UBND TP.HCM vừa chấp thuận chủ trương chọn vị trí nhà ga đầu của tuyến BRT số 1 với quy mô 3 ha tại khu E - Khu đô thị mới Nam Sài Gòn (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh). Đây cũng là bến xe miền Tây mới trong tương lai (không như quy hoạch trước đây là tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh).
Tuyến xe buýt nhanh đầu tiên của TP.HCM sẽ bắt đầu từ khu E - Khu đô thị Nam Sài Gòn (huyện Bình Chánh), chạy dọc theo đường Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ và kết thúc tại nút giao Cát Lái (quận 2). Ảnh: Hữu Công |
Theo UBND TP, trong giai đoạn chưa sử dụng bến xe miền Tây mới, lộ trình của tuyến BRT đầu tiên của TP.HCM sẽ được điều chỉnh như sau: Nút giao Cát Lái (Rạch Chiếc) - Mai Chí Thọ - Võ Văn Kiệt - An Lạc (quay đầu tại khu vực trước vòng xoay An Lạc).
Bên cạnh đó, UBND TP cũng đồng ý việc nghiên cứu bổ sung hạng mục nhà ga cuối của tuyến BRT số 1 lồng ghép vào khu vực Quảng trường ga của Khu Liên hợp Thể dục thể thao Rạch Chiếc (phường An Phú, quận 2, TP.HCM); đồng thời duy trì vị trí ga trung chuyển của tuyến BRT số 1 tại khu vực Ga Thủ Thiêm (quận 2).
Tuyến BRT số 1 (dài gần 29 km) với số vốn đầu tư gần 156 triệu USD sẽ được khởi công trong năm 2014 và hoàn thành vào giữa năm 2018. Điểm đầu tuyến được xác định tại bến xe miền Tây và điểm cuối tại ngã 3 Cát Lái (quận 2), gồm các hạng mục: một depot ở Thủ Thiêm, bốn nhà ga, hai trạm trung chuyển, 31 trạm dừng dọc tuyến và 30 xe buýt (sử dụng khí nén thiên nhiên - CNG).
Theo ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị thành phố (đơn vị được UBND TP giao làm chủ đầu tư dự án BRT số 1) xe buýt nhanh với lợi thế là thời gian thi công ngắn, chi phí đầu tư thấp (bằng 1/40 vốn đầu tư của metro). Trong khi đó, khả năng vận chuyển lớn với 200 chỗ và tốc độ nhanh (khoảng 40 km/h, gấp đôi xe buýt hiện nay vì có làn đường riêng) nên rất phù hợp với các nước đang phát triển, các thành phố lớn đông dân trên thế giới.
Theo VNE