Đại lộ Đông Tây: quản lý manh mún

Thứ hai, 18/03/2013, 14:09
Một đề án quản lý tuyến đường đẹp nhất TP.HCM vừa được trình lãnh đạo TP nhằm tạo đột phá trong quản lý đô thị, bởi hiện nay, việc quản lý tuyến đường này quá manh mún.

Sau khi được UBND TP.HCM đồng ý về nội dung đề cương sơ bộ về thí điểm tổ chức quản lý, khai thác và bảo trì tuyến đại lộ Đông Tây (nay là đường Võ Văn Kiệt và Mai Chí Thọ) vào đầu tháng 8/2012, lực lượng TNXP TP vừa trình lại đề án khả thi.

Trong đó, đề án nhấn mạnh vấn nạn ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự, mất an toàn giao thông sẽ từng bước biến mất nếu TP giao cho đơn vị này quản lý toàn tuyến đại lộ Đông Tây.

Một tuyến đường, hơn 8 đơn vị quản lý

Mục tiêu mà đề án đặt ra là quản lý đồng bộ toàn tuyến đại lộ Đông Tây thông qua một đầu mối thống nhất, tạo sự đột phá trong quản lý đô thị.

Ông Trần Phú Lữ, Phó Chỉ huy trưởng Lực lượng TNXP TP, cho biết hiện tại, có đến 8 quận, huyện và nhiều sở, ngành, đơn vị trực thuộc quản lý từng phần nhỏ trên đại lộ Đông Tây (cây xanh, chiếu sáng, thoát nước, đường, cầu, lề đường).

Đại lộ Đông Tây
Hiện có đến 8 quận, huyện và nhiều sở, ngành, đơn vị trực thuộc quản lý từng phần nhỏ trên đại lộ Đông Tây.

“Do thiếu phối hợp nên hiệu quả quản lý chưa cao, nhiều bất cập phát sinh như tình trạng lấn chiếm lề đuờng để kinh doanh, buôn bán; xe máy lưu thông ngược chiều; thanh thiếu niên tụ tập chạy xe phóng nhanh vượt ẩu; tình trạng đổ rác, xà bần, kim tiêm, đổ đất cát trái phép trên lề đuờng…”, ông Lữ cho biết.

Hiện nay, công tác bảo trì, duy tu đại lộ Đông Tây hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước nhưng phần tiền này chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu. Trong khi kinh phí bảo trì thiếu thốn thì các nguồn lợi khác lại chưa được khai thác đúng mức, chẳng hạn dịch vụ quảng cáo, cho thuê hầm kỹ thuật, bãi đậu xe…

Ông Lữ khẳng định TNXP TP chỉ quản lý, khai thác và bảo trì tuyến đường chứ không làm thay nhiệm vụ quản lý Nhà nước của các sở, ngành. Giữa lực lượng TNXP và các sở, ngành TP sẽ vận hành theo quy chế phối hợp riêng; các sở, ngành vẫn là “đầu tàu” tổ chức công việc cụ thể.

Xin nhiều cơ chế đặc biệt

Một trong những điều gây “lấn cấn” trong đề án là việc lực lượng TNXP TP xin phép được kiểm tra vi phạm và lập biên bản xử phạt hành chính, tạm giữ chứng cứ vi phạm, sau đó chuyển cho cơ quan chức năng xử lý.

Đơn vị này còn kiến nghị TP cho phép thí điểm xử phạt ngay những trường hợp không cần lập biên bản như lấn chiếm lề đường, xả rác…

Bên cạnh đó, lực lượng TNXP còn xin TP cho đơn vị này được thí điểm cấp phép và quản lý việc sử dụng lề đường trên tuyến.

Một điều nữa cũng được các sở, ngành quan tâm là làm rõ nguồn thu để bảo trì tuyến đường. Trong đề án có nêu các nguồn thu như khai thác quảng cáo thương mại, khai thác tiềm năng du lịch dọc kênh Bến Nghé - Tàu Hũ, trạm dừng, nhà chờ, bãi đậu xe, cho thuê hầm kỹ thuật, thu phí qua hầm vượt sông Sài Gòn.

Tuy nhiên, đề án chưa nêu rõ ngân sách TP sẽ phải hỗ trợ bao nhiêu và lực lượng TNXP có được bao nhiêu tiền để bảo trì tuyến đường hằng năm.

“Do đây chỉ là đề án, không phải dự án khả thi nên chúng tôi không làm rõ nguồn thu. Đồng thời, do quy hoạch phát triển các ngành chưa có nên không thể tính toán cụ thể nguồn thu”, ông Lữ nói.

Vấn đề lún đang là mối quan tâm lớn trên toàn tuyến đại lộ Đông Tây. Câu hỏi đặt ra là liệu lực lượng TNXP có đủ kinh nghiệm xử lý vấn đề này?

Đại diện TNXP TP cho biết nếu được giao quản lý tuyến đại lộ Đông Tây, tất nhiên đơn vị này sẽ đào tạo cán bộ đủ tầm để xử lý vấn đề lún trên tuyến, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT để tìm ra biện pháp xử lý, khắc phục.

“Nếu TP đã giao chức năng thì tất nhiên sẽ phải giao vốn, tài sản và nhân sự cho lực lượng TNXP thực hiện. Đây chỉ là đề án do TNXP TP đề xuất, TP vẫn chưa quyết định sẽ giao cho đơn vị nào quản lý thực hiện”, đại diện TNXP TP cho biết.

Không chỉ đại lộ Đông Tây

Phạm vi mà đề án đề xuất là toàn bộ tuyến đại lộ Đông Tây kéo dài từ nút giao Tân Kiên (huyện Bình Chánh) đến nút giao Cát Lái (quận 2), đường hầm sông Sài Gòn (kể cả trạm thu phí), kênh Bến Nghé, một phần kênh Tàu Hũ, toàn bộ tuyến đường Bến Vân Đồn, Bến Ba Đình và Bến Bình Đông.

Dự kiến, kế hoạch tiếp nhận được chia thành 4 giai đoạn kéo dài từ năm 2013 - 2014.

Đề án này cũng là cơ sở để triển khai cho các tuyến đường đẹp ở cửa ngõ TP sau này, như xa lộ Hà Nội, Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn