Hà Nội: Sông Hồng “ngoạm” bờ, đe dọa hàng trăm hộ dân

Thứ ba, 25/09/2012, 09:37
Sông Hồng “ngoạm” bờ gây xói lở, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản hàng trăm hộ dân quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng (Hà Nội), khiến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phải chỉ đạo các đơn vị liên quan cấp bách xử lý đoạn đê này.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội vừa có báo cáo UBND thành phố về tình hình sạt lở bờ sông Hồng thuộc địa bàn phường Chương Dương (Hoàn Kiếm) và phường Thanh Lương (Hai Bà Trưng). Theo sở này, hàng năm đoạn đê qua hai phường trên vẫn tiếp tục sạt lở nghiêm trọng.
 
Mỗi năm “ngoạm” sâu vào bờ 2m
 
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, khu vực sát bờ sông Hồng đoạn chảy qua hai phường Chương Dương và Thanh Lương dài 2230m, có chỗ hố xói nước sâu tới 9m. Trên bãi sông, cư dân đông đúc, rất nhiều nhà dân xây dựng sát mép sông.

Tuy nhiên, mới chỉ có một đoạn dài 800m được gia cố đường bờ (từ năm 1984), các đoạn còn lại chưa được gia cố hoặc gia cố tạm bợ do dân làm tự phát bằng cọc tre, đắp bao tải.

 
  Mỗi năm sông Hồng vẫn liếm vào bờ hàng mét

Mỗi năm sông Hồng vẫn "liếm" vào bờ hàng mét
 
Hơn nữa, bờ sông có rất nhiều vách đứng, chênh cao giữa mặt bãi và mực nước sông trung bình khoảng 9m. Địa chất bờ sông cũng không đồng nhất với rất nhiều phế thải vật liệu xây dựng được tập kết, chất tải ngay trên mép bờ, do đó nguy cơ sạt lở luôn tiềm ẩn, đe dọa tới tính mạng và tài sản người dân khu vực.

Đặc biệt, bờ sông Hồng qua địa bàn hai phường này có đoạn dài khoảng 100m, bờ dốc dựng đứng bị sạt lở tạo thành vách sâu 5 đến 6m. Mỗi năm đoạn này lở sâu vào phía trong trung bình 2m. So với mốc chỉ giới cắm năm 1995, đến nay bờ đã bị lở sâu vào trong khoảng 40m.
 
Sở NN&PTNT cho biết, hiện tượng sạt lở kéo dài diễn ra nhiều năm, có đoạn đã làm nứt đường bê tông nhà dân với bề rộng từ 2 đến 5cm và ngày càng mở rộng. Tại khu vực trụ sở Cảnh sát Giao thông đường thủy (Công an thành phố Hà Nội) xuất hiện nhiều vết nứt cách nhà khoảng 3m làm cho phần đất gần móng có hiện tượng nghiêng hẳn về phía sông có thể sạt lở bất cứ lúc nào.
 
Lái dòng gây sạt lở
 
Theo Sở NN&PTNT ngoài nguyên nhân khách quan là do tác động dòng chảy gây xói lở bờ, còn có nguyên nhân chủ quan do con người tác động. Một số hộ dân đã đổ đất đá, phế thải xây dựng tạo nền và xây dựng công trình phụ, nhà tạm và dần xây dựng nhà kiên cố trên đất yếu, không đồng nhất, gặp mưa lớn hoặc lũ gây sạt trượt.
 
Hơn nữa, việc lái dòng của ngành giao thông hướng dòng chảy về bờ tả khu vực cảng Hà Nội cũng là một trong các nguyên nhân làm cho dòng chủ lưu áp, thúc vào bờ gây sạt lở. Ngoài ra, tác động của sóng tàu khi chuyển cũng là nguyên nhân dẫn đến sông “ngoạm” bờ.
 
Để khắc phục tình trạng trên, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo ban quản lý dự án và các đơn vị liên quan cấp bách xử lý để bảo toàn tình mạng và tài sản nhân dân. Giai đoạn 1 của dự án đến nay cơ bản đã phát huy hiệu quả ngăn chặn sạt lở bờ.
 
Sở NN&PTNT cũng đang có kế hoạch kè chân đoạn còn lại của bờ sông Hồng đoạn chảy qua hai phường Chương Dương và Thanh Lương. Nhu cầu kinh phí thực hiện giai đoạn 2 ước tính khoảng 115 tỷ đồng (chưa bao gồm giai đoạn xử lý cấp bách, trong đó GPMB khoảng 50 tỷ đồng).
 
Để đảm bảo quá trình thi công, Sở NN&PTNT đề xuất, quận Hoàn Kiến và quận Hai Bà Trưng chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng đoạn sạt lở và có nguy cơ sạt lở đến phạm vi thoát lũ đã được phê duyệt. Sở này cũng kiến nghị thành phố cho phép chuẩn bị đầu tư dự án.  
 
Trong mùa mưa bão năm nay, đoạn đê sông Hồng, phố Bạch Đằng (quận Hoàn Kiếm) bị sạt lở nghiêm trọng. Lực lượng chức năng đã kiên quyết di dời khẩn cấp một số hộ dân ra khu vực nguy hiểm.


Theo Dantri

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích