Phóng viên đã ghi lại những hình ảnh chân thực và xúc động về một ngày cuối tuần của đại gia đình này.
Khu nhà của ông Nguyễn Văn Giáo – 75 tuổi ở xã Yên Phú, Yên Mỹ, Hưng Yên gồm 5 căn biệt thự liền kề, giống hệt nhau; nằm trên mảnh đất rộng trên 2.500 m2, giữa khung cảnh thôn quê mộc mạc. |
Khu biệt thự được xây dựng năm 2006. Năm căn nhà chung một sân vì ông cho rằng chỉ một bờ ngăn cũng thể hiện sự chia rẽ, xa cách. |
Ông Giáo và các con cháu đã trải qua quãng thời gian dài lao động vất vả để có cơ ngơi hiện nay. Đi lên từ nghề mộc, ông luôn tâm niệm phải làm giàu từ sức lao động của chính mình. |
Anh Nguyễn Văn Trà – con út của ông Giáo là người quản lý trực tiếp tại xưởng gỗ. Hai cha con thường xuyên trao đổi kinh nghiệm làm nghề. Xưởng mộc cũng là nơi làm việc của các thành viên trong gia đình. |
Nguồn thu chính của đại gia đình từ sản xuất và kinh doanh, bao gồm cửa hàng vật liệu xây dựng, xưởng mộc và cửa hàng bán quần áo, đồ dùng thể thao. Thu nhập của công ty dùng để chi phí sinh hoạt cho các gia đình theo nguyên tắc công bằng. |
Ngoài kinh doanh, gia đình ông còn làm nông nghiệp. Theo ông Giáo, hai ao cá cho thu hoạch 1 – 2 tấn mỗi vụ. Đây vừa là nguồn thu, vừa nơi thư giãn của các thành viên sau khi làm việc mệt mỏi. |
Sau một ngày làm việc, đến khoảng hơn 5h chiều, bà Đỗ Thị Nhẫn – vợ ông Giáo cùng các con dâu và cháu về bếp để chuẩn bị bữa tối cho cả nhà. |
Cô Đào Thị Lân và cô Đỗ Thị Nhiên vợ của người con thứ tư và người con út vui vẻ trò chuyện và bày tỏ sự hạnh phúc khi được sống quây quần cùng đại gia đình. |
Ông Giáo có 13 cháu nội ngoại, 3 chắt. Buổi chiều, chiếc sân chung trở thành nơi vui chơi của các cháu nhỏ. |
Được sống cùng con cháu là niềm hạnh phúc lớn lao của tuổi già. |
Bữa tối là khoảng thời gian cả nhà được ngồi bên nhau. Đại gia đình 24 người của 4 thế hệ cùng trò chuyện về mọi điều trong cuộc sống. |
Mặc dù làm ở Hà Nội, con trai trưởng Nguyễn Văn Dung (áo xanh bên phải) vẫn hàng ngày sáng đi, chiều về để dành thời gian chăm lo cho gia đình vì “Muốn giữ được nếp nhà, người con cả phải gương mẫu”. |
Gian thờ của gia đình được đặt ở nơi cao nhất của ngôi nhà chính giữa – nơi lưu giữ rất nhiều bằng khen, giấy khen của gia đình. “Tôi không treo giấy khen ở phòng khách vì có thể với các gia đình khác, gia đình tôi vẫn còn khiêm tốn lắm. Nhưng đối với gia đình tôi, niềm tự hào này vô cùng lớn lao. Nhìn vào những thành tích này, các con, các cháu biết tự nỗ lực để gìn giữ nếp nhà và vươn lên trong cuộc sống.” |
Theo GD&XH