"Lòng đường thu hẹp để ưu tiên xe buýt nhanh là cần thiết"

Thứ sáu, 22/03/2013, 09:59
Trước ý kiến lo ngại lòng đường nhiều tuyến bị thu hẹp để dành cho xe buýt nhanh hoạt động, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, hạ tầng sẽ ưu tiên xe buýt phát triển và để giảm dần xe cá nhân.

Trao đổi với VNE, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, hiện nay xe buýt phải lưu thông hỗn hợp với nhiều phương tiện nên tốc độ rất chậm và còn bị coi là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Để phát triển vận tải khách công cộng, giảm dần xe cá nhân, nhất là trong thời điểm chưa có tàu điện nên Hà Nội triển khai tuyến xe buýt nhanh chạy trên đường riêng.

Ông Linh cho biết, đơn vị tư vấn đã tính toán một số tuyến có diện tích lòng đường rộng để dành riêng cho xe buýt nhanh như Giảng Võ - Lê Văn Lương - Ba La.

"Khi xe buýt nhanh vận hành, dư luận sẽ phản ứng vì lòng đường cho xe cá nhân bị hạn chế. Song chúng tôi cho rằng khi xe buýt chạy nhanh, đúng giờ thì phương tiện cá nhân trên tuyến sẽ giảm. Chúng ta cần xác định ưu tiên phát triển phương tiện vận tải công cộng cho tương lai nên việc lòng đường bị thu hẹp là cần thiết", ông Linh nói.

Xe buýt nhanh
Hai chiều xe buýt nhanh sẽ chạy sát dải phân cách giữa của tuyến đường. Ảnh: Bá Đô

Về tốc độ bình quân của xe buýt nhanh chỉ 22km/h, lãnh đạo Sở Giao thông cho rằng, hiện nay xe buýt thường chạy với tốc độ bình quân dưới 15 km/h, chưa kể những lúc tắc đường.

"Xe buýt nhanh sẽ chạy tới 50 km/h trên đường riêng, song cũng có lúc chỉ chạy 10 km/h tại các nút giao. Để di chuyển 5-6 km người dân chỉ mất vài phút, đó sẽ là lợi thế hơn xe buýt thông thường", ông Linh bày tỏ.

Theo tính toán của đơn vị quản lý, xe buýt nhanh di chuyển cả chặng Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km sẽ mất khoảng 30 phút, thay vì mất hơn một giờ như xe buýt thường hiện nay.

Tuyến buýt nhanh thí điểm đầu tiên của Hà Nội là Kim Mã - Yên Nghĩa đang được triển khai sẽ chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã.

Xe buýt nhanh sẽ đi trên 2 làn đường riêng sát dải phân cách giữa của trục đường. Nhà chờ cho hành khách được đặt trên dải phân cách giữa. Vị trí nhà chờ sẽ ở gần ngã tư nên hành khách đi theo vạnh sơn kẻ đường tại các nút giao thông để tiếp cận xe buýt. Hành khách sẽ sử dụng vé từ, được tự động soát vé trước khi vào nhà chờ.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư phát triển giao thông đô thị Hà Nội - đại diện chủ đầu tư, trên tuyến này sẽ có 2,5 km xe buýt nhanh phải chạy trên làn đường hỗn hợp tại Giảng Võ và Ba La, song đều là đường một chiều nên không lo ngại nguy cơ ùn tắc giao thông.

Xe buýt nhanh sẽ chạy với tần suất 3-5 phút/chuyến, công suất vận chuyển 90 khách, có 4 cửa ra vào, tốc độ di chuyển 22 km/h. Các xe đều có hệ thống GPS, kết nối với Trung tâm điều hành để giải quyết các sự cố có thể phát sinh. Tại nút giao thông cũng có hệ thống tích hợp với đèn tín hiệu để ưu tiên xe buýt nhanh qua nút.

Tổng đầu tư của dự án bao gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 49 triệu USD bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng. Dự kiến tuyến xe buýt nhanh này sẽ hoạt động từ đầu năm 2015.

Theo VNE

Các tin cũ hơn