"Giáo dục Việt Nam cần giải phẫu gấp"

Thứ năm, 27/09/2012, 14:05
GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng: "Đã từ lâu không có trường đại học nào của Việt Nam lọt vào top 500 trường được xếp hạng quốc tế. Giáo dục đại học Việt Nam ở mức bao nhiêu của thế giới thì chưa rõ, nhưng ở mức rất tệ thì quá rõ ràng".
- Thưa GS, là một Việt kiều tâm huyết với giáo dục Việt Nam, hiện cũng đang điều hành một công ty ở Việt Nam, ông có nhận xét gì khi Việt Nam đang chuẩn bị cho một cuộc cải cách giáo dục?
 
GS Nguyễn Đăng Hưng: Lại một đề án mới về cải cách giáo dục? Thú thật, đã từ hơn 15 năm nay, tôi đã nghe nhiều về quyết tâm này, tôi đã bao lần đề đạt các ý kiến, đã mấy lần ký chung với các đồng nghiệp trong và ngoài nước những kiến nghị về cải cách giáo dục, chẳng hạn như kiến nghị phát xuất từ nhóm của GS Hoàng Tụy (2001 rồi 2009), nhưng chuyện đâu lại vào đó. 
 
GS Nguyễn Đăng Hưng: Các cơ quan chức năng đã bắt đầu ý thức được một điểm căn bản là bấy lâu nay giáo dục Việt Nam không đem lại chất lượng, không thể là tiền đề cho việc công nghiệp hóa đất nước!
 
Giáo dục vẫn theo đà cũ, bấy lâu nay chẳng có gì thay đổi! Từ gần ba năm nay, tôi phát biểu ít đi vì tôi nghĩ lặp lại mãi những ý kiến đã nói thì không hay, có khi lại nhàm tai người nghe, nhất là các cơ quan chức năng.
 
Đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa? Nghe qua thì có xôm tụ đó, nhưng vì tôi chưa thấy nội dung, chưa có thông tin về cách đặt vấn đề, chưa chứng kiến các bước ban đầu, chưa nghe tên nhân sự khởi xướng, người đứng ra điều động, chưa thấu triệt khâu thực hiện ra sao, nên tôi cho rằng mình phải kiểm chứng, cần phải có thái độ cẩn trọng trong nhận xét…
 
Điều đầu tiên mà tôi có thể nói được là khi Bộ GD-ĐT kêu gọi nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì ngay trong cái tên của đề án đã tỏ rõ là: Các cơ quan chức năng đã bắt đầu ý thức được một điểm căn bản là bấy lâu nay giáo dục Việt Nam không đem lại chất lượng, không thể là tiền đề cho việc công nghiệp hóa đất nước!

Cái chính yếu là nền giáo dục phải lấy quyền lợi tri thức của người đi học làm mục đích, trong đó những giá trị chân, thiện, mỹ là nền tảng. - GS Nguyễn Đăng Hưng
Đây là lời thú nhận cần thiết (và thống thiết) của một nền giáo dục bị chệch hướng đã hơn nửa thế kỷ nay! Nền giáo dục Việt đang là một con bệnh nặng. Vấn đề là tìm cho ra căn nguyên thì mới có thể có phương pháp chữa trị.

Thật vậy, bệnh đã xâm nhập tận xương tủy, đã thành di căn, phải có phương pháp mạnh, chữa trị từ gốc, ngay cả phải giải phẫu cắt bỏ, mới có cơ may thoát hiểm. 
 
Tôi đã đọc phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn sang tại lễ khai giảng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội): “Các giá trị văn hóa bản sắc dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, các ngành khoa học xã hội và nhân văn gánh vác trách nhiệm quan trọng trong giáo dục tư tưởng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, xây dựng các chuẩn mực giá trị đạo đức, nhân cách con người VN”.

Ông còn nhấn mạnh thêm sau đó: “Chất lượng nghiên cứu khoa học, sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học với giảng dạy tạo nên yếu tố quyết định chất lượng đào tạo nguồn nhân lực”. Đây là những nhận xét đúng hướng. 
 
Vấn đề là chữa trị bằng cách nào và ai sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm đề đạt những biện pháp cụ thể. Sai lầm đã liên tục tác hại trên nửa thế kỷ, việc chữa trị tất nhiên đòi hỏi thời gian ít ra là một hai thập kỷ. 
 
