Xa nhà, ăn ở, đi lại khó khăn, thiếu thốn nhiều thứ, thêm lối sống khép kín, thậm chí là sự phân biệt, kỳ thị âm thầm khiến nhiều tân sinh viên rơi vào nỗi chán chường.
“Bạn quê ở đâu? – Hải Phòng. Còn bạn? – Ái. Hải Phòng à? Thế thì đanh đá ghê gớm lắm!”
Đó là đoạn hội thoại đầu tiên trong suốt hai tuần học đầu tiên của Nguyễn Thị Duyên (SV năm nhất, quê ở Hải Phòng) với ba người bạn ngồi bàn trên. Mọi hào hứng kết bạn biến mất. Nỗi ấm ức thay cho sự ngại ngùng - Duyên không nói thêm lời nào.
Bước vào giảng đường, không ít sinh viên thu mình vì những kỳ thị vùng miền
“Em cảm thấy tức không chịu được, chẳng hiểu vì sao họ lại đặt chuyện ra như vậy? Nhưng chẳng lẽ cãi nhau ngay trong lớp? Thế chẳng khác nào khẳng định lời của họ là đúng!” – Duyên ấm ức nói. Kể từ đó, Duyên lặng lẽ hẳn, không còn muốn chủ động kết bạn với ai trong lớp nữa.
Còn Lã Thị Phượng (SV HV Báo chí tuyên truyền, quê Nghệ An) đã có nguyên một tuần liền không trò chuyện gì với bạn bè cùng phòng trong KTX. Phượng cũng hạn chế tối đa giao tiếp với các bạn, chỉ vì sợ bị chê giọng mình khó nghe.
“Hồi mới ra Hà Nội, mỗi lần trò chuyện, các bạn lại nhìn nhau rồi hỏi lại em vì khó hiểu. Có bạn rất ác, rấm rứt cười khiến em thấy mình như bị đem ra làm trò cười vậy” – Phượng rụt rè nói.
Vốn nhút nhát, cô bé quyết định càng ít nói càng tốt, càng ít giao tiếp càng tốt cho đỡ bị để ý.
Bi kịch hơn, một số tân sinh viên còn chia sẻ họ vô cớ bị bạn bè cùng phòng trọ tẩy chay, chơi xấu vì quan niệm vùng miền.
“Lúc biết em quê Nam Định, các bạn chỉ cười nhạt, rồi dần dần thấy họ lạnh nhạt với mình. Phòng có sáu người, nhưng các bạn chỉ mượn đồ, dùng đồ của nhau, còn chẳng bao giờ hỏi đến em. Đi ăn cơm, đi mua sắm họ cũng rủ nhau đi, không rủ em” – Trần Thị Liên (SV Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) buồn nói.
Liên càng đau lòng hơn khi tìm hiểu ra lý do khiến mình bị “hắt hủi” là vì những người bạn kia cho rằng "dân Nam Định ghê gớm", "dân hai ngón", không nên thân thiết hay qua lại nhiều. Những câu truyền miệng, những lời nói vô tình ác ý đã khiến quãng thời gian đầu nhập học của Liên thật nặng nề.
“Sóng ngầm”...
Mỗi người mỗi quê, ai cũng có những tự hào, những tâm sự riêng. Vì nhiều định kiến, suy nghĩ chưa chín chắn khiến không ít bạn trẻ tự đặt ra những ranh giới, đẩy chính mình và bạn bè vào những con sóng ngầm của sự phân biệt, kỳ thị.
Nhiều SV trong lớp của Phan Thị Thanh (xin giấu tên trường đang học) đã quá quen với kiểu tách nhóm của hội "quý tộc". Theo Thanh, nhóm này toàn những bạn con nhà khá giả, được chu cấp đầy đủ xe đẹp, "dế" xịn và đều là “người Hà Nội”.
Các bạn chỉ chơi với nhau, tụ tập, chia sẻ với nhau còn các sinh viên tỉnh lẻ khác thì lại chia thành nhiều nhóm nhỏ khác. Bởi vậy học chung nhưng có nhiều bạn không biết tên của nhau là chuyện bình thường. Mặc dù không ai nói ra nhưng tất cả đều cảm nhận được không khí thiếu đoàn kết trong lớp qua những khác biệt trong phong cách, lối sống.
"Đến lớp nhiều lúc hơi buồn vì chẳng mấy ai thực sự thân thiết, hòa đồng. Mình cũng là sinh viên tỉnh lẻ nên cũng có phần mặc cảm. Bạn nào nói chuyện, chia sẻ gì thì mình quan tâm lại, còn không cũng kệ" - Thanh nói.
Nguyễn Thanh Loan (SV Trường ĐH Công Nghiệp Hà Nội) cho biết, thời gian đầu chưa hiểu hết về nhau, cũng có nhiều khoảng cách giữa các bạn nông thôn và thành thị, lớp chia thành nhiều tốp, học và chơi theo hội, thậm chí có cái nhìn không thiện cảm lắm với các bạn xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn do khác nhau về phong cách, cách ứng xử.
Tuy nhiên, nhờ những chuyến dã ngoại hay các buổi ngoại khóa, các bạn chia sẻ nhiều hơn, đồng cảm và gần như không còn những ánh mắt nghi ngại như trước nữa.
"Dù bạn là ai, đến từ đâu không quan trọng. Thời sinh viên tưởng dài nhưng ngắn ngủi lắm, nếu không nắm tay nhau để cùng vượt qua những khó khăn trong học tập và cuộc sống sẽ cảm thấy hối tiếc khi mất đi những tình bạn đẹp chỉ vì định kiến, suy nghĩ hẹp hòi..." - Loan chia sẻ.