Nhà giáo Đỗ Đức Huyến đã nhắc đi nhắc lại: thầy dạy bồi dưỡng cho trò là vấn đề rất tự nhiên và đó là điều tốt, nên chẳng việc gì phải bận tâm. Điều đáng bàn là DT-HT phát triển tràn lan như hiện nay đã và đang gây nhiều nguy hại cho người học, người dạy, nhà trường và cả ngành giáo dục.
Cụ thể, theo ông Huyến, việc học nhồi nhét như hiện nay sẽ làm cho trẻ con mất đi khả năng tự học và tính độc lập trong cuộc sống; DT-HT tràn lan với nhiều “chiêu trò nhếch nhác” đã gây bất bình cho xã hội, gây tổn thương đến uy tín của đội ngũ nhà giáo; uy tín của nhà trường và của ngành giáo dục, nhân dân mất niềm tin vào nền giáo dục nước nhà.
“Nhiều người, dù không đủ khả năng, nhưng vẫn tìm mọi cách cho con du học nước ngoài” - ông Huyến quả quyết.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Điều ông Huyến lo cũng là điều mà Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng - nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - trăn trở: “Cái gì trẻ cũng được “mớm” nên sau này trẻ không còn khả năng tự lực được nữa”. Và hậu quả nhãn tiền là HS ở bậc THPT ngày nay không còn khả năng tự học.
“Bộ GD-ĐT khuyến khích HS tự học, tự nghiên cứu, nhưng từ nhỏ đến lớn các em đã được “mớm” quen rồi nên tự học, tự nghiên cứu gần như là điều không thể” - bà Nguyễn Thị Thu Cúc - Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, cho biết.
Đã có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc DT-HT tràn lan như hiện nay như: do đồng lương không đủ sống, nhà giáo phải DT để nuôi mình và nuôi nghề; phụ huynh cũng có tâm lý muốn con hơn người, thi cử đỗ đạt, nên bằng mọi giá cho con HT; vì chạy theo thành tích nên các nhà quản lý ngành cũng phải “tiếp tay” cho DT-HT…
Nhưng nguyên nhân chính yếu được xác định là chương trình quá nặng nề và cách thi cử - đánh giá hiện nay chưa hợp lý. Khi chương trình quá nặng, giáo viên không đủ thời gian chuyển tải nội dung bài học, HS không đủ thời gian để tiếp thu kiến thức, thì chuyện DT-HT không thể không diễn ra dù hình thức có khác nhau.
Để thay đổi căn bản tình hình, các nhà giáo dục đều thống nhất kiến nghị Nhà nước giải quyết cùng lúc hai vấn đề: mạnh dạn thay đổi chính sách tiền lương đối với nhà giáo theo nguyên tắc “giáo viên sống được bằng lương”, đồng thời cũng phải mạnh dạn giảm tải chương trình theo hướng “dạy ít, luyện tập nhiều, nhớ lâu”. Nhà giáo Đỗ Đức Huyến khẳng định, nếu thiếu một trong hai giải pháp vừa nêu sẽ không thể thay đổi được tình hình.
Nhưng không ai biết được khi nào những điều “mong ước” đó mới trở thành hiện thực. Cho nên, theo các nhà giáo, trước mắt DT-HT vẫn cứ phải tồn tại, thậm chí là tồn tại trên diện rộng và HS vẫn tiếp tục được dạy và học theo kiểu “nuôi gà công nghiệp”!
Theo PhunuOnline