Phạt 30 triệu đồng, vẫn khó triệt tận gốc dạy thêm-học thêm

Thứ hai, 18/03/2013, 17:32
Bắt đầu vào mùa cao điểm của việc dạy thêm - học thêm khi học sinh chuẩn bị thi kết thúc học kỳ và đặc biệt là chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng như thi tốt nghiệp THPT, thi vào ĐH, CĐ, thi vào lớp 10 và thậm chí thi vào... lớp 1.

Gần một năm sau khi Bộ GDĐT ban hành thông tư về quản lý dạy thêm học thêm (DTHT), mới đây trong dự thảo về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục thì DTHT được quy định mức phạt cao nhất tới 30 triệu đồng. Điều này cho thấy ngành giáo dục chưa... buông xuôi trước vấn đề gây nhiều tranh cãi này.

Giáo viên giỏi cũng bị phạt

Vừa qua, Sở GDĐT Hải Phòng đã thông báo xử lý kỷ luật 4 giáo viên (GV) vi phạm quy định dạy thêm, học thêm trong toàn ngành. Các GV bị  kỷ luật đều là những GV dạy giỏi. Tại tỉnh Phú Yên, đến cuối năm 2012 đã có gần 20 GV vi phạm dạy thêm, học thêm bị đề nghị xử lý kỷ luật.

Trước đó - giữa năm 2011, Sở GDĐT tỉnh Cà Mau kỷ luật 16 GV vì dạy kèm theo hình thức gia sư với hàng chục học sinh một lần, trong khi quy định cho phép gia sư chỉ được dạy không quá hai học sinh. Cuối năm 2011, Sở GDĐT Quảng Ngãi đã kỷ luật 10 GV vi phạm quy định dạy thêm - học thêm, 10 GV này đã bị đình chỉ giảng dạy từ 15 - 30 ngày, xử phạt hành chính từ 1,5 - 2 triệu đồng.

day them


Vừa tạo nhu cầu, vừa đi… diệt

Đây chính là thực trạng trong việc DTHT hiện nay. Và có thể nói, chính vì vậy mà ngành giáo dục dù có tăng mức phạt cũng không thể giải quyết triệt để  vấn đề này. Anh Đào Minh Thy - Q.Bình Tân (TPHCM) - chia sẻ “Nhiều khi tôi muốn tự dạy con mình cũng rất khó, bởi chương trình cải cách hiện nay tôi không theo kịp, lại chẳng có thời gian để tìm hiểu, tham khảo sách giáo khoa trước... Tôi cho rằng, việc cho con đi học thêm là một “cứu tinh” hợp lý với riêng tôi cũng như hầu hết mọi phụ huynh khác”. 

Thầy Võ Anh Dũng - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM - cho rằng, DTHT không chỉ là hệ lụy của chương trình học quá nặng mà còn bị “ảnh hưởng” bởi chế độ thi cử, tuyển sinh vào ĐH. Hậu quả này còn là hệ lụy của việc phân luồng học sinh ở các bậc học chưa tốt.

Thực tế cho thấy, khi mà  nhu cầu của hầu hết học sinh là sau khi tốt nghiệp THPT là phải học ĐH, trong khi lối vào ĐH chỉ là ngõ hẹp thì việc học thêm, luyện thi vẫn tiếp tục diễn ra. Phải giải quyết tận gốc các vấn đề về quản lý thì may ra việc DTHT mới đi vào khuôn khổ và đúng mục đích, chứ không trở thành vấn đề nan giải như hiện nay.

Tăng mức phạt chưa phải là giải pháp “tận gốc”

Trong dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, Bộ GDĐT vừa đưa ra để lấy ý kiến, thì đối với các hành vi vi phạm quy định về dạy thêm sẽ bị phạt từ 3 - 30 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm.

Câu hỏi được đặt ra là: Việc tăng mức phạt trong dạy và học thêm có giống như việc phạt người hút thuốc lá nơi công cộng, quản lý vẫn đi vào “ngõ cụt”? Cũng theo thầy Võ Anh Dũng, mức phạt được nâng cao, cụ thể hóa... cũng chỉ mang tính “hình thức”. Bởi vấn đề đặt ra là ai, đơn vị nào sẽ có  quyền để giám sát việc DTHT một cách hợp lý và hiệu quả nhất vẫn chưa “xác định” được, thì mức phạt cao hay thấp cũng không thể giải  quyết rốt ráo vấn đề.

Cô Đặng Kim Dung - GV Trường THCS Lam Sơn, Q.6 (TPHCM) - cho rằng: “Có điều gì đó hơi bất công khi nhiều người cho rằng DTHT là tệ nạn.

Chúng tôi không đồng ý, thậm chí là “tẩy chay, lên án” một bộ phận đồng nghiệp lợi dụng dạy thêm để kiếm tiền. Khi mà nhu cầu của xã hội là có thật, khi mà người thầy vẫn phải dùng chuyên môn của mình để  dạy cho các HS ở các lớp học thêm, thì thiết nghĩ  dư luận xã hội và cả nhà quản lý các cấp cũng nên công bằng hơn trong việc nhìn nhận việc dạy thêm của GV.

Và nên chăng, chúng ta hãy quản lý giáo viên dạy thêm giống như BS mở phòng mạch (?), để qua kiểm tra, phát hiện ai đó vi phạm, thì các cấp quản lý có quyền phạt, đình chỉ, thậm chí tước quyền hành nghề giống như nghề bác sĩ.

Theo dự thảo nghị định, sẽ có nhiều mức phạt, dao động từ 3 triệu - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định về dạy thêm. Theo đó, phạt từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, ép buộc học sinh học thêm; từ 5 - 10 triệu đồng đối với đơn vị tổ chức dạy thêm tại địa điểm không đảm bảo quy định.

Phạt từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi quản lý thu, chi tiền dạy thêm-học thêm không đúng quy định, hồ sơ không đầy đủ; Phạt từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi dạy thêm không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn. Riêng hành vi cấp phép dạy thêm-học thêm không đúng thẩm quyền, dự thảo đề xuất mức phạt từ 20 - 30 triệu đồng...

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: “Ai vi phạm cũng sẽ bị xử lý”. Có ý kiến băn khoăn về việc những giáo viên dạy giỏi hay giáo viên dạy thêm vì nể nang phụ huynh cũng bị phạt vì vi phạm quy định DTHT! Theo tôi, bất cứ ai vi phạm cũng phải chịu xử lý theo quy định. Thầy cô ra những đề kiểm tra với yêu cầu quá cao hoặc có những tình tiết lắt léo, đánh đố học sinh thì sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, tạo cái gọi là “nhu cầu” cho trẻ đi học thêm.  

Theo Laodong

Các tin cũ hơn