Tuy nhiên, việc quan trọng là có đột phá về tư duy, trở về với những giá trị cơ bản nhất của tinh hoa nhân loại và truyền thống dân tộc cao đẹp ngàn năm, để có những chọn lựa ban đầu hợp lý và chính xác. Vạn sự khởi đầu nan, nhưng theo tôi cái khởi sự thực thụ chưa bắt đầu đúng hướng.
 
- Theo ông, giáo dục Việt Nam đang có thuận lợi và thách thức gì khi bắt đầu công cuộc đổi mới lần này?
 
GS Nguyễn Đăng Hưng: Thuận lợi thì không ít, có cái đã thấy từ lâu, có cái sau này mới tới, phần lớn là những điều kiện khách quan. Thuận lợi thứ nhất là con người Việt Nam, đất nước Việt Nam là xứ sở văn hiến nghìn năm. Người Việt Nam ham học, ham hiểu biết. Tất cả các đại học trên thế giới đều nhận định là sinh viên Việt Nam nói chung học rất giỏi, tiến bộ rất nhanh và đạt thành tích cao. Chỉ có những người tốt nghiệp tại Việt Nam thì bị sắp hạng lộn ngược mà thôi.
 
Thuận lợi thứ hai là Việt Nam có một đội ngũ chuyên gia trí thức Việt kiều đông đảo và được đào tạo bài bản ở các nước tiên tiến nhất và họ có tình yêu quê hương nồng nàn, sẵn sàng chọn lựa về Việt Nam làm việc nếu có được một môi trường thân thiện, một chế độ lương tiền hợp lý...

Sau 20 năm đổi mới, gần đây một thế hệ mới có điều kiện đi du học ở các nước phát triển. Họ đã tốt nghiệp và nếu bố trí nhân sự hợp lý khi về nước, họ sẽ là những nhân tố thường trực quyết định cho việc hiện đại hóa nền giáo dục đại học.
 
Thuận lợi sau cùng là giai cấp trung lưu tại Việt Nam đã bắt đầu thành hình, đã có cuộc sống được cải thiện và sẽ ủng hộ một nền giáo dục có chất lượng tại Việt Nam, thay vì phải gởi con em xuất ngoại tốn kém như các đại gia mà ta thường thấy. Ngân sách của chính phủ dành cho giáo dục cũng rất đáng kể, vấn đề đặt ra là phải chấn chỉnh chi tiêu cho hợp lý, cắt bỏ những gì không cần thiết và củng cố những gì thiết yếu cho cải cách giáo dục.
 
Nhưng thách thức thì theo tôi là còn rất lớn và khó vì cái chính là những điều kiện chủ quan. Vô cùng khó vì đó là những đường mòn tiêu cực đã thành hình từ hơn nửa thế kỷ, lây lan ra xã hội, trở thành hiện tượng phản xạ phổ biến tự nhiên mà người trong cuộc chưa nhận thức được chứ đừng nói đến chuyện tháo gỡ. 
 
Các nền giáo dục thành công trên thế giới đều coi việc đào tạo nhân cách con người, truyền đạt kiến thức đích thực khoa học là mục đích căn bản của nền giáo dục quốc dân. 
 
- Là một GS đại học 40 năm, từng giữ chức Trưởng khoa Cơ học phá hủy của ĐH Liège (Vương quốc Bỉ), thực hiện nhiều dự án giáo dục hợp tác Việt-Bỉ, xin ông cho biết giáo dục đại học Việt Nam đang ở mức nào của thế giới?
 
GS Nguyễn Đăng Hưng: Đã từ lâu không có trường đại học nào của Việt Nam lọt top 500 trường được xếp hạng quốc tế. Giáo dục đại học Việt Nam ở mức bao nhiêu thì chưa rõ, nhưng ở mức rất tệ thì quá rõ ràng.
 
Sẽ chính xác hơn nếu ta xem xét các nấc thang giá trị cụ thể sau đây. Trong năm 2011, Việt Nam với dân số hơn 80 triệu dân nhưng không có bằng sáng chế nào được đăng ký tại Mỹ. Trong khi đó, con số này ở năm 2011 của một số nước trong khu vực Đông Nam Á như sau: Singapore: 647 bằng/4,8 triệu dân, Malaysia: 161/27,9 triệu, Thái Lan: 53/68,1 triệu, Philippines: 27/93,6 triệu, Indonesia: 7/232 triệu. 
 
Giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tích ngược đáng lo sợ. Chính tôi cũng là nhân chứng sống của sự kiện xuống dốc này. Trình độ trung bình của sinh viên các cao học thạc sỹ do chúng tôi tổ chức từ năm 1995 cho đến năm 2007 ngày càng xuống, điểm trung bình cuối năm của các em ngày càng tệ.
 
