Vừa bước vào năm học được vài tuần, bé Thiên (học sinh lớp 1 ở TP.HCM) nằng nặc đòi bố mẹ cho đi học thêm ở nhà cô vì "cô bảo con học kém so với các bạn". Mặc dù thấy khó chịu nhưng anh Tú vẫn quyết định cho con đi học vì sợ cô sẽ kiếm cớ la mắng.
Anh Tú cho hay, thực lòng cũng muốn cho con học thêm vì nhận thấy con mình ở nhóm kém trong lớp do trước đó anh không cho con đi học chữ từ lớp mẫu giáo. "Nếu không học cô giáo chủ nhiệm, tôi cũng sẽ thuê gia sư nhưng giá như cô không ép mà để gia đình tự nguyện thì tốt hơn”, anh Tú nói.
Cùng cảnh ngộ, chị Thu Nguyệt đang cho con học thêm cô chủ nhiệm lớp 2 vì cô “ép”. Sau giờ dạy trên lớp, cô giáo đã thuê một căn phòng có đầy đủ bàn ghế, cách trường khoảng 500 m với giá 800.000 đồng/tháng.
Lớp học thêm của cô có 30 học sinh đều do cô chủ nhiệm.Mỗi em đóng 400.000 đồng/tháng, tuần học hai buổi, mỗi buổi từ 17h chiều đến 18h30 tối. Như vậy, thu nhập từ dạy thêm hàng tháng của cô là hơn 11 triệu đồng. Theo chị Nguyệt, việc học thêm sau giờ học chính khóa ở lứa tuổi lớp 1-2 là rất không nên vì các cháu còn quá nhỏ.
Học sinh tiểu học nên được học ngoại khá với các môn học đa dạng. |
Theo kết quả thanh tra của Bộ GD&ĐT, năm học 2012-2013, việc dạy thêm học thêm ngoài nhà trường tại TP HCM còn phổ biến. Các lớp dạy thêm ngoài nhà trường đều vi phạm nguyên tắc: chưa được cấp có thẩm quyền cho phép; dạy học sinh của lớp mình, dạy học sinh đã học 2 buổi/ngày và dạy nội dung trong chương trình học. Ngoài ra, kết luận thanh tra cũng nêu một số hiệu trưởng chưa quản lý tốt việc dạy thêm ngoài nhà trường.
Tại TP.HCM, hiệu trưởng trường tiểu học được giao nhiệm vụ quản lý giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên, nhiều hiệu trưởng cho biết rất khó quản lý việc này.
"Hiệu trưởng và giáo viên là công chức nhà nước, như vậy về mặt luật pháp, hiệu trưởng chỉ có thể quản lý giáo viên trong giờ hành chính (8 tiếng/ngày), từ thứ hai đến thứ sáu. Cần xem xét lại quy định hiệu trưởng phải quản lý giáo viên ngoài giờ hành chính, vì như vậy là vi phạm luật”, bà Vũ Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Định Của (quận 3) nói.
Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) Lê Thị Ngọc Điệp cho biết, một trường tiểu học có trên dưới 100 giáo viên thì không có cách nào quản lý nổi việc làm thêm của họ ngoài giờ.
Theo bà Ngọc Điệp, nguyên nhân cơ bản của dạy thêm là ngành giáo dục không đảm bảo được mức lương cho họ phù hợp với mặt bằng xã hội hiện nay. Những chính sách chỉ áp dụng tốt khi nó phù hợp với thực tế.
Bà Điệp đề xuất một biện pháp mà theo bà “vừa có lý, vừa có tình” để quản lý tốt được tình trạng dạy thêm là tạo điều kiện cho hiệu trưởng tổ chức hoạt động ngoại khóa ở trường học sau giờ hành chính.
"Giờ học ấy phải đa dạng, gồm các môn như thể thao, vẽ, đàn, rèn chữ hay phụ đạo các em chưa hoàn thành bài tập ở lớp… theo yêu cầu của phụ huynh. Hiệu trưởng có thể chịu trách nhiệm về chất lượng của các hoạt động đó", bà Điệp nêu.
Vị hiệu trưởng cũng cho rằng, đây là nhu cầu có thực của rất nhiều phụ huynh vì không phải ai cũng có điều kiện đón con vào lúc tan học 16h chiều. Họ cần gửi con thực sự và cũng muốn con mình bổ sung kiến thức hay kỹ năng còn thiếu sót.
"Như vậy, các giáo viên cũng có điều kiện thu nhập thêm, còn học sinh có cơ hội phong phú hơn để hoàn thiện bản thân, không bị ép buộc vào những lớp học thêm chỉ học chữ", bà Điệp lý giải.
Theo VNE