối tình đẹp này, cụ Thuôn hồi tưởng lại: “Hồi đó, ông cụ cũng bình thường chứ không đẹp trai như những bạn bè trong lớp, nhưng mỗi lần nghe ổng ngâm Kiều là bà chết mê chết mệt. Rồi từ đó, bà đem lòng thương nhớ ổng và ổng cũng biết được nên dần dần ông với bà đến với nhau.

Đám bạn bè của ổng ai cũng bảo số ổng có phước cưới được cháu của thầy giáo, nhưng thực ra bà cũng thương ổng ghê lắm. Ổng là người ở đầm nên ăn to nói lớn, nhưng khi ngâm Kiều là giọng ngọt ngào đến lạ thường, cô gái nào khi nghe ổng ngâm cũng phải mê chứ không phải mình bà”.

Tuổi già vui với Truyện Kiều

Lấy vợ một thời gian, chàng trai Tiên lên đường theo cách mạng, địa bàn hoạt động ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai.

Năm 1954, khi đang hoạt động ở vùng rừng núi tỉnh Gia Lai, ông Tiên bị địch bắt và giam giữ. Trong một đêm trăng, cai ngục cho các chiến sĩ tổ chức văn nghệ. Đồng đội thay nhau hát hò, riêng ông Tiên lại ngồi một mình ngâm Kiều. Sau lần đó, cai ngục thường xuyên chú ý, rồi bị bắt giam riêng vì giặc cho rằng đây là “cán bộ cao cấp” chứ không phải chiến sĩ bình thường.

Cai ngục chụp hình ông Tiên, gửi cho cấp trên, báo rằng đã bắt được “Thường vụ Huyện ủy” rồi chờ đợi để lĩnh thưởng. Tuy nhiên, bọn chúng đã biết sự thật khi tra cứu hồ sơ. Cụ Tiên kể lại sự việc: “Khi phát hiện ông không phải là cán bộ, nên chúng không được lĩnh thưởng, chúng lôi ông ra đánh đập mấy ngày”.

Rời nhà giam của giặc, ông Tiên trở về địa phương tham gia dạy bình dân học vụ ở quê nhà. Nói về khoảng thời gian dạy học của mình, cụ Tiên chia sẻ: “Đây là khoảng thời gian vui nhất của đời ông, ông đã thỏa được ước nguyện của mình là dạy học.

Ông vận dụng những gì hiểu biết từ đời sống cũng như trong văn chương mà giảng giải cho học trò. Lúc rảnh rỗi, ông đem Truyện Kiều ra bình, phân tích, học trò đứa nào cũng hào hứng chú ý lắng nghe. Cuộc đời như thế là vui lắm rồi”.

Trong gần 5 tiếng đồng hồ trò chuyện với khách, cụ Tiên thường thủng thẳng chen vào ngâm Kiều. Đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng vợ chồng cụ Tiên vẫn vui vẻ với những câu Kiều. Mỗi lần có khách hay con cháu về chơi, cụ đều ngâm Kiều cho nghe và đó cũng là cách để cụ luyện trí nhớ.

Không chỉ thuộc Kiều, ngâm Kiều, đến nay tuy đôi tay cụ Tiên đã run run nhưng khi có thời gian cụ lại đem sổ ra chép lại Truyện Kiều và đặt thành 14 mục lần lượt là: Kiều đẹp, Kiều chơi xuân, Kiều gá duyên, Kiều mắc oan, Kiều bán mình, Kiều về Mã Giám Sinh, Kiều dựa Thúc Sinh, Kiều bị đánh, Kiều bị đuổi, Kiều ưng Bạc Hạnh, Kiều gặp Từ Hải, Kiều báo oán, Kiều bàn Từ Hải, Kiều về nhà.

Bên cạnh đó, cụ Tiên còn làm thơ, đó là những bài thơ lục bát gần gũi với đời sống hàng ngày. Trong những dịp giỗ, Tết, khi con cháu về đông đủ, hàng đêm cụ lại ngâm Kiều, đọc thơ. Đó là thú vui tuổi già của cụ.

Được biết, vợ chồng cụ Tiên có 4 người con trai và 4 người con gái. Ngoài ra, “gia tài” tuổi già của vợ chồng cụ là 27 người cháu gọi bằng nội ngoại và 48 đứa cháu cố. Hiện tại, đôi “trai tài gái sắc” một thời vẫn quấn quýt với nhau như vợ chồng son.

Theo Xahoi

Các tin cũ hơn