- Trong số các vấn đề sau của giáo dục đại học: Giảng viên đại học có mức lương thấp, nhiều giảng viên đại học chưa đạt chuẩn, nghiên cứu khoa học yếu, tính tự chủ và chịu trách nhiệm của trường đại học chưa bắt kịp với thế giới... theo giáo sư, giáo dục đại học Việt Nam phải ưu tiên cải cách vấn đề nào trước, hoặc ưu tiên giải quyết vấn đề gì? Nếu Việt Nam có một cuộc cách mạng giáo dục đại học thì ông đặt tên nó là gì? 
 
GS Nguyễn Đăng Hưng: Một cuộc cải cách đột phá là điều không thể né tránh. Càng chần chờ, tình trạng càng tệ hại. Trước tiên, nhân sự lãnh đạo giáo dục phải thay đổi tận gốc, phải nhanh chóng loại bỏ ra ngoài lề những thế lực kém cỏi bảo thủ.
 
Bản thân việc cải tổ nền giáo dục cần sự dứt khoát nhưng cũng cần thời gian và lòng kiên trì, sức bền bỉ. Không thể một sớm một chiều mà chúng ta có thể đảo ngược được con bệnh đã đi vào xương vào tủy. Nếu cần những phương thuốc mạnh tay, hiệu quả của phương thuốc sẽ cần thời gian ít ra hai thập kỷ mới có cơ may rõ nét. 
 
Nên là một cuộc cải cách quyết liệt, đồng bộ, một cuộc hồi sinh của nền giáo dục bằng con đường trở về với những chân giá trị mà tất cả các nước văn minh tiên tiến đã thực thi hằng mấy thế kỷ nay với những kết quả không thể chối cãi.
 
- Theo ông, Việt Nam cần phát triển một mô hình giáo dục đại học riêng hay đi theo những mô hình đã có sẵn trên thế giới như Mỹ hay các nước châu Âu? 
 
GS Nguyễn Đăng Hưng: Các nước phát triển có dân trí cao đều có những nền giáo dục đại thể giống nhau. Những nét đặc thù là thứ yếu tùy theo bản sắc văn hóa riêng biệt của từng nước.
 
Cái chính yếu là những nền giáo dục phải lấy quyền lợi tri thức của người đi học làm mục đích, trong đó những giá trị chân, thiện, mỹ là nền tảng. Quyền lợi của thế lực chính trị hay tôn giáo không được đặt trên quyền lợi của người dân với tất cả sự phong phú của sắc tộc, của thành phần, của gốc gác, của giai cấp, của tôn giáo hay không tôn giáo…
 
Người học được giáo dục một cách khách quan, vô tư, được đào tạo một cách trung thực, trong đó quyền tự do, tính độc lập, sự chân thực phải tuyệt đối được tôn trọng.
 
Nhân cách hướng thiện, thương nước, yêu dân, tinh thần vì mọi người, vì xã hội, vì cộng đồng sẽ được hình thành một cách tự giác, tự nguyện… Giáo dục phải đặt trên cái nền như vậy mới có thể trường tồn, phát huy, đảm bảo chất lượng.
 
- Nếu bây giờ có người mời ông làm Hiệu trưởng của một ĐH ở Việt Nam thì trong năm đầu tiên ông sẽ làm gì, và sau đó ông sẽ làm gì?
 
GS Nguyễn Đăng Hưng: Tôi sẽ không bao giờ nhận chức Hiệu trưởng một trường nếu quyền tự chủ đại học chưa được thừa nhận một cách minh bạch, dứt khoát… Tôi sẽ dựa trên những nguyên tắc cơ bản nói ở trên để tổ chức đại học. Trong điều kiện hiện hữu ở Việt Nam, tôi sẽ ưu tiên cho việc chọn lựa và bổ nghiệm người thầy, nhanh chóng cải thiện thành phần đứng lớp. 
 
Tôi sẽ có biện pháp khuyến khích nghiên cứu khoa học, dành ít nhất 40% thời gian cho nghiên cứu khoa học.  Như vậy nội dung giảng dạy sẽ được dần dần cải tiến, công bố khoa học sẽ nở rộ, bằng sáng chế sẽ xuất hiện sau mười, hai mươi năm. 
 
-Cảm ơn giáo sư đã trả lời phỏng vấn.
 
Theo GDVN

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn