Năm học này, Bộ GD-ĐT nêu quyết tâm dẹp bỏ vấn nạn dạy thêm - học thêm tràn lan, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, tình trạng này không có gì thay đổi. Bằng nhiều cách khác nhau, giáo viên khiến phần lớn phụ huynh phải cho con đến lớp học thêm.
Lớp học thêm tiếng Anh ở địa chỉ 38 Nguyễn Phi Khanh, Q.1, TP.HCM vào cuối giờ chiều ngày 24.9
Phụ huynh viết đơn “tự nguyện”
Cách xưa cũ nhất để hợp thức hóa việc dạy thêm của giáo viên (GV) hoặc các trường là yêu cầu phụ huynh ký vào đơn tự nguyện đã được soạn sẵn. Năm nay, do quy định mới có vẻ chặt chẽ hơn nên việc ép tự nguyện chuyển sang một hình thức có vẻ tinh vi hơn: đưa mẫu đơn rồi bắt phụ huynh về chép lại bằng tay.
Một phụ huynh có con học lớp 10 Trường THPT Việt Nam - Ba Lan (Hà Nội), phản ánh: “Trong buổi họp phụ huynh cuối tháng 8, cô giáo phát cho mỗi phụ huynh một tờ đơn tự nguyện học thêm tại trường. Đơn tự nguyện có đoạn: Để củng cố nâng cao kiến thức nhằm phục vụ tốt hơn cho quá trình học tập của các cháu học sinh.
Tôi viết đơn này mong nhà trường tổ chức lớp học để dạy các cháu các môn học toán, lý, hóa, Anh… để các cháu có điều kiện nâng cao kiến thức của mình trong năm học 2012 - 2013 cũng như để phục vụ cho các kỳ thi tốt nghiệp THPT, ĐH trong những năm sau này”.
Cuối đơn, còn có thêm một câu đầy chất “tự nguyện”: Xin chân thành cảm ơn nhà trường. Ai muốn cho con học thêm thì chép lại bằng tay và nộp lại. “Cô giáo giải thích, mọi năm, phụ huynh chỉ việc ký tên vào đơn tự nguyện là xong. Riêng năm nay, phụ huynh… tự chép lại cho danh chính ngôn thuận”, vị phụ huynh cho biết.
Cuối cùng, 100% phụ huynh trong lớp đều làm theo lời cô. 100% lá đơn được chép lại thay vì ký sẵn nhưng không thể đảm bảo bao nhiêu phần trăm trong số đó là tự nguyện thực sự.
Một nhóm phụ huynh của Trường THCS An Đà (Q.Ngô Quyền, Hải Phòng), cũng cho biết GV phát cho phụ huynh đơn mẫu xin học thêm và yêu cầu phụ huynh phải chép lại bằng tay. Học sinh phải học thêm tất cả các buổi sáng trong tuần từ thứ hai đến thứ bảy với 4 môn: toán, văn, tiếng Anh, hóa với chính những GV dạy ở lớp.
Còn phụ huynh lớp 4 Trường tiểu học Kim Liên (Hà Nội) thì cho biết năm nay “quả bóng” dạy thêm được đẩy sang cho ban phụ huynh. Cô tổ chức dạy thêm và thông báo cho ban phụ huynh của lớp, ai muốn học thêm thì đăng ký với ban phụ huynh. Như vậy ban phụ huynh tự tổ chức lớp học thêm và mời cô đến dạy chứ hoàn toàn không phải chủ trương của cô.
Cho bài khó, điểm thấp.
Một phụ huynh có con học lớp 1 Trường tiểu học Láng Thượng (Q. Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Mới vào lớp 1 được ít tuần mà học sinh đã liên tục nhận được điểm 1, 2 của cô giáo. Khi thì vì viết quá xấu, khi thì vì tẩy xóa…”. Liền sau đó là nhận được thông báo cô tổ chức dạy thêm tại nhà.
Phụ huynh một trường tiểu học ở Q.Tân Bình (TP.HCM) lo lắng: “Con tôi theo học tiếng Anh ở trung tâm ngay từ hồi lớp 1. Từ đó đến nay tôi không cho cháu học thêm ở nhà cô nên không biết đây có phải là lý do cô chưa từng gọi con tôi phát biểu trong lớp hay không? Mà tiếng Anh không được rèn kỹ năng giao tiếp thì làm sao hiệu quả?”.
Một phụ huynh học sinh lớp 1 của Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.Thủ Đức, TP.HCM) phản ánh: “Trong tuần đầu tựu trường, cô giáo chủ nhiệm cho bài tập về nhà yêu cầu học sinh viết 1 trang giấy họ tên”.
Có phụ huynh bức xúc cho biết thay vì hướng dẫn học trò làm những bài tập khó trên lớp, cô lại giao về nhà. Cha mẹ bận rộn hoặc không hiểu biết làm sao hướng dẫn cho con nên đành phải cho đi học thêm thôi!
Lãnh đạo trường không biết
Ấy thế nhưng khi trao đổi với lãnh đạo các trường thì luôn nhận được câu trả lời rất giống nhau: Trường không hề biết, không hề cho phép.
Bà Phan Thị Lan Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Liên, khẳng định: “GV đã ký cam kết với nhà trường là không dạy thêm cho học sinh của lớp mình ở ngoài nhà trường nên không có trường hợp nào dạy thêm mà được sự cho phép của lãnh đạo. Nếu nhà báo chỉ đích danh cô nào dạy thêm, tôi sẽ kỷ luật ngay”.
Ông Nguyễn Văn Cứng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.Thủ Đức), cho rằng: “Trường hợp GV tổ chức dạy thêm, nếu có thì cô giáo này cũng chưa xin ý kiến của lãnh đạo nhà trường. Do đó trường sẽ tìm hiểu và báo cáo lên phòng giáo dục quận để có hướng xử lý nghiêm khắc”.
Khi trao đổi với ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng phòng Giáo dục Q.12, TP.HCM, về việc một số giáo viên Trường THCS Nguyễn Huệ tổ chức lớp dạy thêm ở nhà hoặc thuê mặt bằng ở gần trường, ông Hiếu khẳng định: “Phòng GD mới tiếp nhận thư phản ánh của một số phụ huynh về các lớp học thêm, phòng sẽ cương quyết xử lý theo đúng quy định”.